{keywords}
Lời nhắn xin được giúp đỡ mọi người của 2 bác sĩ trẻ người Ý. Ảnh: Băng Trịnh

‘Gửi tới những người già hoặc ốm ở chung cư: thời gian này tốt nhất là nên ở trong nhà. Cháu sống ở tầng 3, tên là Flavia. Cháu là bác sĩ vật lý trị liệu, và cháu tình nguyện giúp bà con cô bác việc đi chợ hằng ngày (hoàn toàn miễn phí). Nếu bấm chuông cửa mà không thấy cháu ở nhà, xin các bác để lại tên trong hòm thư nhà cháu, cháu sẽ liên hệ lại ngay khi có thể’.

Cháu là Giulia, sống ở khu C. Cháu là bác sĩ và cháu sẵn sàng giúp người già hoặc ốm đau cần đi chợ hoặc đi mua thuốc. Nếu ai cần giúp xin bấm chuông cửa tên Listanti Giulia, cầu thang C, nhà số 16. Cháu sẽ trả lời ngay nếu cháu có nhà’ (Vanessa Dương dịch).

Đó là 2 trong số những mẩu tin nhắn gây xúc động mạnh mà cộng đồng người Việt ở Ý đang chia sẻ cho nhau được chị Vanessa Dương dịch lại từ bức ảnh chụp. Chúng được viết bởi những người Ý trẻ tuổi đang nỗ lực chung tay cùng cộng đồng trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh Covid-19 đang lan rộng khắp đất nước này.

{keywords}
Đường phố vắng vẻ ở Ý. Ảnh: Lastampa

‘Vì tôi có thể đi lại, tôi sẵn sàng vận chuyển và giao hàng cho những người gặp khó khăn và những người bình thường không thể trả tiền taxi, hoàn toàn miễn phí’.

Chị Jenny Hạnh Nguyễn – một người Việt đang sống ở Olbia, Sardinia, miền bắc nước Ý đọc được dòng tin này trên một tờ báo tiếng Ý.

Tin nhắn xuất hiện trên Twitter, được viết bởi Roberto Mantovani - một tài xế taxi tới từ Bologna. Trong vòng vài giờ, nó đã được lan truyền khắp mạng xã hội này. Người cảm ơn anh, người thì khuyến khích anh. 

Roberto Mantovani trả lời : ‘Đó chỉ là một đóng góp nhỏ cho sự đoàn kết. Nó chẳng làm tôi mất đi một chút chi phí nào cả’. Tuy nhiên, tại thời điểm này, trong một bầu không khí đặc biệt: ‘Có lẽ bạn cần nhìn thấy một người nào đó đưa tay ra cho người khác’.

Anh nói đùa rằng đó cũng là một cách để anh ‘cân bằng lại nghiệp chướng một chút’.

‘Tôi đã làm việc cẩu những chiếc xe đậu sai chỗ trong suốt 20 năm và tôi là người bị ghét nhất ở Bologna. Tôi bị lăng mạ và chửi thề mỗi ngày. Sau đó, bốn năm trước, tôi quyết định trở thành tài xế taxi. Tôi cũng thích làm việc vào ban đêm để gặp gỡ những người vui vẻ, tán chuyện với nhau và cười’.

Roberto cố gắng làm cho mình trở nên hữu ích theo một cách khác. ‘Tôi có thể làm những gì mà một đứa con trai hay một đứa cháu có thể làm khi một người lớn tuổi nhờ giúp. Tôi có thể chở hàng hoá, chở người hoặc mua hàng giúp họ’.

Tin nhắn của anh được đăng lại ở khắp mọi nơi trên các phương tiện truyền thông xã hội, nhưng người Ý ngại ngùng và xấu hổ khi yêu cầu một dịch vụ miễn phí. Roberto đã thử cung cấp dịch vụ vào dịp Giáng sinh và anh đã không nhận được nhiều cuộc gọi.

Không phải ai cũng có một tài khoản Twitter để liên lạc với anh. Đối với những người cần, Roberto gửi cho họ số điện thoại di động của mình.

Hôm qua, một thanh niên gọi cho Roberta qua sự giới thiệu của một người bạn, anh ấy cần đến bệnh viện Maggiore để chuẩn bị cho một ca phẫu thuật, nhưng cuối cùng anh ấy được mẹ đưa đi, ‘nhưng có thể họ sẽ cần tôi khi họ quay trở về từ bệnh viện’.

