Tháng 1/2020, một người bạn đã nhắn tin nhờ Ruby giúp đỡ khi phát hiện ảnh của mình bị đăng tải trên trang web AnonIB - nơi đăng tải hình ảnh "khiêu dâm trả thù" ("revenge porn").

"Khi vào trang web đó, tôi đã rất kinh ngạc trước tính hệ thống và có tổ chức của nó, với nội dung được cung cấp bởi chính những người xung quanh mình", Ruby chia sẻ.

AnonIB phân loại bài đăng theo quốc gia và khu vực. Theo The Guardian, trong loạt bài liên quan đến thị trấn của Ruby, có đến tận 16 trang đầy những hình ảnh nhạy cảm của phụ nữ, kèm theo các bình luận chỉ ra danh tính và thông tin, địa chỉ của nạn nhân.

nan nhan cua viec chia se anh nong anh 1

Nhiều phụ nữ trở thành nạn nhân của việc phát tán ảnh nhạy cảm trên mạng. Ảnh: The Times.

"Văn hóa sưu tầm"

AnonIB không phải là trường hợp duy nhất. Nó chỉ là một ví dụ cho "văn hóa sưu tầm" - cụm từ được nhắc đến trong báo cáo của Revenge Porn Helpline - RPH (tạm dịch: Đường dây trợ giúp nạn nhân của phim khiêu dâm trả thù). RPH nhận định đây là vấn nạn đang ngày càng phổ biến. Trong ngữ cảnh này, "sưu tầm" có nghĩa là đăng tải, so sánh và trao đổi ảnh nhạy cảm của phụ nữ.

"Khía cạnh mất nhân tính nhất của việc lạm dụng hình ảnh thân mật chính là việc phụ nữ bị coi như món hàng, chiến tích để trao đổi, khoe khoang", Zara Ward, chuyên viên cấp cao tại RPH, nhận định.

Theo Ward, những hình ảnh nhạy cảm có thể bị đăng tải bởi bất kỳ ai - người yêu cũ, bạn bè, hacker - nhưng chắc chắn không có sự đồng thuận của nạn nhân.

Việc này có thể xảy ra ở mọi nền tảng chia sẻ được hình ảnh trong nhóm. Có nhiều dẫn chứng cho thấy nạn lạm dụng ảnh thân mật khá phổ biến. Một nghiên cứu về vấn đề trên tại Australia, New Zealand và Vương quốc Anh cho thấy cứ 5 người đàn ông thì có một người tham gia vào việc này. Trong thời gian giãn cách xã hội, khi hoạt động trên mạng thay thế tương tác ngoài đời, những cuộc gọi đến RPH nhờ giúp đỡ tăng gấp đôi.

nan nhan cua viec chia se anh nong anh 2

Việc phát tán ảnh nhạy cảm không có sự đồng thuận là vấn đề khá phổ biến. Ảnh: Parentology.

Elena Michael, thành viên chiến dịch chống phim khiêu dâm trả thù #NotYourPorn, nhận định: “Thông thường, chúng ta nghĩ ‘phim khiêu dâm trả thù’ là việc đăng tải ảnh nhạy cảm của nạn nhân lên web khiêu dâm và phát tán nó cho bạn bè, gia đình của họ nhằm sỉ nhục và gây tổn thương".

Tại Anh, mục 33 của Đạo luật Tòa án và Tư pháp Hình sự năm 2015 quy định việc tiết lộ “ảnh và phim khiêu dâm riêng tư với mục đích gây đau khổ” là bất hợp pháp.

Tuy vậy, việc đăng tải ảnh nóng để trả thù chỉ là một trong nhiều hình thức lạm dụng. "Sự thật là, nhiều kẻ phát tán hình ảnh không muốn nạn nhân phát hiện ra. Chúng làm việc đó trong bí mật", Michael nói.

Clare McGlynn, giáo sư luật tại Đại học Durham (Anh), nhận định: “Mọi người nghĩ rằng thủ phạm phát tán ảnh thân mật là những kẻ biến thái hoặc cực kỳ độc ác. Nhưng thực tế, đó là những người đàn ông, con trai mà ta thấy hàng ngày. Các nhóm kín, những cuộc trò chuyện, việc kết nối thân thiết bằng ảnh khiêu dâm đều rất phổ biến”.

Giáo sư Nicola Henry, học giả pháp lý xã hội tại Đại học RMIT Australia đã nghiên cứu động cơ của thủ phạm qua việc phân tích các nền tảng, diễn đàn và trang blog nơi hình ảnh được chia sẻ, đồng thời phỏng vấn những kẻ đăng tải.

