Theo người phụ nữ 66 tuổi, người bạn cùng phòng của bà khóc suốt đêm. Trong tiếng nức nở, bà đã kể với mọi người cùng phòng ở viện dưỡng lão về nỗi bất hạnh của mình.

“Cách đây ít ngày, tôi xem một chương trình ti vi, nghe người ta bàn về chữ hiếu khi các con đưa bố mẹ vào viện dưỡng lão. Tôi mới thấy nhẹ lòng. Hóa ra rất nhiều người đã có tư tưởng giống tôi.

Quê tôi ở là một thành phố nhưng nhiều người ở đó vẫn giữ quan điểm gia đình vô phúc, con cái bất hiếu, bố mẹ mới phải vào viện dưỡng lão. Thế nên khi thu dọn hành lý vào đây, tôi phải nói với những người hàng xóm là tôi đến nhà thông gia ở Hà Nội chơi, nhân tiện đi chữa bệnh”, bà Lê Thị H. (66 tuổi, quê Nam Định) bắt đầu câu chuyện về cuộc sống ở một viện dưỡng lão thuộc khu vực Hà Đông, Hà Nội.

{keywords}
Các cụ già trong hoạt động chụp ảnh cùng hoa sen (Ảnh: Viện dưỡng lão cung cấp)

Nhà neo người, bà H. chỉ có hai cô con gái là chỗ dựa vững chắc nhưng hiện tại cô con gái lớn đang sinh sống ở nước ngoài. Con gái thứ hai lấy chồng gần nhà lại đang trong thời kỳ nuôi con nhỏ.

Vì vậy khi bà H. đổ bệnh tai biến, đôi chân không thể đi lại như người bình thường, bà đã thuê một người giúp việc. Người giúp việc này thấy nhà bà khá giả, con cái sốt sắng lo cho mẹ nên ra sức làm mình làm mẩy. Cuối cùng, bà H. quyết định cho người giúp việc này nghỉ việc.

Sau khi người giúp việc nghỉ, gia đình thông gia của bà H. đã giới thiệu cho bà viện dưỡng lão này.

Viện dưỡng lão nằm trong khu đô thị với hàng trăm căn biệt thự khác. Không gian ở đây khá thoáng đãng và sạch sẽ. Lối vào có hai hàng cây xanh rợp bóng xanh mát nên bà có ấn tượng khá tốt.

{keywords}
Người đàn ông trong giờ giải lao tại viện dưỡng lão. Ảnh: Ngọc Trang

Bà H. vào viện dưỡng lão được gần 2 tháng, quãng thời gian chưa dài nhưng cũng đủ để bà quyết định gắn bó với nơi đây những năm tháng cuối đời.

Người phụ nữ này chia sẻ, nhiều người vào viện rồi không muốn về nhà vì về nhà thì cũng chỉ làm bạn với 4 bức tường. Vào đây họ có bạn, ốm đau bệnh tật có các nhân viên chăm sóc, điều kiện sống ở đây cũng khá tốt.

Tuy nhiên theo bà H, muốn đưa các cụ đi đâu thì cũng nên hỏi ý kiến các cụ, cho các cụ ở thử trải nghiệm. Nếu các cụ thấy không hài lòng với nơi ở mới này thì không nên bắt ép.

“Việc bắt ép người già đến một nơi ở mà họ không thích là nhẫn tâm”, người phụ nữ này nhận định.

Về chuyện này, bà H nhớ đến người bạn cùng phòng cách đây không lâu của mình. “Bà ấy chỉ vào đúng 1 ngày 1 đêm nhưng khiến cả viện dưỡng lão xôn xao”, bà H kể. Theo bà H, bà Tâm, người phụ nữ lớn tuổi vào trung tâm dưỡng lão khi trên người vẫn mặc trang phục bệnh viện.

“Bà ấy khóc và kiên quyết đòi về ngay khi các con đưa đến đây. Tuy nhiên không có người con nào để ý đến cảm xúc của bà ấy. Tất cả rời đi một cách nhanh chóng và bỏ mặc bà ấy cho các nhân viên y tế của trung tâm”, bà H nhớ lại.

Về trường hợp này, anh Nguyễn Hải Linh, điều dưỡng của viện dưỡng lão này cũng xác nhận, trước khi đưa mẹ vào, người con gái của bà Trần Thị Tâm đã đến để khảo sát về viện dưỡng lão.

Sau đó chị này cùng 1 người bạn gái, 1 người đàn ông (có thể là lái xe taxi) đưa bà Tâm vào. Ngay khi đưa mẹ vào, người con gái này yêu cầu nhân viên của viện dưỡng lão đưa mẹ mình lên nhận phòng. Chị này không quên nhắn nhủ nhân viên rằng mẹ của chị bị lẫn, không còn minh mẫn, vì vậy những lời bà nói không đáng lưu tâm.

