Bà Li Jingzhi đã dành hơn 30 năm để đi tìm cậu con trai Mao Yin bị bắt cóc vào năm 1988. Khi đã gần như từ bỏ mọi hi vọng thì vào tháng 5 mới đây, bà nhận được một cuộc gọi bất ngờ.

Đứa trẻ bị mất tích

Vì chính sách một con của Trung Quốc, vợ chồng Jingzhi chỉ sinh một cậu con trai. Cậu bé Mao Yin rất ngoan ngoãn, thông minh và đáng yêu. Với kỳ vọng con trai sẽ học hành chăm chỉ và thành tài, vợ chồng bà đặt tên ở nhà cho con trai là Jia Jia - nghĩa là “tuyệt vời”.

“Ai nhìn thấy thằng bé cũng đều yêu quý ngay lập tức”, bà nhớ lại.

Ngày đó, bà Jingzhi làm việc cho một công ty xuất khẩu ngũ cốc. Vào mùa thu hoạch, bà thường phải rời thị trấn vài ngày để đến thăm các nhà cung cấp ở nông thôn. Những lần ấy, Jia Jia ở nhà với bố.

Một lần, khi bà đang đi công tác thì nhận tin nhắn của đồng nghiệp báo phải về nhà ngay.

“Thời điểm đó, phương tiện liên lạc chưa được thuận tiện lắm. Vì thế, tất cả những gì tôi nhận được là một bức điện gồm 6 từ ‘Có chuyện gấp, về nhà ngay’. Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra”.

Bà vội vã trở về Tây An – nơi mà người quản lý đã báo cho bà một tin kinh khủng. “Anh ấy chỉ nói một câu: ‘Con trai chị mất tích rồi”.

Đó là tháng 10 năm 1988. Năm ấy, Jia Jia 2 tuổi 8 tháng.

{keywords}
Jia Jia ngày còn nhỏ.

Ông bố giải thích rằng, ông đã đón con từ trường mầm non, sau đó dừng lại trên đường về nhà để lấy nước cho con uống từ một khách sạn nhỏ do gia đình làm chủ. Ông chỉ lơ đễnh trong khoảng 1-2 phút, và khi quay ra thì Jia Jia đã biến mất.

Bà Jingzhi nghĩ rằng có lẽ con trai mình đi lạc và không tìm được đường về nhà. Ai đó tốt bụng sẽ thấy thằng bé và đưa nó về với bà.

Nhưng 1 tuần trôi qua mà không có ai đưa Jia Jia tới đồn cảnh sát. Lúc này, Jingzhi biết tình huống trở nên nghiêm trọng hơn.

Bà bắt đầu đi hỏi xem có ai nhìn thấy Jia Jia ở khu vực quanh khách sạn không. Bà in 100.000 tờ rơi cùng bức ảnh của con trai rồi đi phát khắp khu bến tàu, trạm xe buýt ở Tây An. Bà đặt viết những bản tin mất tích trên các tờ báo địa phương. Tất cả đều không thành công.

“Trái tim tôi tan vỡ… Tôi muốn khóc. Tôi muốn hét lên”.

Bà bật khóc khi nhìn lại những bộ quần áo cũ của con trai, những đôi giày nhỏ và những món đồ chơi của thằng bé.

Quá đau lòng, bà đổ lỗi cho chồng về việc mất tích của con. Nhưng sau đó, bà nhận ra rằng họ nên để dành tâm sức cho việc đi tìm con trai.

Tuy nhiên, thời gian trôi qua, nỗi ám ảnh khiến họ hiếm khi trò chuyện với nhau. Sau 4 năm, họ ly hôn.

Hành trình tìm con gian nan

Bà Jingzhi vẫn không ngừng tìm kiếm con. Cứ mỗi chiều thứ Sáu, sau khi hoàn thành công việc, bà lại bắt tàu tới các tỉnh lân cận để tìm Jia Jia. Bà quay về nhà vào tối Chủ nhật để thứ Hai kịp đi làm.

Bất cứ khi nào có chút manh mối về một bé trai nào đó trông giống con trai, bà đều lên đường.

{keywords}
Việc Jia Jia mất tích đã khiến bà Jingzhi suy sụp. 

Một lần, bà bắt xe tới một thị trấn khác ở Thiểm Tây, rồi đi xe buýt về vùng nông thôn để tìm một cặp vợ chồng vừa nhận nuôi một cậu bé tới từ Tây An trông giống Jia Jia. Nhưng khi ngồi đợi dân làng đi làm ruộng về, bà được tin vợ chồng này đã đưa cậu bé đến Tây An. Bà lại vội vã quay về Tây An vào lúc sáng sớm.

Sau đó, bà dành nhiều ngày để tìm kiếm cặp vợ chồng này. Cuối cùng, bà tìm được người phụ nữ và đứa trẻ, nhưng cậu bé không phải là Jia Jia.

