Thoát chết nhờ con thơ

9h20 sáng, “lùa” các con vào phòng, Nguyễn Thị Tú (SN 1992, ngụ huyện Củ Chi, TP.HCM) cố gắng hoàn tất bữa sáng giản đơn của mình.

Vừa trở về từ Bệnh viện dã chiến Củ Chi (TP.HCM) sau 14 ngày điều trị Covid-19, bữa ăn của Tú chỉ có chút cơm, chén nước mắm và đĩa rau luộc.

Dù đã khỏi bệnh, chị vẫn chán ăn vì khứu giác, vị giác chưa trở lại trạng thái ban đầu. Mỗi khi nuốt thức ăn, hình ảnh những ngày chiến đấu với Covid-19 lại ùa về khiến chị sởn gai ốc.

“Tôi đã khỏi nhưng vẫn bị Covid-19 ám ảnh. Tôi sợ những trận ho khan đến buốt nhói lồng ngực, những cơn khó thở như muốn đứt hơi... Tôi từng gặp tai nạn, sinh mổ 2 bé nhưng chưa có gì làm tôi sợ như lần bệnh này”, chị nói.

{keywords}
Lúc trở bệnh, Tú chỉ có thể nằm trên giường. Ngay cả việc đứng dậy, chị cũng không thể làm một mình.

Tú nhiễm Covid-19 từ các thành viên trong gia đình 17 người sống chung trong một nhà. Chị kể, một hôm, khi đang ngồi may ở công ty, Tú cảm thấy lạnh buốt sống lưng, tay chân tê mỏi rã rời. Tuy vậy, Tú nghĩ mình ốm vặt.

Sáng hôm sau, mẹ nuôi của Tú ra chợ bán hàng. Bà được xét nghiệm nhanh và cho kết quả dương tính với Sars-Cov-2. 

Cả nhà Tú được đưa đi cách ly tập trung. Tại khu cách ly, Tú và 2 con mới 6 tuổi ở chung phòng với vợ chồng anh rể và con của 2 người này. Thời gian ở đây, Tú trải qua những trận sốt kinh hoàng. Thậm chí, chị tưởng đã không qua khỏi nếu không nhờ sự thông minh, nhanh trí của đứa con mới 6 tuổi.

Tú kể: “Mấy hôm ấy, tôi sốt cao đến mê sảng. Tôi không thể ngồi dậy vì ngồi lên là không tài nào thở được nên chỉ nằm trên giường. Anh chị tôi cũng mệt nên không thể chăm sóc nhau, chỉ có hai bé con tôi là còn khỏe”.

“Dù tôi sốt mê man nhưng vẫn cảm nhận được con ngồi bên cạnh thâu đêm. Bé cứ nắm lấy tay tôi. Hai bé sinh đôi, đã 6 tuổi rồi nhưng vẫn chưa biết nói. Bé chỉ ngồi chăm tôi trong im lặng”, chị kể thêm.

Thế rồi, Tú sốt cao và bắt đầu mê sảng. Không thể dùng lời để cầu cứu người thân, bé chạy đến bên giường người bác của mình, cố đánh thức anh dậy để cho Tú uống thuốc.

{keywords}
Khi bệnh tình thuyên giảm, Tú tình nguyện hỗ trợ, chăm sóc những bệnh nhân yếu hơn.

“Chưa biết nói nên bé lấy chai nước ngọt uống dở đổ lên người anh rể của tôi để đánh thức anh ấy. Thấy tôi sốt cao quá, anh lấy thuốc hạ sốt cho tôi uống rồi gọi nhân viên y tế. Lúc đó, tôi sốt gần 40 độ C và phải thở oxy. Nếu không nhờ bé, có lẽ tôi đã không thể vượt qua”, chị kể.

Tình nguyện chăm sóc bệnh nhân yếu hơn

Khi Tú hồi tỉnh, các bác sĩ yêu cầu chị nhập viện để được điều trị. Tú thương con thơ dại, chưa biết nói lại hay ngất xỉu nên xin được ở lại cùng con. Mãi đến khi sức khỏe của chị gái ổn dần, chị nói sẽ chăm sóc giúp hai con, Tú mới yên bụng đi điều trị.

Ngày vào viện, Tú vẫn chỉ nằm yên trên giường ho khan. Chị không thể ăn được gì bởi “cứ nuốt vào là cổ có cảm giác như bị vật gì chặn lại”. Suốt 7 ngày ở khu cách ly, Tú không ăn được miếng cơm nào. Bác sĩ cho chị thở oxy, đem cơm đến, động viên chị ăn lấy sức để chống chọi bệnh tật.

“Tuy vậy, tôi vẫn không thể nào nuốt được. Lúc này, các bệnh nhân khỏe hơn đã nhường, đưa sữa cho tôi uống. Họ thay nhau chăm sóc, động viên tôi. Nhờ vậy, tôi có sức khỏe. Hai ngày sau, tôi bắt đầu có thể ăn cháo. Tôi nhập viện 14 ngày thì 6 ngày ăn cháo rồi mới ăn được cơm”, chị nói.

