Chủ căn nhà, anh Trần Hữu Thành 41 tuổi, bị liệt hai chân từ sau cơn bạo bệnh lúc 9 tháng tuổi. Anh không thể đi mà chỉ lết bằng đôi cánh tay.

Nhà anh Thành nằm trên vạt đất trống trong khu dân cư Tổ 3, ấp 4 cạnh cầu vượt Nguyễn Văn Linh (Thị trấn Tân Túc, H. Bình Chánh, TP.HCM).

Theo lời anh Thành, gia đình anh trước đây ở Quận 11. Do làm ăn thất bại, cha anh đã bán nhà đưa cả gia đình về đây, sống tạm trong căn nhà nhỏ này.

Đã khuyết tật lại mù chữ, anh không thể tìm được công việc gì để mưu sinh ngoài việc đi bán vé số. Hàng ngày, anh lết bằng đôi tay vào các hang cùng ngõ hẹp để bán. Tình cờ, một người quen có chiếc xe lắc tay không còn sử dụng đã tặng anh. Nhờ vậy anh được thuận tiện hơn trong việc dịch chuyển.

{keywords}
Căn nhà nhỏ trước đây là chuồng gà.

Trong một lúc rảnh rỗi, mò mẫm trên điện thoại, anh tình cờ nhìn thấy một số điện thoại lạ. Anh gọi lại. Thì ra, số của một cô gái vô tình gọi vào máy anh. Cuộc trò chuyện được diễn ra vài lần. Sau đó, hai người quyết định gặp mặt nhau rồi quen nhau, yêu nhau.

Lúc ấy, cô gái mới 22 tuổi, anh Thành kể lại. Là con gái của một gia đình ở Quảng Trị, cha mất sớm, mẹ đưa cô vào Sài Gòn nhờ bà ngoại nuôi dùm. Nhưng nuôi được một thời gian, bà ngoại không nuôi được nữa nên gửi cô vào một ngôi chùa ở Q. 7. 

{keywords}
 Bé Nguyên lấy dép cho bố.

Cuộc tình kéo dài được vài tháng thì cả hai quyết định đến với nhau. Anh đưa người yêu về nhà chung sống được một thời gian. Một người hàng xóm tốt bụng đã cho anh chuồng gà không còn sử dụng để anh sửa sang lại làm chỗ ở. Căn nhà hiện nay của anh có từ đó.

Sau đó, đứa con gái đầu tên Thảo chào đời. 4 năm sau, bé Nguyên cất tiếng khóc. Căn nhà đã chật giờ thêm chật hơn... Khi bé Nguyên được 2 tuổi, vợ anh xin được một chân bán thịt lợn trong chợ đầu mối Bình Điền.

{keywords}
Anh Thành chỉ đi bằng tay.

Cứ tưởng như thế sẽ cải thiện được cuộc sống, anh Thành buồn rầu kể tiếp. 'Được vài tháng, một hôm cô ấy đi bán rồi không về. Không biết có chuyện gì xảy ra, tôi tìm đến nơi cô ấy làm việc. Nghe mọi người nói lại cô ấy và một đồng nghiệp đã cuốn gói đi nơi khác tìm duyên mới. Không biết thực hư thế nào'.

'Buồn lắm chú ơi'. Thành nói với chúng tôi. 'Cháu đã nghĩ, một mình chỉ có 2 tay làm sao nuôi nổi 2 đứa con thơ dại. Nhưng rồi, thương con nên cháu không thể gục ngã được'.

{keywords}
Ba cha con anh Thành.

Nói đến đây, anh Thành chợt ngưng lại. Dường như quá khứ trở về đã làm cho anh lặng đi. Một người đàn ông bình thường nuôi 2 con đã khó, huống chi anh.

'Không thể buông xuôi được chú ơi', Thành nói với chúng tôi bằng giọng quả quyết. Từ đó, ban ngày Thành ở nhà chăm 2 con. Chợ búa, nấu nướng, tắm giặt cho con đều nhờ vào đôi bàn tay còn lại của Thành.

Thấm thoát mà đã 4 năm trôi qua. Năm nay, bé Thảo 10 tuổi, bé Nguyên 6 tuổi. Cả 2 được nhận vào học tại trường Tiểu học Tân Túc 2. Nguyện vọng của anh bây giờ, chỉ mong muốn có được chiếc xe lăn chạy điện để hàng ngày anh đưa 2 con đến trường sau đó đi bán vé số. Chiếc xe lắc hiện đã quá cũ và có dấu hiệu rệu rã.

Bà Trần Thị Kim Loan, 67 tuổi, Tổ trưởng Tổ dân phố 3 đã xác nhận hoàn cảnh của anh Thành. Bà nói, 'Vợ nó bỏ đi đã 4 năm rồi, một mình đã khuyết tật lại phải nuôi con vất vả lắm. Bà con ở đây ai cũng thương cảm.

Do không có hộ khẩu - bà Loan cho biết - nên các cháu không thể đi học được. Bà đã liên hệ với chính quyền địa phương xin giấy tạm trú cho cả gia đình anh Thành sau đó đưa 2 cháu đến trường. Nhà trường cũng rất cảm thông, miễn cho 2 cháu khá nhiều khoản đóng góp. Ngay cả bữa ăn trưa, nhà trường cũng miễn cho 2 cháu.

Chào anh ra về, chúng tôi không sao nén được xúc động trước hình ảnh 3 cha con quyến luyến bên nhau. Chỉ mong anh có nhiều sức khỏe và hai cháu Thảo - Nguyên, chăm ngoan học giỏi để có một tương lai sáng lạn.

Nhịp sống chậm rãi hiếm có ở bán đảo giữa lòng Sài Gòn

Nhịp sống chậm rãi hiếm có ở bán đảo giữa lòng Sài Gòn

Lạc vào bán đảo Bình Quới - Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TP.HCM) như lạc vào một thế giới khác. Nơi đây yên ả, thanh bình và cũ kỹ hiếm có.

Trần Chánh Nghĩa