“Tôi đã nghĩ chắc chắn rằng đứa bé là Jia Jia, nên tôi vô cùng thất vọng”.

Con trai là điều đầu tiên bà nghĩ đến vào mỗi sáng thức giấc. Đến đêm, bà lại mơ thấy con trai khóc gọi mẹ.

Nghe lời một người bạn, bà đi khám bác sĩ. “Bác sĩ nói rằng chuyện này đã ảnh hưởng rất lớn đến tôi. Ông ấy nói có thể chữa bệnh cho tôi về thể chất nhưng bệnh tinh thần thì chỉ tuỳ thuộc vào tôi”.

Những câu nói của bác sĩ khiến bà suy nghĩ suốt đêm. Bà thấy mình không thể cứ tiếp tục sống như thế này được nữa. “Nếu không cố gắng kiểm soát cảm xúc của mình, tôi có thể phát điên. Nếu tôi mất trí, tôi sẽ không thể tìm con trai được nữa và một ngày nào đó khi nó quay lại, nó sẽ nhìn thấy một bà mẹ điên”, Jingzhi nói.

Kể từ đó, bà nỗ lực để tránh cảm xúc đau buồn và tập trung toàn bộ sức lực cho việc tìm kiếm.

Khoảng thời gian này, bà cũng nhận ra rằng rất nhiều người có con bị mất tích, không chỉ ở Tây An mà còn nhiều khu vực khác. Bà bắt đầu làm việc cùng họ để xây dựng một mạng lưới trải dài hầu hết các tỉnh thành Trung Quốc. Các thành viên trong nhóm gửi cho nhau những chiếc túi lớn tờ rơi và dán ở khu vực mà mình chịu trách nhiệm.

Khi Jia Jia đã mất tích được 19 năm, bà Jingzhi bắt đầu hợp tác với trang Baby Come Home chuyên giúp các gia đình có con mất tích được đoàn tụ.

Sau đó, vào năm 2009, Chính phủ Trung Quốc thiết lập cơ sở dữ liệu ADN - nơi mà các cặp vợ chồng có con mất tích và những đứa trẻ nghi ngờ rằng mình có thể là con nuôi có thể đăng ký ADN. Đây là một bước tiến lớn giúp giải quyết hàng ngàn trường hợp mất tích.

Hầu hết những đứa trẻ mất tích mà bà Jingzhi biết đều là bé trai. Những cặp vợ chồng mua đứa trẻ thường không có con hoặc chỉ có con gái. Hầu hết họ sống ở nông thôn.

Nhờ phối hợp với Baby Come Home và các tổ chức khác trong hơn 2 thập kỷ qua, bà Jingzhi đã giúp kết nối được 29 đứa trẻ với bố mẹ đẻ. Bà nói, thật khó để miêu tả cảm xúc mà bà trải qua khi chứng kiến những cuộc tái hợp này.

“Tôi tự hỏi ‘Tại sao lại không phải là con trai tôi?’. Nhưng khi tôi nhìn thấy họ ôm nhau, tôi cảm thấy hạnh phúc thay họ. Tôi nghĩ nếu như họ có ngày này, tôi cũng hoàn toàn có thể. Tôi vẫn còn hi vọng một ngày nào đó con mình sẽ quay trở về”.

Cuộc đoàn tụ sau 32 năm 

Ngày 15/1/2015, mẹ bà qua đời. Đó cũng là ngày sinh nhật của Jia Jia. “Tôi cảm thấy đó là cách mà Chúa đã nhắc tôi đừng quên người mẹ đã sinh ra mình và đứa con mà mình đã sinh ra”.

Và vào ngày 10/5 năm nay - Ngày của Mẹ, bà Jingzhi đã nhận được một cuộc gọi từ Cục Công an Tây An. Họ thông báo một tin tuyệt vời: “Mao Yin đã được tìm thấy”.

“Tôi không dám tin đó là sự thật”.

{keywords}
Ngày cả gia đình tái hợp.

Trước đó, hồi tháng 4, có người đã báo cho bà biết về một đứa bé tới từ Tây An cách đây nhiều năm. Người này cung cấp một bức ảnh của cậu bé khi đã trưởng thành. Bà Jingzhi đưa bức ảnh cho cảnh sát, và họ đã sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt để xác định người đàn ông đang sống ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên cách nơi bà sống khoảng 700km.

Cảnh sát đã thuyết phục người đàn ông đi xét nghiệm ADN. Ngày 10/5, kết quả xét nghiệm cho thấy trùng khớp. Tuần sau, cảnh sát lại lấy mẫu máu để xét nghiệm lại và kết quả chứng minh họ là mẹ con.

“Chỉ khi nhận được kết quả, tôi mới thực sự tin rằng đã tìm thấy con trai”, bà Jingzhi nói.

Sau 32 năm với hơn 300 manh mối giả, cuộc tìm kiếm của bà cuối cùng cũng thành công.

Ngày 18/5, 2 mẹ con bà Jingzhi tái hợp. