Cố GS Nguyễn Văn Huyên (SN 1905 - 1975) là Bộ trưởng Bộ Giáo dục tại vị lâu nhất với thời gian kéo dài gần 30 năm. Dòng họ của ông có xuất thân từ làng Lai Xá, Kim Chung, Hoài Đức (Hà Nội) ra hành nghề y ở phố Thuốc Bắc.

Cha ông là Nguyễn Văn Vượng làm công chức Sở kho bạc Hà Nội những năm đầu thế kỷ 20. Cụ Vượng có 3 bà vợ và 11 người con.

Mẹ GS Huyên tên là Phạm Thị Tý (SN 1876) quê gốc Hải Dương nhưng các cụ trong họ lên kinh thành Thăng Long lập nghiệp từ sớm.

Cụ bà Phạm Thị Tý được cho là người có nhiều ảnh hưởng lớn đến lối sống, suy nghĩ và nhân cách của GS Nguyễn Văn Huyên sau này.

GS Huyên từng viết hồi ký: "Mẹ tôi là con gia đình làm nghề thầy thuốc ở Hà Nội, có anh cả đỗ cử nhân, làm tri huyện; Bản thân mẹ ham học hỏi, ghét mê tín, luôn cầu tiến, không thích cãi cọ với ai bao giờ. Mẹ góa chồng sớm, cần cù sớm khuya làm ăn, thờ chồng nuôi con".

PGS-TS Nguyễn Văn Huy (SN 1945 - nguyên Giám đốc Bảo tàng dân tộc học Việt Nam), con trai út GS Nguyễn Văn Huyên, chia sẻ, năm 1912 cụ Nguyễn Văn Vượng qua đời, cụ bà Tý vẫn còn trẻ đã tần tảo nuôi dạy 15 người con và cháu chồng ăn học bằng công việc cắt may quần áo. Khi đó GS Nguyễn Văn Huyên mới lên 7 tuổi.

"Thím tôi kể, thời điểm kiếm được tiền, bà nội lo liệu tậu nhà cho con riêng của chồng trước sau đó mới lo đến con ruột mình. Bà sống nhân hậu, không ai chê trách bà được điều gì. Đến khi con chồng chẳng may mất sớm, bà tiếp tục nuôi các cháu", PGS-TS Nguyễn Văn Huy nói.

Cụ bà Phạm Thị Tý
Cụ bà Phạm Thị Tý (1876 - 1949), người mẹ giỏi giang của cố GS Nguyễn Văn Huyên.

PGS Huy bồi hồi nhớ lại: "Các bác trong nhà tôi còn kể, thời kỳ Pháp thuộc, phố Thuốc Bắc còn là những mái nhà lụp xụp, hàng ngày bà nội tôi khoác tay nải quần áo cũ ra chợ bán. Dần dần bà mở được cửa tiệm.

Bà nội tôi nhanh nhẹn, tháo vát đến mức bà hay vào trong thành (di tích hoàng thành Thăng Long ngày nay), mua những bộ quần áo cũ nhưng còn lành lặn của lính tây, mang về gia công lại thành quần áo mới, phù hợp với dáng người Việt Nam rồi bán.

Quần áo bà may ra luôn đáp ứng được thị hiếu người dùng nên lúc nào cũng đắt khách. Từ những số tiền ít ỏi, bà tích lũy mua nhà cửa, đất đai. Nhờ vậy, bà có kinh tế duy trì gia đình, đảm bảo không con nào bị thất học. Bà vẫn dạy các con, phải coi sự học là kim chỉ nam, rèn dũa bản thân".

pgs tien si nguyen van huy

PGS-TS Nguyễn Văn Huy bên bức tượng cha mẹ tại bảo tàng Nguyễn Văn Huyên (Lai Xá, Hoài Đức, Hà Nội).

Giọng xúc động, PGS Huy cho biết thêm, mặc dù bà nội mình không biết chữ nhưng có tư chất thông minh đặc biệt, thuộc nhiều thơ ca, hò vè. Chỉ cần nghe qua một lần bà có thể thuộc làu.

Lúc rảnh rỗi, cụ bà Tý thường ngâm thơ, dạy cho các con, nhờ vậy các con bà đều có đời sống tinh thần khá phong phù. Đặc biệt, tư tưởng của bà rất tiến bộ và thức thời.

Ban đầu cụ cho GS Huyên học chữ Nho để nối nghiệp thầy thuốc nhưng sau thấy chữ Nho ngày một lụi tàn, ít người sử dụng, cụ chuyển con qua học chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp. Không riêng gì GS Huyên, những người con khác, cụ Tý đều cho theo học tại các trường của Pháp.

Trong đó có cô con gái cả Nguyễn Thị Mão (SN 1903 - 1992) phu nhân Phó Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phan Kế Toại sau này.

Bà Nguyễn Thị Mão tốt nghiệp trường Cao đẳng Đông Dương và trở thành giáo viên dạy toán. Người chị cả đã cùng mẹ dành dụm tiền cho hai em trai là GS Nguyễn Văn Huyên và Nguyễn Văn Hưởng sang Pháp du học.

Trước khi các con lên đường, cụ Tý đã làm bài thơ: “Khăng khăng ghi lấy một lòng/ Sang Âu, sang Mỹ học tòng nghề hay/ Muốn khôn thì phải tìm thầy” để nhắc nhở các con chăm chỉ tu nghiệp, làm rạng danh dòng họ.

"Với một gia đình giàu có, việc cho con sang nước ngoài du học là chuyện bình thường. Thế nhưng với một gia đình đông con, mọi gánh nặng kinh tế đều dồn lên đôi vai người vợ góa thì điều cho các con du học ít ai dám nghĩ đến.

Vậy mà bà nội tôi đã thực hiện điều đó, hi vọng gây dựng nên một nền tảng học vấn cho thế hệ con cháu mai sau của dòng họ Nguyễn",  PGS Huy nói.

{keywords}

Bàn làm việc của GS Nguyễn Văn Huyên lúc còn tại thế được gia đình lưu giữ tại bảo tàng Nguyễn Văn Huyên.

Bằng tình thương yêu vô bờ bến với các con và tư tưởng tiến bộ bà Phạm Thị Tý đã hun đúc, truyền cho các con ngọn lửa đam mê, ham học hỏi.

“Sinh thời, bác Mão hay nói chuyện, ngày nhỏ bố tôi học giỏi. Năm nào cũng có giấy mời phụ huynh đến dự lễ phát phần thưởng của thành phố ở Nhà hát lớn.

Bà nội tôi không đến được, vì vậy khi về nhà bao giờ cha tôi cũng mang phần thưởng đến đưa mẹ để báo cáo thành tích”, cháu nội cụ Tý kể.

Nhắc đến hành trình sang Pháp, em trai GS Nguyễn Văn Huyên đã viết trong hồi ký: "Hôm hai anh em lên đường là lúc đê bị vỡ phải đi thuyền sang Gia Lâm, phải chờ mấy tiếng để mua vé đi tàu hỏa xuống Hải Phòng rồi lên tàu Ayalerido đi Pháp.

Trong thời gian đợi tàu, hai anh em ghé qua nhà người bác họ là chủ hiệu ảnh Phúc Lai. Bác thuộc chi 2 dòng họ Nguyễn Lai Xá".

Theo đó, anh em GS Huyên qua Pháp không phải bằng tàu khách mà là tàu chở hàng hóa. Chiếc tàu này cập bến ở nhiều cảng biển của các nước.

Bởi vậy, hai anh em ông được thăm thú nhiều nơi, trải dài từ Việt Nam sang Pháp. Ngày 2/12/1926 họ đặt chân lên nước Pháp. Hai anh em sống kham khổ, chi tiêu dè sẻn từng đồng tiền chị gái và mẹ gửi sang.

“Sự khó khăn thiếu thốn khi đó từng được bố tôi kể lại rằng, ngày đầu mới sang Pháp, hai anh em không có áo dạ mặc mùa đông, chống chọi với cái rét chỉ bằng chiếc áo gió khoác ngoài. Mãi sau này bà nội mới gửi sang cho mỗi con một chiếc áo bông” - ông Huy nhớ lại.

Ở nước ngoài, sau khi tốt nghiệp tú tài, để có tiền ăn học lên cao hơn, từ năm 1932-1935, GS Nguyễn Văn Huyên vừa đi học vừa giảng dạy tại Trường đại học Ngôn ngữ Phương Đông.

Anh em GS Nguyễn Văn Huyên
Anh em GS Nguyễn Văn Huyên tham gia một hoạt động với người dân bản địa.

Tuy học tập trong hoàn cảnh thiếu thốn trăm bề nhưng GS Huyên vẫn luôn giữ tinh thần lạc quan và cầu tiến. Những dịp nghè, nghỉ lễ, cuối tuần ông cùng bạn bè về các vùng quê của Pháp du ngoạn hay khám phá Châu Âu và Bắc Phi.

Đó không đơn giản là chuyến đi chơi mà là hành trình học hỏi, nghiên cứu nền văn minh thế giới của chàng thanh niên trẻ.

