“Đáng lẽ nó là một buổi tối thư giãn với tất cả mọi người nhưng người hàng xóm sống ngay tầng dưới đã can thiệp, thậm chí còn gọi cho chủ nhà để phàn nàn” – ông Kim, 46 tuổi, một doanh nhân ở Seoul, Hàn Quốc cho hay.

“Đổi lại, chúng tôi đã phàn nàn về việc gia đình cô ta để đồ đạc bên ngoài căn hộ và chặn mất lối vào cầu thang thoát hiểm lên tầng thượng. Cả hai chúng tôi đều bị chủ nhà mắng và kể từ đó chúng tôi không được sử dụng không gian tầng thượng nữa”.

Tranh cãi giữa các nhà hàng xóm vì tiếng ồn đang ngày càng phổ biến hơn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến nhiều người phải ở nhà từ đầu năm 2020.

{keywords}
Người Hàn Quốc được biết đến là rất nhạy cảm với tiếng ồn. Ảnh: Reuters

Dữ liệu do Tổng Công ty Môi trường Hàn Quốc công bố hồi tháng 1 năm nay cho thấy, số vụ việc than phiền về tiếng ồn của tầng trên tăng vọt lên 42.250 vụ vào năm ngoái – tương đương với mức tăng 60,9% và gây ra lo ngại về các vấn đề xã hội của cư dân sống ở các toà nhà cao tầng.

Dậm chân xuống sàn là vấn đề bị than phiền nhiều nhất – 61%, tiếp theo là kéo đồ đạc, sử dụng búa, tiếng đóng cửa và mở nhạc lớn.

Khoảng 60% trong dân số 50 triệu người Hàn Quốc đang sống trong các căn hộ cao tầng và biệt thự. Nhưng chỉ từ năm 2005, luật mới yêu cầu phần sàn nhà chung cư phải dày ít nhất 21cm để có thể cách âm. Hầu hết các toà nhà xây dựng trước đó đều có sàn dày 13,5cm.

Trên mạng xã hội tràn ngập những lời phàn nàn về tiếng ồn phát ra từ tầng trên.

Một người dùng Twitter cho biết tiếng ồn khiến anh ta muốn “hét lên trần nhà”, trong khi một người khác nói rằng anh ta tức giận đến mức đã khoan một lỗ trên tường nhà để trả đũa.

Một người khác thì phàn nàn về việc trẻ con ở nhà tầng trên chạy nhảy và chơi piano vào sáng sớm. “Chúng gây ồn ào suốt hơn 1 tiếng nên tôi bắt đầu chơi nhạc lớn nhắm về phía trần nhà”.

Người Hàn Quốc được biết đến là những người nhạy cảm với tiếng ồn từ căn hộ tầng trên. Một số chuyên gia cảnh báo việc tiếp xúc nhiều với tiếng ồn có thể dẫn đến trầm cảm và mất ngủ.

Trong những trường hợp cực đoan, xích mích với hàng xóm có thể gây ra bạo lực, thậm chí là giết người.

Năm 2016, một người đàn ông 33 tuổi sống ở thành phố Hanam đã đâm một cặp vợ chồng già sống ở tầng trên khiến bà vợ tử vong. Người đàn ông này than phiền về tiếng ồn khi vợ chồng già tụ họp cùng con cháu vào cuối tuần, nhưng tình trạng không thuyên giảm.

Năm 2017, một người đàn ông ở thành phố cảng Pohang đã bị bắt vì cố siết cổ người hàng xóm của mình khi đang cãi nhau về tiếng ồn.

Tuy nhiên, gần đây, cách trả thù mới đã xuất hiện và được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội khi có một loại thiết bị có thể truyền lại tiếng ồn đó lên những người hàng xóm ở tầng trên. Tuy vậy, việc này có thể phản tác dụng.

Tháng 8 năm ngoái, toà án ở thành phố cảng Incheon đã yêu cầu một cặp vợ chồng bồi thường 29,6 triệu won cho những người hàng xóm tầng trên vì đã hành hạ họ bằng nhiều công cụ tạo tiếng ồn.

Các chuyên gia cho biết cần xây dựng thêm một số quy định để ngăn chặn những tranh chấp như vậy.

Trong khoảng 10 năm gần đây, các công ty xây dựng mới bắt đầu chú ý hơn đến việc cách âm cho sàn nhà, chẳng hạn như thay thế các tấm gỗ mỏng bằng tấm bê tông dày 25cm hoặc bổ sung thêm các vật liệu hấp thụ tiếng ồn.

Cùng với đó, Trung tâm Quản lý tiếng ồn sàn nhà được thành lập vào năm 2012 thuộc quản lý của Bộ Môi trường, nhằm quản lý các khiếu nại về việc hàng xóm làm ồn. Trung tâm này cũng cung cấp dịch vụ tư vấn tại chỗ và giúp đo độ ồn.

Một đại diện của trung tâm chia sẻ rằng, 70% các khiếu nại là về tiếng bước chân và chạy nhảy. Lời khuyên của họ thường là nói chuyện với người hàng xóm về vấn đề này.

“Cách tốt nhất là 2 bên đi đến thoả hiệp, chẳng hạn như người tầng trên đồng ý đi dép, còn người tầng dưới đồng ý theo dõi tình hình trong 1-2 tháng”.

Các khiếu nại đồng thời cũng được xử lý bởi bộ phận an ninh của khu chung cư.

Lee Soo-kyung, một bà nội trợ 30 tuổi ở Seoul, cho biết, nhân viên bảo vệ trong khu nhà sẽ thông báo công khai trên loa và yêu cầu gia đình gây tiếng ồn giảm âm lượng.

“Thật căng thẳng khi phải đi lại như một con chuột trong nhà của mình” – cô chia sẻ.

“Tôi phải liên tục nhắc nhở con trai mình không được chạy lung tung và chỉ chơi trên thảm vì tôi không muốn trở thành người tiếp theo bị sỉ nhục công khai”.

Nguyễn Thảo (Theo The Straits Times)

Người Hàn Quốc chán 'giấc mơ Mỹ', lại quay về quê viết 'giấc mơ Hàn'

Người Hàn Quốc chán 'giấc mơ Mỹ', lại quay về quê viết 'giấc mơ Hàn'

Sau nhiều năm thực hiện "giấc mơ Mỹ", nhiều người gốc Hàn lại đang quay trở về quê hương để viết lại một giấc mơ mới.