“Truyền thông thường chú ý vào vấn đề phát tán ảnh nóng để trả thù người yêu cũ, nhưng trên thực tế, việc này thường nhằm mục đích thỏa mãn tình dục hoặc gây ấn tượng trên mạng. Ví dụ, tại một số trang web, nhiều người chia sẻ hình ảnh của vợ và bạn gái để nhận lời khen từ những người dùng khác", giáo sư cho biết.

nan nhan cua viec chia se anh nong anh 3

Trả thù không phải là một lý do phổ biến khi thủ phạm đăng tải ảnh nhạy cảm của nạn nhân. Ảnh: Homegrown.

Hậu quả nặng nề

Bất kể động lực của thủ phạm là gì, hậu quả của việc này rất nặng nề.

Helen (28 tuổi) cảm thấy mình trở thành một người hoàn toàn khác sau khi ảnh nhạy cảm của cô bị chia sẻ trong một phòng chat kín.

Cô nhớ mình đã gục ngã trong nước mắt. Những hình ảnh trong tin nhắn là từ mối quan hệ cũ đã kết thúc 2 năm trước đó của cô.

"Người yêu cũ đã đảm bảo với tôi rằng chúng sẽ bị xóa hết. Chúng tôi vẫn nói chuyện như bạn bè cho đến khi việc này xảy ra. Tôi không có lý do gì để nghĩ rằng anh ta sẽ làm vậy", cô nói.

Hơn 18 tháng trôi qua, cô vẫn vật lộn với nỗi đau. "Tôi độc thân và cảm thấy rất khó khăn khi hẹn hò. Tôi từng cởi mở, tự tin và tự hào về tính dục của mình. Việc này đã phá hoại điều tôi yêu quý ở bản thân", cô nói.

"Có những khoảnh khắc, tôi cảm thấy xấu hổ không thể kiểm soát hoặc bất chợt sợ hãi. Tôi né tránh sự thân mật bởi thật đáng sợ khi trao niềm tin cho ai đó", Helen bày tỏ.

nan nhan cua viec chia se anh nong anh 4

Những nạn nhân bị đăng tải ảnh nhạy cảm trên mạng phải chịu nhiều hậu quả nặng nề. Ảnh: The Guardian.

Bạn trai cũ của cô bị cảnh sát thẩm vấn và cũng đã gửi cô lời nhắn thừa nhận đã chia sẻ ảnh nóng, nhưng nói thêm rằng anh ta "không bao giờ có ý định làm tổn thương cô".

"Tôi đã vui mừng khi nhận được lời thú tội mà cảnh sát có thể sử dụng, nhưng tuyên bố không có ý định tổn thương tôi đã bảo vệ anh ta khỏi việc bị truy tố", cô kể lại.

Ruby và những nạn nhân tại thị trấn địa phương cũng không tìm được sự trợ giúp từ pháp luật. Nhiều kẻ phát tán ảnh có thể biện minh cho hành động bằng cách nói rằng họ làm việc đó cho vui hoặc để thỏa mãn nhu cầu cá nhân.

"Chúng tôi đang vận động để loại bỏ yếu tố động cơ khỏi luật. Chia sẻ những hình ảnh thân mật khi không có sự đồng thuận là điểm mấu chốt và đó là điều bất hợp pháp", Ruby nói.

Có những dấu hiệu cho thấy khả năng thay đổi của pháp luật. Tuy nhiên, McGlynn cảnh báo rằng đó chỉ là một phần của giải pháp.

"Vấn đề chính trở lại với văn hóa, giáo dục và công việc trong trường học. Nhiều cậu trai tuổi vị thành niên vẫn có áp lực phải khoe "chiến tích" để chứng tỏ bản thân là đàn ông - điều đó cần thay đổi", cô nói.

Trong khi đó, Ruby băn khoăn không biết có nên thông báo cho nạn nhân về việc hình ảnh nhạy cảm của họ đang trôi nổi trên mạng, bị trao đổi, chia sẻ, thu thập và bình luận bởi những người lạ.

“Điều đó thực sự khó khăn. Trên trang web, có những cô gái tôi nhận ra và cảm thấy mình có nghĩa vụ đạo đức phải nói với họ. Nhưng liệu có nên không khi họ chẳng thể làm gì nếu biết tin, ngay cả nếu báo cảnh sát. Bởi vậy, tôi nghĩ rằng mình sẽ không báo tin và làm trật hướng cuộc sống của họ", cô chia sẻ.

Theo Zing

Người phụ nữ 30 lần ngoại tình: Tất cả chỉ vì một điều của đàn ông

Người phụ nữ 30 lần ngoại tình: Tất cả chỉ vì một điều của đàn ông

Luo không ngờ mình đã lầm lạc đến 30 lần. Cô chỉ nhận ra điều đó khi ngồi lại liệt kê tất cả những lần đã phản bội chồng. Lần đầu tiên, cô rất lo và day dứt, nhưng càng về sau càng thấy bình thường.