Trong gia đình thương nhân ở phố cổ đầu thế kỷ 20, Tết Hàn thực 3/3 rất được coi trọng. Họ chuẩn bị một mâm cỗ lớn, với các món như bánh trôi, bánh chay, chè cùng một số món ăn mang vị mát, phù hợp cho tiết trời mùa hè.

Bà Trương Thị Mô (SN 1924 - Hàng Bè, Hoàn Kiếm, Hà Nội) con gái vợ chồng thương gia Trương Trọng Vọng và Nguyễn Thị Sửu ở phố cổ những năm 1920, chia sẻ, cũng như các gia đình Hà Nội cổ, cha mẹ bà rất coi trọng việc cúng bái, lễ nghi và thờ cúng tổ tiên.

Theo đó, bất cứ một lễ nào trong năm dù lớn hay nhỏ đều được mẹ bà chuẩn bị chu đáo và dịp Tết Hàn thực cũng vậy.

{keywords}
Bà Trương Thị Mô cho biết, bất cứ một lễ nào trong năm, dù lớn hay nhỏ đều được mẹ bà chuẩn bị chu đáo, cầu kỳ và dịp Tết Hàn thực cũng vậy. Ảnh: Diệu Bình

Bà kể: “Từ ngày hôm trước, mẹ tôi đích thân dọn dẹp ban thờ, lau sạch bụi bặm. Sáng sớm, mẹ tôi cùng gia nhân đi chợ mua hoa cúng. Ngoài hoa cắm bình, mẹ tôi còn mua thêm hoa các loại bày vào đĩa.

Tiếp đó là mâm cỗ cúng Tết Hàn thực. Món ăn chính không thể thiếu trên mâm cỗ ngày này là hai món bánh trôi, bánh chay. Mẹ tôi thường bảo, làm bánh trôi, bánh chay rất dễ nhưng để bánh ngon hơn, mình phải cầu kỳ từ khâu chọn nguyên liệu”.

Người phụ nữ cho biết, với bánh trôi, mẹ bà thường chọn loại gạo nếp cái hoa vàng, dẻo làm vỏ bánh. Gạo được ngâm rồi mang đi xay thành bột. Công thức chuẩn là cứ chín phần gạo nếp cho thêm một phần gạo tẻ. Sau khi xay xong, lấy túi vải bọc số bột lại rồi treo lên cho ráo nước trong một ngày đêm.

Nhân bánh trôi được làm bằng đường phên. Những miếng đường vuông thành, sắc cạnh, đỏ thắm, rắn đanh và giòn, hương thơm mát. Bánh nặn xong, được mang đi luộc. Khi nào bánh chìm xuống rồi nổi lên, vớt ra và ngâm trong nước lã đun sôi để nguội cho săn và bày vào đĩa. Đĩa bánh trôi còn được rắc thêm hạt vừng trắng rang thơm lừng.

“Bánh chay mẹ tôi làm bằng bột nếp nhào nặn với nước. Tuy nhiên nhân bánh chay bằng đỗ. Đỗ để làm nhân bánh là giống đỗ tiêu, hạt nhỏ, thơm được hấp chín tới, giã mịn, trộn với đường kính trắng.

Đặc biệt, loại đỗ làm nhân phải là loại còn vỏ, xanh lòng như vậy nhân mới ngon và thơm, ít hạt hỏng” - bà nói tiếp. 

Vẫn theo lời bà Mô, khi đồ đỗ phải để to lửa, đỗ mới bở và mềm. Sau đó cho ra giã, xào với đường. Dừa thì chọn loại dừa già, bào nhỏ, xào lẫn với đậu xanh và ít hương liệu vani.

Khi nặn bánh chay, ta lưu ý công thức 2 phần vỏ thì 1 phần nhân. Cuối cùng mang đi luộc. Vớt ra cho vào nước sôi để nguội, cuối cùng là vớt bánh chay ra đựng trong bát. 

Công đoạn cuối là chan thêm một chút chè đường quấy với bột đao hay bột sắn dây ướp hoa bưởi.

Ngoài món bánh trôi, bánh chay, trên mâm cỗ cúng Tết Hàn thực dâng lên tổ tiên, mẹ bà Mô còn chuẩn bị các món chè hoa cau, chè bưởi cùng một số món ăn đặc trưng của Hà Nội như nem rán, phở cuốn, canh cá nấu bỗng. Những món ăn này có đặc điểm là thanh mát, giải nhiệt, rất phù hợp cho thời tiết tháng 3.

{keywords}
Con gái bà Mô bên bàn thờ của dòng họ. Ảnh: Diệu Bình

“Thông thường mâm cỗ cúng Tết Hàn thực người ta chỉ cúng đồ ngọt nhưng mẹ tôi nói làm mâm cỗ mặn, trước là dâng lên tưởng nhớ tổ tiên, trời đất sau là thụ lộc cho con cháu hưởng.

Đây cũng là bữa cơm sum họp để các thành viên trong gia đình gắn kết, yêu thương nhau hơn và giáo dục con cái về nề nếp gia đình”.

Bà Mô kể tiếp, cỗ cúng của gia đình bà thường đầy đủ 8 bát, 8 đĩa tượng trưng cho sự phát lộc, phát tài. Các món ăn được bày lên mâm gỗ hoặc mâm đồng, đi cùng với bát chiết yêu và đĩa cây mai. Trên các mâm cỗ sẽ được xếp thêm 10 bộ bát sứ và 10 đôi đũa gỗ bịt bạc.

{keywords}
Nơi thờ cúng của gia đình bà Mô. Ảnh: Diệu Bình

Đến giờ làm lễ, cha mẹ bà Mô đứng trước, các con xếp hàng phía sau, thành kính khấn vái tổ tiên. Khi nhang cháy hết mẹ bà Mô cho hạ lộc, phát cho mỗi con một bát bánh trôi, bánh chay ăn đầu tiên, sau mới dùng các món khác.

Vẫn theo lời bà, trước đây người Hà Nội không làm bánh trôi, bánh chay ngũ sắc như bây giờ mà chỉ làm bánh màu trắng truyền thống.

Bà chia sẻ thêm, buổi sáng ngày Tết Hàn thực mẹ bà còn chuẩn bị một mâm lễ chay gồm xôi và chè cùng các con mang lên chùa dâng hương lễ Phật.

"Trải qua nhiều năm tháng, tôi ngày càng cao tuổi nên các dịp Tết Hàn thực cũng như các lễ tiết trong năm đều do con gái tôi đảm nhiệm chuyện lễ cúng. Ngay cả bánh trôi, bánh chay con gái tôi cũng tự tay làm chứ không mua ở ngoài" - bà Mô bộc bạch.

Biệt thự gần 100 tuổi của đại gia nức tiếng phố cổ một thời

Biệt thự gần 100 tuổi của đại gia nức tiếng phố cổ một thời

Căn biệt thự cổ có diện tích rộng hơn 800 mét vuông,  tuổi đời gần 100 năm của đại gia phố Hàng Bè những năm đầu thế kỷ 20 vẫn còn nguyên vẹn lối kiến trúc cũ...

Biệt thự gần 600m2 giữa phố cổ của nhà buôn vàng xưa

Biệt thự gần 600m2 giữa phố cổ của nhà buôn vàng xưa

Khuất sau phố Hàng Bạc ồn ào, nhộn nhịp là một không gian yên bình, tĩnh lặng của biệt thự hơn 70 năm tuổi. Ít ai biết đây là nơi sinh sống của gia đình ông chủ hiệu vàng nức tiếng Hà Nội xưa.

Diệu Bình -  Vũ Lụa