Sau khi điền các thông tin, hoàn tất thủ tục, nhóm người này nhanh chóng rời đi, không từ biệt người mẹ một câu.

“Ngay từ khi con gái rời đi, người phụ nữ ấy đã bật khóc nức nở. Bà liên tục chia sẻ với chúng tôi bà không muốn ở đây. Con gái đã ép bà phải đi. Bà trò chuyện bằng thái độ nhã nhặn, nhẹ nhàng. Mọi lời nói, hành vi đều chừng mực chứng tỏ bà hoàn toàn minh mẫn không có dấu hiệu bị “lẫn” như người con gái nói. Vì vậy những điều bà nói chúng tôi tin là thật”, anh Linh kể lại.

Cũng theo điều dưỡng này, đêm đó cả viện đã mất ngủ vì tiếng khóc của thành viên mới này. “Tiếng chuông trong phòng của bà reo liên tục. Bởi bà khóc nhiều quá khiến những người bạn cùng phòng không thể ngủ. Họ bấm chuông để phàn nàn, báo cáo với các nhân viên điều dưỡng”.

Nửa đêm hôm đó ban lãnh đạo của viện điều dưỡng phải có mặt tại căn phòng của người phụ nữ trên. Trong tiếng nức nở, bà Tâm đã kể với mọi người nỗi bất hạnh của mình.

“Bà không có con trai mà chỉ sinh được con gái. Cuối đời, cô con gái nhiều lần muốn bán căn nhà của mẹ để lấy tiền nhưng người mẹ không đồng ý. Bà sống một mình ở căn nhà trên. Các con không ngó ngàng gì đến mẹ. Lần này, bà bị tai biến hàng xóm phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Ở viện được mấy ngày, cô con gái đã đến bệnh viện. Cô nói đưa mẹ đi dạo rồi tìm cách đưa mẹ vào đây”.

{keywords}
Tác phẩm do bà Lâm, một thành viên của viện dưỡng lão thực hiện (Ảnh: Viện dưỡng lão cung cấp)

Khi nghe được nguyện vọng của bà, lãnh đạo trung tâm đã điện thoại cho người nhà đến đón mẹ về. Tuy nhiên đến hết ngày hôm sau con của bà vẫn không vào đón mẹ.

“Cuối cùng, chúng tôi phải tự đưa bà Tâm về địa chỉ mà bà ấy muốn”, anh Linh kể tiếp.

“Bệnh nhân mới ở được một ngày nên tiền chi phí chúng tôi phải hoàn trả cho người con trên. Không chịu đến đón mẹ về nhưng 3 ngày sau khi nhận được điện thoại của chúng tôi, chị này đã nhờ người đến trung tâm để nhận khoản tiền trên”, nam điều dưỡng cho biết thêm.

Anh cũng nhấn mạnh không biết câu chuyện buồn ấy đúng được bao nhiêu % sự thật vì nhiều người già ở trung tâm này bị lẫn. Họ thường kể những câu chuyện có phần hoang tưởng. Tuy nhiên anhcho rằng, khi đưa mẹ đến một nơi ở mới thì cần phải có sự đồng ý của mẹ. Như vậy câu chuyện về chữ hiếu mới được nhìn nhận một cách trọn vẹn.

*Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi theo yêu cầu

Những cuộc đời bị bán sang bên kia biên giới

Những cuộc đời bị bán sang bên kia biên giới

Cuộc giải cứu đẫm máu và nước mắt theo lời kể của người cha như thước phim hành động quay chậm, cứa vào tim gan chúng tôi...

Cú sốc rẽ ngang cuộc đời người đàn bà ở Mỹ Đình

Cú sốc rẽ ngang cuộc đời người đàn bà ở Mỹ Đình

“Trong khoảng thời gian ly thân, con trai tôi buồn bã nhiều nên sa vào rượu chè và những cuộc ăn chơi thâu đêm. Ít lâu sau, con mắc bệnh và qua đời”, bà Vũ Thị Đỉnh kể.

Bếp ăn từ thiện của người phụ nữ đơn thân ở Sài Gòn

Bếp ăn từ thiện của người phụ nữ đơn thân ở Sài Gòn

Quán phở đang đông khách. Chị chủ quán tất bật với công việc của mình. Bên ngoài, một thùng to đặt trên bếp lò đang bốc hơi nghi ngút. Chị kêu lớn, nước sôi rồi, mấy chị ơi ...

Minh Anh - Ngọc Trang