{keywords}
Dịp nghỉ hè GS Nguyễn Văn Huyên và người bạn thân Nguyễn Mạnh Tường hay về các vùng nông thôn tìm hiểu cuộc sống người dân.

Những chuyến đi đó đã mang lại cho GS Huyên những kiến thức sâu rộng về văn hóa và con người nơi mình đặt chân tới.

9 năm học ở Pháp, GS Nguyễn Văn Huyên đã đỗ cử nhân văn chương (1929), đỗ cử nhân luật học (1931). Ngày 17/2/1934, ông bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ tại Trường đại học Tổng hợp Xoóc-bon (Paris).

Lần đầu tiên trong lịch sử của trường có một sinh viên Việt Nam bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ văn khoa.

gs nguyen van huyen va ban be tren dat phap

Một buổi đi chơi của GS Huyên cùng bạn bè ở Pháp.

Năm 1935 trở về nước, GS Huyên nhiều lần được chính quyền thực dân mời ra làm quan với đãi ngộ, bổng lộc tốt nhưng ông đều khước từ mà lựa chọn trở thành giáo sư Sử - Địa trường Trung học Bảo hộ, tức trường Bưởi (nay là trường Chu Văn An, Hà Nội) cùng với nhiều nhà giáo như Nguyễn Mạnh Tường (tiến sĩ Văn chương và Luật), Hoàng Xuân Hãn (thạc sĩ Toán), Nguyễn Xiển (kỹ sư), Ngụy Như Kon Tum (thạc sĩ Lý-Hóa).

Đây được xem một thế hệ những nhân vật nổi tiếng được đào tạo ở Pháp.  Các ông không chỉ truyền đạt kiến thức mà truyền cả niềm đam mê khoa học, niềm tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước cho các thế hệ học sinh trường Bưởi. 

Tuy nhiên giảng dạy một thời gian, GS Huyên nhận thấy giáo viên người bản xứ không được đối xử bình đẳng nên ông xin nghỉ, chuyển sang nghiên cứu với tư cách là biệt phái viên ở trường Viễn Đông Bác Cổ vào năm 1938.

Kể từ đó, GS Nguyễn Văn Huyên cùng gia đình mình dần rời bỏ cuộc sống đầy đủ dưới chế độ thực dân phong kiến để đi kháng chiến rồi trở thành Bộ trưởng có nhiều đóng góp cho nền giáo dục nước nhà.

Sau này, người mẹ của Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên được Bác Hồ trân trọng gọi là Bá Mẫu. Năm 1949, cụ bà qua đời, Bác Hồ đã gửi thư cho gia đình: “Tôi rất buồn được tin Bá Mẫu qua đời. Nhân danh tôi và nhân danh Chính phủ, tôi kính gửi lời chia buồn với cụ và ông cùng quý quyến”.

* Ảnh trong bài do gia đình cung cấp.

Chủ hãng xe nức tiếng Hà thành tiết lộ về đám cưới đặc biệt

Chủ hãng xe nức tiếng Hà thành tiết lộ về đám cưới đặc biệt

Đến tuổi lập gia đình, ông Tuất được mai mối, kết hôn với cô gái cùng phố. Ngày cưới, nhà gái chuẩn bị rất nhiều nữ trang, vàng bạc làm của hồi môn cho cô dâu.

Chuyện ít biết về vợ thương gia hiến 5000 lượng vàng

Chuyện ít biết về vợ thương gia hiến 5000 lượng vàng

Kế nghiệp một gia đình tiếng tăm, cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ đã lao động không một ngày ngưng nghỉ, góp phần đưa sản nghiệp của nhà chồng lên đến một đỉnh cao hiếm có…

Bên trong nhà cổ hơn 100 tuổi thương gia nài nỉ chủ vẫn không bán

Bên trong nhà cổ hơn 100 tuổi thương gia nài nỉ chủ vẫn không bán

Ngôi nhà có diện tích 150 m2, tuổi đời hơn 100 năm nằm giữa phố cổ được nhiều người trả giá cao nhưng gia chủ vẫn không bán.

Hé lộ cuộc sống của thương gia giàu có nức tiếng ở phố cổ đầu thế kỷ 20

Hé lộ cuộc sống của thương gia giàu có nức tiếng ở phố cổ đầu thế kỷ 20

Cuộc sống của chủ nhân căn biệt thự Pháp rộng hơn 800 mét vuông ở phố cổ những năm đầu thế kỷ 20 rất xa hoa và tiện nghi.

Diệu Bình