Bệnh viện Maggiore ở Bologna cũng đã đề nghị anh giúp họ đưa đón một người khuyết tật, ‘nhưng việc đó hiếm khi xảy ra, bởi vì họ đã có phương tiện riêng của mình’.

Nhưng bây giờ, ý tưởng của anh đã thành công. Anh tự chế giễu: ‘Có những đồng nghiệp đã làm tình nguyện nhiều năm ở các hiệp hội và hội chữ thập đỏ. Đó là sự đoàn kết thực sự’. 

Cùng với Roberto, 40 tài xế taxi ở Milan đã hưởng ứng phong trào này bằng cách cung cấp dịch vụ miễn phí cho những người gặp khó khăn trong những ngày 'nước sôi lửa bỏng'. 

{keywords}
Đội ngũ y tế đang nỗ lực ngày đêm để bảo vệ người dân.

Tính đến ngày 13/3, Ý đã có 17.660 ca nhiễm, 1266 người chết, và 1439 ca bình phục. Nếu như chỉ nhìn vào những con số này, người ta sẽ dễ rơi vào hoảng loạn và thất vọng. Nhưng những gì người Ý đang làm trong thời điểm này sẽ khiến cả thế giới phải ngạc nhiên và nể phục.

Anh Nguyễn Anh Huy – du học sinh ĐH Gregoriana ở Roma, Ý – chia sẻ, theo một sắc lệnh đang ban bố trên toàn nước Ý: “Io resto a casa, fallo anche tu” (Tôi đang ở nhà, bạn cũng thế nhé!), đường phố vắng tanh người vì người dân hạn chế ra đường. ‘Nhưng không phải vì sợ, mà hơn hết là muốn chung tay chống sự lây lan của dịch bệnh’.

‘Người Ý ở lại nhà của họ, chứ không hốt hoảng bỏ trốn gây náo loạn’ – anh nói.

Và đúng như phong cách người Ý, họ có cách lo lắng riêng và cũng có kiểu lạc quan riêng.

Những ngày gần đây, cứ đến 18 giờ - thời điểm chính quyền cập nhật số liệu mới về các bệnh nhân nhiễm virus corona, người Ý lại rủ nhau ra đứng ở cửa sổ hay ban công để đàn hát thay vì ca thán, sợ hãi. Bài quốc ca Ý được vang lên đồng thanh trong các khu chung cư một cách hùng tráng và đầy xúc động.

Trưa ngày 14/3, họ rủ nhau vỗ tay tập thể để cảm ơn và chúc mừng nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ trong suốt những ngày qua. Trước đó, một công ty tổ chức sự kiện đã gửi tặng các y bác sĩ của Bệnh viện Sacco ở Milan 2.000 bông hoa hồng như một lời cảm ơn đầy lãng mạn. Có lẽ chỉ người Ý mới động viên nhau theo cách như thế.

{keywords}
Người ý ra ban công vỗ tay tập thể để động viên các y bác sĩ

‘Lệnh phong tỏa khiến người dân ý thức và tin tưởng hơn là bức bối và rối bời. Họ an ủi và giúp đỡ nhau hết sức có thể. Họ biết rằng tâm lý ổn định và tinh thần thoải mái tác động tốt thế nào đến hệ miễn dịch và việc phòng chữa bệnh’.

Trong các cộng đồng người Việt ở Ý, ai cũng bảo nhau cùng hoà chung với tinh thần của người Ý. Họ ở yên trong nhà và động viên những người bên ngoài bằng cách vẽ những chiếc cầu vồng kèm theo lời động viên ‘Tất cả rồi sẽ ổn thôi!’

Có lẽ khẩu hiệu ‘Tôi đang ở nhà’ đúng với cả những người Việt xa quê, bởi vì hơn lúc nào hết, họ thực sự coi nước Ý như ngôi nhà thứ hai của mình.

Hội chứng bệnh nhân thứ 17

Hội chứng bệnh nhân thứ 17

 Tôi nghĩ, các nhà nghiên cứu tâm lý Việt Nam nên đưa hiện tượng tâm lý này vào làm đối tượng nghiên cứu. Vì nó, hội chứng này, thực sự đã làm thay đổi cả Hà Nội trong suốt tuần qua…  

Nguyễn Thảo