Anh Thạch Thảo Tâm Thương, 44 tuổi, quê Bến Tre, bị khiếm thị từ nhỏ, mưu sinh bằng nghề bán vé số hơn 21 năm nay. Hiện, anh đang ở trọ tại hẻm 405/6 đường Trường Chinh, Phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM.

Chị Lê Thị Lan Hương - vợ anh Thương làm nhân viên massage ở Quận 1 cũng bị khiếm thị như chồng. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, vợ chồng họ phải tạm nghỉ công việc đang làm hai tuần.

Mất thu nhập, cuộc sống trở nên khó khăn hơn, nhưng anh Thương vẫn lạc quan, xem đây là khoảng thời gian được nghỉ, cùng vợ chăm cô con gái 6 tuổi.

{keywords}
Anh Thương bị khiếm thị từ nhỏ. Ảnh: Đoàn Nga.

Người đàn ông quê Bến Tre cho biết, dù khiếm thị nhưng anh vẫn có thể đọc tin tức, dùng mạng xã hội… thông qua chương trình hỗ trợ đọc, viết cho người khiếm thị.

Ngày 1/4, việc cách ly xã hội bắt đầu được thực hiện, những người làm nghề bán vé số như anh Thương, làm nghề massage như chị Hương phải tạm nghỉ việc.

Trên trang cá nhân, anh Thương viết: '...Thủ tướng đã ra quyết định cho các công ty xổ số kiến thiết ngừng hoạt động từ ngày 1-15/4. Mình rất thông cảm và vui vẻ chấp nhận. Bởi vì khó khăn là khó khăn chung mà, đâu chỉ riêng ai?

Vì tình yêu nước, vì tình yêu nhân loại, sau đó là giữ cho gia đình bé nhỏ của mình, cá nhân mình, tuy là người khiếm thị, nhưng cũng xin được góp một phần sức mọn là tuân thủ theo lời của Thủ tướng: Không la cà đây đó để góp phần chống dịch được hiệu quả hơn.

{keywords}
Vợ chồng anh Thương cưới nhau được hơn 7 năm, kết quả tình yêu là cô con gái 6 tuổi. Ảnh: Đoàn Nga.

Thật ra, mình đã nghỉ bán hơn một tuần nay rồi, từ khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khuyến cáo.

Các bạn bán vé số - đồng nghiệp của mình ơi! Mình biết các bạn buồn vì thất nghiệp lắm. Mình cũng như các bạn nè. Tiền nhà trọ sắp phải đóng tới nơi rồi, tiền sữa cho bé, rồi tiền ăn uống, ôi thôi đủ thứ là tiền. Mình cũng như các bạn thôi.

Nhưng thay vì buồn, chúng ta hãy vui vẻ chấp nhận. Hãy xem đây là cơ hội để chúng ta chung tay thể hiện tình yêu quê hương đất nước. Một con én nhỏ không thể làm nên mùa xuân, nhưng khi chúng ta chung tay lại thì mùa xuân sẽ đến.

Đất nước là quan trọng, cố gắng qua hết mùa dịch này rồi tiền bạc kiếm lại sau… Mình rất hy vọng sau cơn mưa trời lại sáng’.

Anh Thương cho biết, suốt 14 ngày qua, cả nhà anh tuân thủ những quy định của nhà nước là ở nhà, mang khẩu trang, rửa tay thường xuyên, giữ vệ sinh nơi ở sạch sẽ.

Những ngày ở nhà, anh cùng vợ nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, giúp con gái 6 tuổi, đang học lớp 1 học bài.

Trên trang cá nhân, anh thường xuyên chia sẻ những hình ảnh của gia đình cùng nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, hai vợ chồng cùng xem cô con gái đầu lòng học bài và những tin tức về dịch bệnh.

Anh cũng cho biết, những ngày qua, dù không có thu nhập, nhưng vợ chồng anh được hàng xóm giúp đỡ, khi mớ rau nấu canh, khi gói mì tôm pha ăn giữa trưa. Các mạnh thường quân, phía ủy ban phường thì đến tặng gạo, mì gói, dầu ăn, nước mắm…

Mới đây, anh đã nhận được 50 ngàn đồng/ngày/người do Chính phủ hỗ trợ cho người bán vé số thất nghiệp mùa dịch do UBND Quận 1 trao, vì vợ chồng anh có hộ khẩu ở đây.

‘Rất ấm áp. Vậy là, vợ chồng tôi có thêm tiền mua đồ ăn, sữa cho con rồi’, anh Thương hạnh phúc nói.

Ông Nguyễn Đức Hiếu, Chủ tịch UBND Phường 14 (quận Tân Bình) thì cho biết, vợ chồng anh Thương là người ngụ cư tại địa phương, được hỗ trợ kinh phí bảo trợ xã hội hàng tháng. Trong những ngày dịch bệnh, chính quyền địa phương cũng chăm lo cho anh và những người khó khăn các nhu yếu phẩm như: gạo, mì tôm… giúp họ vượt qua thời gian khó khăn này.

Ông lão vô gia cư được vợ chồng bà chủ ở Sài Gòn nhận nuôi

Ông lão vô gia cư được vợ chồng bà chủ ở Sài Gòn nhận nuôi

‘Vợ chồng tôi sẽ để chú làm việc tại cửa hàng, có trả lương và nuôi chú ăn ở. Nếu chú ấy ở đây không thoải mái, vợ chồng tôi sẽ thuê phòng cho chú ở’, chị Ngọc Hân nói.

Tú Anh - Đoàn Nga