Mẹ cháu kể lại: "Buổi chiều, tôi có việc bận nên gửi cháu sang nhà hàng xóm. Hàng xóm của tôi là một trung niên khoảng 45 tuổi. Người đàn ông này có tiền sử nghiện ma túy đá...".

Trẻ nhỏ thoát chết kỳ diệu sau tai nạn qua lời kể bác sĩ

"Bé 4 tuổi đang cùng cậu mình ăn bánh gio, đột ngột ho vài tiếng rồi nghẹn bứ. Mặt đỏ bừng, chảy nước mắt nhưng không khóc được".

Mặc dù các bác sĩ đã cảnh báo rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng về những tai nạn đáng tiếc xảy đến với trẻ em, tuy nhiên tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ nhập viện do lỗi bất cẩn của cha mẹ vẫn còn khá phổ biến. 

Thậm chí, có nhiều trường hợp do sơ suất của cha mẹ mà để lại cho trẻ những hậu quả rất đau lòng. 

VietNamNet đã có cuộc trao đổi với Ths. Bs Ngô Anh Vinh, Khoa Cấp cứu chống độc, Bệnh viện Nhi Trung Ương về vấn đề này.

Ths.Bs Ngô Anh Vinh cho biết, tại khoa Cấp cứu chống độc, trẻ nhập viện phần lớn vì các lỗi như: Cha mẹ sơ ý để trẻ uống nhầm thuốc của người lớn; để trẻ uống nhầm dầu hỏa, xăng hoặc các dung dịch tẩy rửa nhà tắm; các tai nạn sinh hoạt trong gia đình...

{keywords}
Người nhà đưa trẻ đi khám tại bệnh viện Nhi Trung ương.

Ths.Bs Ngô Anh Vinh cho biết trường hợp cháu bé 10 tháng tuổi gặp nạn ở ngay Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội là một ví dụ điển hình.

“Cháu bé được đưa vào viện trong tình trạng lơ mơ, li bì, mặt bầm tím. Trên khuôn mặt cháu bé còn hằn dấu của 5 đầu ngón tay” - Ths. Bs Ngô Anh Vinh nói.

Mẹ cháu kể lại: "Buổi chiều, tôi có việc bận nên gửi cháu sang nhà hàng xóm. Hàng xóm của tôi là một trung niên khoảng 45 tuổi. Người đàn ông này có tiền sử nghiện ma túy đá.

Thời gian gần đây, không thấy anh ta đó có biểu hiện nghiện ma tuý nên tôi vẫn thường gửi con mỗi khi có việc bận. Những lần đó, anh ta đều trông nom cháu cẩn thận và không có vấn đề gì xảy ra". Tuy nhiên mọi chuyện đã không như chị nghĩ.

Chiều hôm đó, sau khi gửi cháu khoảng 4 tiếng, chị quay lại đón con thì thấy con có biểu hiện quấy khóc, mặt bầm tím. Chị hỏi thì người đàn ông kia nói rằng có con ma đang nhập vào người cháu nên phải đánh cháu để đuổi con ma ra ngoài.

Sau khi về nhà, bé vẫn khóc rồi rơi vào tình trạng lơ mơ, li bì dần nên cả gia đình đã đưa cháu vào khoa Cấp cứu Chống độc - Bệnh viện Nhi Trung Ương.

Bs Ngô Anh Vinh nói: "Tại khoa Cấp cứu Chống độc, cháu bé xuất hiện tình trạng co giật toàn thân. Các bác sỹ đã cấp cứu cho cháu bằng cách thở oxy liều cao và dùng thuốc chống co giật. 

Sau khi hết giật, cháu được chụp cắt lớp sọ não và kết quả cho thấy nạn nhân bị xuất huyết dưới màng cứng. Tuy nhiên, trường hợp của bé này chưa cần phải phẫu thuật mà chỉ cần điều trị nội khoa tích cực để tránh các tổn thương thứ phát và di chứng não về sau” .

Bs Vinh cho rằng, trường hợp trẻ bị bạo hành như trên sẽ để lại hậu quả rất nặng nề. Thậm chí có thể gây sang chấn tâm lý cho trẻ về lâu về dài.

{keywords}
Ths. Bs Ngô Anh Vinh trong ca trực tại khoa Cấp cứu Chống độc bệnh viện Nhi Trung ương.

Một trường hợp khác cũng từng khiến Bs Ngô Anh Vinh lưu tâm là nạn nhân Trần Long Hải (10 tuổi) ở Thanh Xuân, Hà Nội.

BS Vinh kể: "Sự việc xảy ra vào một ngày tháng 10. Khi đó cháu Trần Long Hải được đưa vào cấp cứu trong tình trạng li bì, kích thích, gọi hỏi hầu như không phản ứng.

Được biết, cháu Hải ở nhà cùng mẹ đẻ của mình. Mẹ của Hải năm nay 40 tuổi, có tiền sử bị bệnh hoang tưởng và phải uống thuốc điều trị 3 năm nay. Gần đây, tình trạng sức khỏe của người mẹ tiến triển tốt nhưng vẫn chưa hoàn toàn bình phục.

Hôm đó, cháu Hải đang chơi cùng mẹ trên gác thì bị mẹ ép uống 30 viên thuốc (loại thuốc điều trị hoang tưởng của mẹ đang dùng - PV) vì mẹ cháu nghĩ có người đang muốn ám sát con mình.

Bé Hải chống cự và có nhổ ra một ít thuốc trên nhưng một tiếng sau, gia đình thấy cháu gào khóc, nói lảm nhảm rồi ngủ li bì. Gia đình gọi hỏi và đánh thức không thấy cháu tỉnh dậy nên đã đưa cháu đến bệnh viện.

Sau khi được đưa vào cấp cứu tại khoa Cấp cứu Chống độc, BV Nhi Trung Ương, bé Hải được các bác sĩ tiến hành rửa dạ dày, cho uống than hoạt tính, truyền dịch tích cực kết hợp với lợi tiểu đường tĩnh mạch. 2 ngày sau cháu đã tỉnh táo, tiếp xúc tốt với mọi người và hồi phục sức khỏe.

Từ hai trường hợp trên, Ths.Bs Ngô Anh Vinh cho rằng, bố mẹ phải luôn giám sát các sinh hoạt của trẻ một cách sát sao. Khi gửi trẻ cho người khác trông giữ, phụ huynh phải tìm hiểu kỹ về người mà mình định gửi. Bất cứ một sự bất cẩn nào đều có thể để lại những hậu quả vô cùng đáng tiếc.

Trường hợp trong nhà có người mắc các bệnh về tâm thần, nghiện ma tuý phải luôn có sự theo dõi, giám sát của những người thân khác trong gia đình mỗi khi cho họ tiếp xúc với trẻ. 

Ngoài ra, các bệnh nhân tâm thần hoặc nghiện ma túy phải được gia đình và xã hội giám sát chặt chẽ các hành vi khi đối tượng về cộng đồng để tránh những sự việc đáng tiếc.

Minh Anh - Minh Giang