Nghe tin Tết âm lịch năm nay có thể nghỉ đến 10 ngày, em rụng rời chân tay. Những ai cùng phận làm dâu như em chắc sẽ hiểu.

Trước đây còn son rỗi, Tết đến em tha hồ tung tẩy đi chơi, đi du lịch. Có năm đi “phượt” từ mùng Một, thầy u có phản đối chút xíu nhưng rồi vẫn vui vẻ cho đi, còn cho thêm tiền tiêu vặt. 

Hai năm nay kể từ khi lấy chồng, Tết với em như đi "khổ sai", sáng tối cắm mặt vào bếp nấu nướng, rửa bát, dọn dẹp. Chán không buồn tả.

{keywords}
Tết là 'nỗi ám ảnh' cho không ít chị em phụ nữ. Ảnh có tính chất minh họa, nguồn: Internet

Đời làm dâu khổ lắm các bạn ạ. Càng khổ hơn khi lấy chồng gần Hà Nội, đi về trong ngày được. Trước đây em sợ cảnh lấy chồng xa, giờ thì lại ước giá mà nhà chồng ở tận trong Nam, năm về thăm 1-2 lần, mỗi lần 2-3 ngày cho khỏe. 

Còn giờ nhà chồng cách Hà Nội có 40 km, đi về trong ngày thì nghỉ Tết 10 ngày phải ở nhà chồng đủ 10 ngày, đến đêm trước hôm đi làm bố mẹ chồng mới cho ra vì cứ cản “ra sớm cũng có làm gì đâu”.

Tết năm ngoái nghỉ 9 ngày. Cả 9 ngày em chỉ ru rú ở nhà chồng, sáng dậy nấu cơm cúng, ăn sáng xong quét dọn nhà cửa, trưa tối làm cỗ tiếp khách rồi rửa bát. 

Đêm giao thừa hai vợ chồng muốn đi xem pháo hoa thì mẹ chồng cản, bảo nhà có con dâu mới thì giao thừa phải quây quần mới vui, em hờn đêm dỗi chồng, khóc rưng rức.

Nói chung giờ em chỉ mong Tết nghỉ 6-7 ngày, công ty trả lương trả thưởng đầy đủ là được. Chứ Tết nghỉ 10 ngày thì dài quá, chỉ khổ những người làm dâu như em thôi.

Nhìn từ góc độ hoàn cảnh cá nhân, em chán Tết nên không muốn nghỉ dài. Nhưng nhìn từ góc độ xã hội thì việc nghỉ 10 ngày sẽ khiến người ta lười làm việc hơn, ăn chơi nhiều hơn, tốn kém hơn, còn công việc thì đình trệ.

Những người làm trong các đơn vị thuộc nhà nước thì thích nghỉ dài thôi chứ doanh nghiệp tư nhân thì chẳng ai muốn cả. Nghỉ ngày nào mất tiền ngày đó, tiền thuê mặt bằng, tiền thuê nhân công vẫn phải trả đủ mà nguồn thu thì không có. Tết xong có khi lỗ nặng, lại đòi giảm lương nhân viên.

Cán bộ nghỉ Tết thì dân thường muốn giao dịch gì cũng phải chờ đợi. Trước em có đứa bạn hoàn tất hồ sơ đi du học, vướng đúng lịch nghỉ Tết mãi không xin được dấu xác nhận vào một số giấy tờ nên phải hoãn sang kỳ sau mới nhập học được, tốn không biết bao nhiêu tiền của.

Khổ nhất là những việc liên quan đến tiền, cần giao dịch với ngân hàng. Có chị họ em bị nuốt thẻ khi rút tiền hôm mùng Hai, đang cần tiền để giải quyết việc mà không có cách nào để làm thẻ mới, trong khi rút được vì phải đợi đến ngày ngân hàng mở cửa lại. Đầu năm người ta kỵ vay tiền nên chả còn cách nào, đành đếm từng ngày chờ hết Tết thôi.

Thêm nữa, Tết nghỉ dài cũng lắm tệ nạn hơn. Từ ăn uống, nhậu nhẹt rồi va quẹt, tai nạn giao thông, đánh đấm nhau. Như làng chỗ chồng em, bình thường thanh niên đi làm xa hết chỉ Tết mới về. Nghỉ 4-5 ngày thì không sao, thăm thú họ hàng là đến ngày đi làm. 

Nghỉ dài là rảnh rỗi, rủ nhau đánh bạc thâu đêm, rồi cãi vã nhau, đánh nhau. Tết năm ngoái cũng vì thanh niên đánh bạc cãi nhau mà cả làng náo loạn.

Người ta đang có ý kiến Việt Nam quá nhiều lễ Tết, nghỉ nhiều hơn làm. Vậy nên em chỉ mong rút ngắn thời gian nghỉ. Chứ cứ nghỉ dài, du xuân cả vài tháng thì biết bao giờ mới giàu được!

...

Tết Nguyên Đán (Tết Cổ truyền) được xem là dịp lễ quan trọng nhất của người Việt. Việc nghỉ Tết dài hay ngắn ngày đang nhận được nhiều tranh luận trái chiều. Độc giả có bài viết chia sẻ về chủ đề này, xin gửi cho chúng tôi theo địa chỉ email: bandoisong@vietnamnet.vn. Những bài viết phù hợp sẽ được lựa chọn để đăng tải. Trân trọng cảm ơn!

Hằng Nguyễn (Hưng Yên)