Ông Lương Tuyển (SN 1947) ở xã Ninh Quang, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa được nhiều người biết đến vì lấy bằng thạc sĩ luật năm 70 tuổi. Mới đây, ông cùng vợ - bà Trần Thị Sơn (SN 1952), tham gia chương trình Mảnh ghép hoàn hảo. Câu chuyện của hai vợ chồng khiến nhiều người cảm phục.

Người đàn ông năm nay 74 tuổi kể bố mẹ ông mất sớm vì vậy ba anh em ông phải dọn đến ở cùng bà ngoại. Lúc đó, ông Tuyển rất thích được đi học, mhưng bà ngoại đã lớn tuổi, không thể lo cho các cháu. Học đến lớp 5, ông Tuyển đã phải nghỉ, hằng ngày đi làm ruộng, mò cua, bắt ốc lo cái ăn, cái mặc.

{keywords}
Ông Tuyển với tấm bằng thạc sĩ luật. 

Năm 1975, ông Tuyển và bà Sơn nên duyên vợ chồng. Sau đám cưới, vợ chồng họ mưu sinh bằng nghề làm nông. Trong những ngày đi làm đồng giữa trời nắng, ông Tuyển nghĩ phải học hành đàng hoàng cuộc sống mới khá lên được.

Hai năm sau, nhiều cán bộ trong thôn, xã đi học bổ túc văn hóa, ông Tuyển cũng xin đi học. “Ban ngày, tôi đi làm ruộng. Tối đến, tôi mang sách vở đi học”, ông Sơn kể.

Đoạn đường từ nhà đến chỗ học hơn 10km, phải đi bộ, hôm nào cũng đến nửa đêm mới về nhà nhưng ông Tuyển không nản chí. Sau khi tốt nghiệp THPT, ông học lên trung cấp, rồi ông lấy bằng đại học. Năm 2017, ông lấy bằng thạc sĩ luật tại Đại học Luật TP.HCM.

{keywords}
Bà Trần Thị Sơn.

Đến hôm nay, bà Sơn vẫn không thể quên giai đoạn khó khăn khi bà vừa lo kinh tế gia đình vừa chăm con nhỏ, chu toàn việc nội ngoại để chồng yên tâm đến trường. Đặc biệt năm 1988, ông Tuyển đi học ở trường trung cấp ngành chăn nuôi thú y ở Phú Yên cũng lúc đó, bà Sơn sinh con trai thứ hai, gia đình vô cùng khó khăn.

Để có tiền cho chồng ăn học, ban ngày, bà Sơn đi làm y tá. Buổi chiều, sau khi lo cơm nước cho chồng con, bà tranh thủ thời gian rảnh nấu rượu, nuôi heo để có tiền trang trải cuộc sống và đóng học phí, mua sách vở, đồ dùng học tập cho chồng.

Khi vừa tốt nghiệp trung cấp, ôngTuyển bị bệnh lao phổi, do trong thời gian học bị lao lực, thiếu ăn. Ông phải nằm viện điều trị 18 tháng mới khỏi.  Nhớ lại biến cố ấy, ông Tuyển xúc động: “Lúc ấy, tôi chỉ lo vợ con ở nhà không biết thế nào, mùa bão lũ ra sao”. 

{keywords}
Vợ chồng ông Lương Tuyển.

May mắn, sức khỏe ông Tuyển phục hồi nhanh. Khi có bằng cấp, ông được phân làm chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Ninh Quang 1, hướng dẫn người dân khai hoang, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi. Nhờ vậy, cuộc sống của ông bà khá hơn.

Tuy nhiên, việc đồng áng, làm ăn kinh tế ngày càng đòi hỏi kiến thức cao hơn. Bước sang tuổi 50, ông Tuyển đi học đại học. Nói về lý do việc học bị gián đoạn, ông Tuyển cho biết là vì không có đủ tài chính. "Cứ có thể là tôi khăn gói đi học, hết tiền tôi lại xin nghỉ. Thành ra, đến năm 70 tuổi, tôi mới lấy được bằng thạc sĩ", ông Tuyển chia sẻ. 

Khi được hỏi, có khi nào giận chồng vì nuôi ông ăn học quá vất vả, bà Sơn thừa nhận, có đôi lúc bà cũng khóc thầm, tự thấy sao mình khổ quá. Nhưng nghĩ tới tương lai của con và sự học của chồng, bà chấp nhận hy sinh. Một phần bà nghĩ, đó là niềm hạnh phúc của bà.

{keywords}
Bà Sơn rất tự hào khi nuôi được chồng học thành đạt.

“Ông ấy ham học, không chơi bời cờ bạc, rượu chè và lúc nào cũng thương yêu, chung thủy với vợ”, người vợ quê Khánh Hòa chia sẻ.

Tú Anh 

Ảnh: Chương trình cung cấp

Mẹ đơn thân cưới 9X ngồi xe lăn: Sau hôn lễ đẫm nước mắt là hạnh phúc

Mẹ đơn thân cưới 9X ngồi xe lăn: Sau hôn lễ đẫm nước mắt là hạnh phúc

“Anh không sợ trời, không sợ đất, anh chỉ sợ mỗi mẹ em”, là câu nói đùa của anh Hải khi nhớ về những lần hỏi cưới chị Mỹ bị mẹ vợ phản đối kịch liệt.