Bài viết dưới đây của tác giả Trần Đặng Đăng Khoa đã đăng trên trang Facebook cá nhân. Được sự cho phép của tác giả, VietNamNet xin đăng lại bài viết này.

{keywords}
TP.HCM vắng lặng trong ngày đầu tiên thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16. Ảnh: Trương Thanh Tùng 

Thật ra hơn một tháng nay, mình hay mọi người ở TP.HCM cũng đã có thời gian làm quen dần với việc giãn cách, chỉ là bây giờ siết lại hơn nữa. Tội cho người nghèo, cho những người cùng khổ nhưng có lẽ cũng không thể làm khác, nếu không tình hình sẽ còn trầm trọng hơn, bài học nhãn tiền ở Ấn Độ, Indoneisa ngay trước mắt đó thôi.

Câu nói: "Còn sức khỏe là còn tất cả, mất sức khỏe là mất tất cả" có lẽ rất đúng trong trường hợp này. Năm ngoái, mình ở nước ngoài, chỉ đọc tin tức, không biết trong nước thật sự mọi người xoay sở thế nào, bây giờ mới cảm nhận rõ rệt.

Nhìn đi nhìn lại thấy mình vẫn còn may mắn khi còn bạn bè, người thân, anh em; có chỗ che mưa nắng; có cái cho vào bụng khi đói và còn được kết nối với mọi người qua mạng. Bây giờ, chúng mình tạm thời phải cách xa nhau, nhưng tâm hồn cứ nghĩ về nhau.

Điều mọi người có thể làm là tạm “sống chậm” và suy nghĩ tích cực. Mọi người trong khả năng hãy cố gắng chăm sóc cho bản thân thật tốt, giữ cho tinh thần minh mẫn, nếu tâm lý bị ảnh hưởng, hãy tìm ai đó để gọi điện, nhắn tin và tâm sự, đừng ngại chia sẻ với người khác.

Bản thân mình, không ngại chia sẻ với mọi người rằng vừa rồi cũng bị stress, như khủng khoảng tuổi trung niên vậy bởi xã hội nói rằng nam giới phải mạnh mẽ, phải “chinh phạt thế giới” vậy mà lại yếu đuối…

May mắn có vài bạn bè nhắn tin hỏi thăm, mình mới đỡ phần nào và cũng nhờ vậy mới phát hiện ra nhiều người gặp tình cảnh tương tự. Xã hội càng phát triển, thế giới càng “phẳng”, bản thân con người lại càng cố xây nên những bức tường thành cao hơn để tự bảo vệ và chôn chặt tâm hồn mình.

Sự sẻ chia về tinh thần lúc này là cần thiết, nếu mình không thể làm được gì nhiều. Nhưng hơn hết, mỗi người hãy tự chăm sóc cho bản thân mình. Có thể đưa ra mục tiêu trong 2 tuần này mình phải làm được gì để có động lực hơn.

Ví dụ như bạn có thể đọc được một quyển sách, xem vài bộ phim, nghe lại mấy album nhạc yêu thích, sửa chữa đồ đạc hỏng, học thêm một điều gì đó mới mẻ, nói chuyện nhiều hơn với gia đình, bạn bè, chơi với con nhiều hơn...

Nếu phải ra đường mua thực phẩm, chúng ta cũng nên cẩn thận, giữ khoảng cách, mang khẩu trang, rửa tay thường xuyên, nhất là ngay sau khi về nhà. Các tổ chức, hoạt động ủng hộ, giúp đỡ cho người nghèo được phép hoạt động, bạn hãy ủng hộ ít nhiều cho họ, vừa giúp người, vừa giúp mình và cũng là để tự chữa lành cho mình nữa.

Với những thứ tiêu cực, bạn hãy tránh xa, ít nhiều nó sẽ giết chết tâm hồn mình dù mỗi ngày một ít nhưng sẽ làm mình kiệt quệ về tinh thần. Mọi người đều chỉ là người trần mắt thịt, nếu không thể làm gì to tát, hãy làm một điều bình thường nhưng có ý nghĩa.

Mọi người ta gặp đều sợ một điều gì đó, yêu một cái gì đó và đều đã từng đánh mất một thứ gì đó, nên hãy cố gắng nhân ái với nhau và yêu thương nhau.

Chúng ta hãy bình tĩnh và cố gắng hít thở thật sâu, dành chút thời gian cho bản thân, yêu thương và lắng nghe cơ thể mình nhiều hơn. Bạn nên hiểu rằng sự sống chỉ có mặt trong giây phút hiện tại, quá khứ đã qua, tương lai thì chưa đến, hãy mỉm cười với hiện tại này.

Chúng ta cũng nên lan truyền sự tích cực tới nhau để cùng vượt qua giai đoạn này. Mọi người sinh ra và lớn lên, sống đến giờ phút này không có lý gì mình lại không thể đi tiếp. 

TP.HCM và đất nước mình đã trải qua bao gian lao khó khăn vất vả từ ngàn xưa đến nay, đã nương tựa vào nhau, yêu thương nhau, che chở và ôm ấp nhau những lúc bĩ cực, không có lý gì không thể vượt qua giai đoạn này.

Hãy trân trọng và biết ơn những gì mình đang có, nhiều người còn khổ hơn rất nhiều, bạn nhé! Cầu bình an đến cho TP.HCM và mọi người trên đất nước yêu dấu này.

Trần Đặng Đăng Khoa

Sài Gòn giãn cách không xa cách: Ồ ạt chuyển quà vào xóm trọ trước giờ G

Sài Gòn giãn cách không xa cách: Ồ ạt chuyển quà vào xóm trọ trước giờ G

Lo sợ người lao động nghèo, vô gia cư thiếu thực phẩm trong thời gian thành phố giãn cách, nhiều nhóm thiện nguyện ồ ạt chuyển quà, thực phẩm vào xóm trọ, khu cách ly.