Kỳ Sơn là huyện miền núi nghèo của tỉnh Nghệ An. Ở đây, dù cuộc sống còn nhiều thiếu cũng chưa bao giờ vơi bớt tình người.

Câu chuyện về lòng quả cảm của nam sinh Lương Thế Mạnh (SN 2002 - bản Cánh, Tà Cạ, Kỳ Sơn, Nghệ An) học lớp 12 trường THPT Kỳ Sơn lao mình xuống dòng nước lũ cứu người mới đây đã chạm đến trái tim nhiều người.

{keywords}
 

Giây phút sinh tử dưới dòng Nậm Mô

5 giờ 30 sáng, trời tờ mờ sương, cậu thanh niên Mạnh trở dậy, chuẩn bị sách vở, tranh thủ dọn dẹp nhà cửa rồi đến trường cùng bạn.

Ngôi trường cậu theo học cách nhà 6 km. Mỗi ngày Mạnh mất 30 phút, vượt qua con đường đầy sỏi đá, dọc con sông Nậm Mô, bản Xa Mai và bản Cầu Tám để đến trường. Những ngày này, sông Nậm Mô hiền hòa, ít nước hơn, màu nước xanh, trong vắt.

Thế nhưng, vào mùa mưa lũ, nước cuộn trào sóng dữ, như một gã khổng lồ, có thể nhấn chìm bất cứ thứ gì.

{keywords}
Sông Nậm Mô - nơi Mạnh liều mình cứu hai nạn nhân bị lũ cuốn.

Ngược dòng thời gian, vào ngày 3/9 vừa qua, khắp nơi hân hoan chào đón lễ khai giảng. Mạnh cũng vậy, cậu đến lao động, dọn dẹp vệ sinh lớp học, chuẩn bị cho buổi lễ khai giảng cuối cùng của đời học sinh vào sáng ngày 4/9.

Đến đoạn qua bản Bình Sơn 1 (xã Tà Cạ), Mạnh phát hiện dưới lòng sông có 2 người chới với, kêu cứu. Dòng nước gào thét, sóng cuộn trào chỉ trực cuốn trôi họ.

Trong tình thế cấp bách, Mạnh dừng xe, băng mình xuống sông, cố gắng vật lộn với dòng nước lũ để cứu người. Cậu bạn đi cùng thì hô hoán, tìm phao.

‘Hôm đó đúng ngày lũ về, thủy điện Nậm Mô xả nhiều nước. Khoảnh khắc nhìn người ta sắp chết, em chẳng nghĩ được gì, trái tim mách bảo phải nhảy xuống cứu là em nhảy. Em học bơi từ năm 4 tuổi, chứng kiến nhiều đợt lũ về nhưng đó là lần đầu tiên em thấy kinh hoàng đến vậy.

Nạn nhân sắp xỉu, chậm một giây có lẽ hai cuộc đời đã nằm xuống. Khi yên vị trên bờ, em mới tin là mình thoát chết’, Mạnh nhớ lại.

Ông La Pa Vin - Phó chủ tịch xã Tà Cạ, đồng thời là nhân chứng, chứng kiến sự việc thông tin, hai nạn nhân được Mạnh cứu sống là anh Vi Văn Quý (SN 2000) và em Moong Văn Kiều (SN 2009), trú tại bản Bình Sơn 1.

Anh Quý là người tàn tật, sống bằng nghề vớt củi trên sông. Do bất cẩn, anh bị ngã xuống sông. Em Kiều đứng trên bờ thấy anh Quý bị nạn liền nhảy xuống cứu nhưng do còn nhỏ, sức khỏe yếu, Kiều cũng bị dòng nước cuốn đi, đúng lúc đó, Mạnh kịp thời lao xuống.

Trước khi tiếp cận được nạn nhân, kéo họ vào bờ an toàn, Mạnh cũng bị cuốn trôi theo dòng nước khoảng 300m. Sau đó, Mạnh bơi ngược dòng trở lại, đến chỗ nạn nhân.

‘Trên đường đi làm, tôi và một số người dân thấy một thanh niên lao ra sông cứu 2 người đang bị nước lũ cuốn trôi.

Chúng tôi định lấy thuyền ở gần đó, đưa 3 người lên nhưng thuyền bị khóa. Sau khi phá được khóa thì Mạnh đã dìu được 2 nạn nhân vào mép sông. Lên đến bờ, mặt Mạnh tái nhợt, kiệt sức. Mọi thứ diễn ra rất nhanh’, ông Vin nói.

{keywords}
Đại diện chính quyền xã Tà Cạ đến động viên, khen thưởng Mạnh (Mạnh mặc sơ mi trắng, cổ áo màu đen)

Sau đó, Mạnh mặc nguyên quần áo ướt, nhanh chóng đến trường, tiếp tục công việc của mình.