Những ngày ở bệnh viện, Tú nhớ con da diết. Chị thương con còn nhỏ đã sớm chịu nhiều thiệt thòi. Chỉ mới 6 tuổi, cả hai đã chịu cảnh cha mẹ ly tán. Khi mới bắt đầu ổn định tinh thần, 3 mẹ con lại nhiễm Covid-19 rồi mỗi người mỗi nơi.

{keywords}
Sau khi về nhà, để tự bảo vệ mình bảo vệ các con, chị luôn đeo khẩu trang khi gần 2 bé.

Tú kể: “Nằm trên giường bệnh, tôi nhớ con da diết. Chỉ cần thở được là tôi gọi điện về nhà để được thấy con. Những lúc không gọi được, tôi mở ảnh con lên xem. Có lúc, nhớ con quá, tôi nằm khóc một mình”.

Chính những lúc buồn và tuyệt vọng nhất, Tú đã được các bác sĩ, bệnh nhân cùng khoa nhiệt tình chăm sóc, động viên. Một trong số đó là anh Hà Ngọc Trường, một F0 đã khỏi bệnh rồi tình nguyện ở lại chăm sóc các bệnh nhân.

Chị kể: “Lúc mới nhập viện, tôi chưa ăn uống được, anh Trường thường hay nấu miến, mì, cháo… cho tôi ăn, lấy nước cho tôi uống. Một lần, tôi tự ý tháo máy thở, lẻn vào nhà vệ sinh để gội đầu.

Bác sĩ, điều dưỡng và anh Trường hốt hoảng chạy đi tìm. Khi biết tôi đi gội đầu một mình, họ rất lo. Anh Trường nói sẽ gội đầu cho tôi nhưng tôi từ chối và nói đã có thể tự gội được rồi”, chị kể thêm.

Tú cũng khẳng định bác sĩ, điều dưỡng ở bệnh viện “rất đáng yêu, thân thiện và đầy trách nhiệm”. Chị nói rằng, các y bác sĩ đều xem bệnh nhân như người nhà chứ không phải là những F0 có thể lây nhiễm cho mình.

Tú chia sẻ: “Mỗi phòng chỉ có một cây quạt. Thấy người mới vào cần mát mẻ, tôi nhường quạt cho họ. Tôi nằm trong góc, không có quạt nên rất nóng và hầu như không ngủ được. Thấy vậy, các bác sĩ đến hỏi thăm xem tôi có khó chịu không”.

“Tôi nói: “So với các anh chị phải mặc bộ quần áo bảo hộ suốt ngày thì em còn mát mẻ, thoải mái hơn rất nhiều”. Vậy mà các anh chị ấy nói với tôi: “Em là bệnh nhân, em cần được chăm sóc. Chúng tôi chịu được”, Tú kể thêm.

{keywords}
Chiến thắng Covid-19 nhưng Tú vẫn chưa thực sự hồi phục. Việc ăn uống của chị vẫn rất khó khăn. 

Những ngày được điều trị tại bệnh viện, Tú nhận được rất nhiều sự chia sẻ, thương yêu từ y bác sĩ, bệnh nhân. Có như vậy, chị mới có cơ hội trở về nhà. Bởi trước đó, chị từng nghĩ mình sẽ không qua khỏi.

“Họ rất nhiệt tình. Hôm ba nuôi tôi mất vì Covid-19, tôi ngồi khóc một mình. Các anh chị cũng đến bên cạnh, nắm tay, ôm vai tôi chia buồn, động viên. Những lúc tôi mệt, không còn sức, các anh chị cũng nắm tay, đỡ tôi lên, dìu tôi đi. Nhờ những lời động viên và tình cảm ấy, tôi đã quyết tâm hơn và khỏi bệnh”, Tú tâm sự.

Sau khi hồi phục, Tú tình nguyện chăm sóc các bệnh nhân yếu hơn. Cũng như Hà Ngọc Trường, mỗi sáng, Tú nấu đồ ăn sáng, pha sữa cho các cụ bà đang được điều trị ăn, uống, dọn vệ sinh phòng bệnh... Chị duy trì công việc ấy cho đến khi được xuất viện về nhà chăm con.

Tú nói, chỉ khi bị bệnh mới biết Covid-19 nguy hiểm đến thế nào. Do đó, chị khuyên mọi người phải thật yêu bản thân, kiên quyết tuân thủ quy định phòng dịch để không bị lây nhiễm.

Bài: Nguyễn Sơn

Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nỗi đau mất mẹ của chàng trai 'xin tắm gội cho bệnh nhân Covid-19'

Nỗi đau mất mẹ của chàng trai 'xin tắm gội cho bệnh nhân Covid-19'

Mẹ của Trường mới mất vì Covid-19 nhưng anh nén đau thương, tình nguyện ở lại bệnh viện dã chiến để dọn vệ sinh, tắm gội… cho người bệnh, cùng họ giật lại sự sống.