Áp lực từ những chuẩn mực xã hội

{keywords}
 

Theo báo cáo nghiên cứu “Nam giới và Nam tính trong một Việt Nam hội nhập” được công bố bởi Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội đã phác họa hình mẫu “người đàn ông” trong mắt của chính nam giới Việt Nam, qua đó cho thấy nam giới Việt Nam vẫn còn bị đè nặng bởi những chuẩn mực nam tính truyền thống. Trong đó, vai trò “trụ cột gia đình” được nhấn mạnh là giá trị trọng tâm của một người đàn ông.

Không chỉ ở Việt Nam, tại nhiều quốc gia khác trên thế giới, những định kiến xã hội cũng đang gây áp lực cho đàn ông, bóp méo mối quan hệ của họ với bản thân và thế giới xung quanh.

Một nghiên cứu từ Đại học Mở (Anh) liên kết với Promundo (tổ chức chuyên nghiên cứu về bình đẳng giới) cho thấy 72% nam giới ở độ tuổi từ 20 - 24 cho biết họ luôn được kỳ vọng phải mạnh mẽ, có kinh nghiệm trong chuyện chăn gối, dũng cảm và đặc biệt là phải thành công trong cuộc sống. Họ còn phải quyết đoán, không được kêu gọi sự giúp đỡ và phải giữ "cái đầu lạnh", tránh biểu hiện cảm xúc ra ngoài.

Nguồn gốc những áp lực của nam giới

Các nghiên cứu về giới tính cho thấy, một số khác biệt giữa nam và nữ là dựa trên các yếu tố sinh học. Song nhiều ý kiến cho rằng, quá trình xã hội hóa mới là yếu tố áp đặt với những tác động đến từ ảnh hưởng của thể chế chính trị - xã hội, gia đình, trường lớp, tôn giáo, truyền thông.

Những kỳ vọng nam tính được kiến tạo và củng cố trong các tầng sâu văn hóa coi trọng vai trò “trụ cột gia đình” của nam giới đã tồn tại như một lẽ phải, một lý tưởng chủ đạo trong xã hội. Từ bài học nam tính đầu tiên “Con trai phải mạnh mẽ, không được khóc”, phần lớn nam giới lớn lên với việc hiểu rằng cảm xúc và nhu cầu chia sẻ sẽ khiến họ “lệch chuẩn” so với kỳ vọng nam tính.

{keywords}
 Nam giới lớn lên với việc hiểu rằng cảm xúc và nhu cầu chia sẻ sẽ khiến họ “lệch chuẩn” so với kỳ vọng nam tính (Ảnh: freepik)

Việc "ngó lơ" cảm xúc và gồng mình sống cho trọn vẹn hai chữ "nam tính" trở thành thước đo giá trị của một người đàn ông. Thế nhưng “nam tính” không phải biểu hiện sinh học, hay nói cách khác không phải là thứ sinh ra đã có ở nam giới; mà thực chất là một kiến tạo xã hội, là những kỳ vọng về mặt hành xử, lối sống mà xã hội đặt lên một người.

Một người sinh ra với cơ thể nam chưa chắc đã nam tính. Và một người sinh ra với cơ thể nữ cũng chưa chắc sẽ nữ tính. Nam tính hay nữ tính không phải là đặc tính bẩm sinh hay tự nhiên, mà là những khái niệm hình thành từ văn hóa.

Cần thúc đẩy bình đẳng giới từ cả 2 phía

Vượt ra khỏi biên giới Việt Nam, Iceland vinh dự là quốc gia dẫn đầu trong Báo cáo Khoảng cách giới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới suốt 1 thập niên (2009 - 2017).

Trong những cuộc bàn luận phổ biến, nhiều người đều nói Iceland là vùng đất tuyệt vời dành cho phụ nữ. Tuy nhiên, chưa nhiều người đề cập đến việc Iceland còn là một nơi tuyệt vời như thế nào đối với nam giới. Trên thực tế, đàn ông Iceland có tuổi thọ cao nhất ở châu Âu. Nếu tuổi thọ cũng là một tiêu chí để đánh giá mức độ hạnh phúc thì hẳn đàn ông Iceland đang có một cuộc sống tốt.

Vậy Iceland đã làm gì để đạt được vị trí ấy? Iceland đã đưa ra một mô hình có thể áp dụng rộng rãi ở những nơi khác trên thế giới - bình đẳng giới. Điều này cho thấy việc thay đổi quan niệm của nam giới về ý nghĩa thực sự của việc trở thành một người đàn ông, đồng thời nâng cao vị thế của người phụ nữ sẽ đem tới những lợi ích sâu rộng cho chất lượng cuộc sống.

{keywords}
Bình đẳng giới đem tới những lợi ích sâu rộng cho chất lượng cuộc sống (Ảnh: Shutterstock)

Việc thực hành bình đẳng giới đem lại lợi ích sức khỏe cho nam giới không chỉ thể hiện rõ ở Iceland. Cần lưu ý rằng, các nước Bắc Âu chiếm 4/5 vị trí hàng đầu của chỉ số Khoảng cách giới toàn cầu trong năm 2017. Và tại các quốc gia này, nam giới cũng có xu hướng khỏe mạnh hơn. Các nước Bắc Âu đều là những quốc gia có phúc lợi và sự ủng hộ cao đối với các chính sách xã hội phổ cập, và những chính sách đó là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng vị trí xã hội cho phụ nữ.

Như vậy, thúc đẩy bình đẳng giới chỉ từ một phía là trao quyền cho phụ nữ sẽ là không đủ, nếu không nghiêm túc nhìn nhận và hành động trong việc xóa bỏ những định kiến về nam tính tồn tại lâu nay trong xã hội.

Có nghiên cứu cho thấy, khi các nhà nghiên cứu kiểm soát các hành vi không lành mạnh như hút thuốc hoặc uống rượu, họ phát hiện ra rằng những người đàn ông kiếm được ít tiền hơn vợ trong một thời gian dài vẫn gặp kết quả sức khỏe kém hơn, tuổi thọ ngắn hơn và tăng nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch như tiểu đường, bệnh tim, cholesterol cao, tăng huyết áp và đột quỵ.

Các nhà nghiên cứu tin rằng, những người đàn ông này vẫn ám ảnh và suy sụp khi mất cảm giác kết nối với danh tính của họ là “trụ cột gia đình”. Vi phạm quy tắc về nam tính được lý tưởng hóa có thể là một điểm gây căng thẳng cho nam giới đến mức nó làm ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của họ.

Nhà Nhiều Cột là chiến dịch được khởi xướng và thực hiện bởi CARE Quốc tế tại Việt Nam và Tuva Communication, với nguồn tài trợ từ Investing in Women - một sáng kiến của chính phủ Australia, hướng đến mục tiêu xoá bỏ định kiến giới. Theo dõi thêm các nội dung từ Nhà Nhiều Cột tại fanpage https://www.facebook.com/NhaNhieuCot/.

Tố Uyên