‘Em nghĩ giúp người là bản năng, em không cần ai phải trả ơn. Nếu bản thân biết bơi, lại vô tâm bỏ mặc người ta. Nhỡ may họ xảy ra chuyện gì, em sẽ là người day dứt nhất. Ai rơi vào hoàn cảnh như em, chắc chắn sẽ hành động như vậy.

Mọi người bàn tán, khen ngợi em là người hùng nhưng thế chẳng khác nào tung hô, hào nhoáng, vì việc em làm quá nhỏ bé. Chỉ hi vọng, hành động của mình sẽ nhân rộng ra khắp nơi, không chỉ cứu người đuối nước mà còn giúp đỡ người khác trong tất cả hoàn cảnh’, Mạnh chia sẻ.

Ước mơ  của cậu học sinh nghèo

Mạnh sinh ra trong gia đình có hai anh em. Ông Lương Văn Cường (SN 1978) - bố Mạnh làm nghề đánh bắt cá trên sông, còn mẹ nấu cơm cho công nhân thủy điện Nậm Mô.

Cuộc sống khó khăn, người anh trai sinh năm 1997 lên đường sang Nhật Bản theo diện vừa học vừa làm. Ở nhà chỉ còn Mạnh phụ giúp bố mẹ. Sau giờ tan học, Mạnh về cơm nước, ôn bài.  

{keywords}
Nam sinh lớp 12 đang chuẩn bị cho kì thi quan trọng của cuộc đời

‘Bố mẹ biết chuyện em cứu người cũng bất ngờ nhưng vui không kể xiết. Khi các đoàn thể đến nhà thăm hỏi, khen thưởng, mẹ khóc vì con trai út đã trưởng thành. Gia đình em là người dân tộc Thái, sống đơn giản. Lúc nào bố mẹ cũng dặn em đừng ham vui mà bỏ bê học.  

Ngoài đánh bắt cá, bố em nuôi 2 con trâu và 1 con bò nhưng gửi bên nhà ông ngoại cũng ở bản Cánh. Rảnh rỗi, em lại sang ông làm giúp việc vặt. Ông em có hai cái ao nuôi cá’, Mạnh kể.

{keywords}
Thấm thía cái đói nghèo, nam sinh lớp 12c1 trường THPT Kỳ Sơn ấp ủ cho mình nhiều dự định tương lai.

Từ nhỏ, nhiều lần được theo bố xuôi thuyền, lên gần giáp biên giới Việt - Lào đánh bắt cá, Mạnh quá quen thuộc với từng ngóc ngách, của con sông này. Chứng kiến sự lam lũ của bố mẹ, cậu luôn khao khát một bước ngoặt, thay đổi số phận.

Trước mắt là năm cuối cấp, Mạnh đang gấp rút cho các kỳ thi quan trọng. Chàng thanh niên cũng ấp ủ những ước mơ trước ngưỡng cửa cuộc đời.

'Em sẽ đăng ký thi vào Học viện Quốc phòng và trường Sĩ quan Lục quân 1. Em thích theo con đường binh nghiệp, về phục vụ quê hương. Nếu không đỗ, có thể em sẽ nối gót anh trai, đi lao động xuất khẩu’, Mạnh bộc bạch.

{keywords}
Mạnh cùng các bạn trong lễ khai giảng năm học mới.

Ông La Pa Vin - PCT xã Tà Cạ thông tin thêm: 'Gia đình em Mạnh thuộc diện hộ cận nghèo ở địa phương. Con cái ngoan ngoãn, không dính dáng hay xảy ra vấn đề gì liên quan đến tệ nạn xã hội, pháp luật. Chứng kiến hành động dũng cảm của Mạnh, tôi đã báo cáo ngay lên các cấp lãnh đạo và thay mặt UBND xã đến nhà thăm hỏi gia đình, trao quà cho em'.

Sau khi thông tin lan tỏa, Lương Thế Mạnh đã được BGH trường THPT Kỳ Sơn tặng bằng khen, biểu dương trong lễ khai giảng năm học 2019 - 2020, đồng thời Mạnh cũng nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Diễn viên 20 năm dạy múa miễn phí, kể về mẹ chồng nức tiếng xinh đẹp

Diễn viên 20 năm dạy múa miễn phí, kể về mẹ chồng nức tiếng xinh đẹp

 Mẹ chồng bà Phúc là con gái gia đình giàu có xưa kia ở Hải Phòng, có tấm lòng nhân hậu bao la. Cách sống của cụ đã ảnh hưởng đến con dâu rất nhiều. 

Diệu Bình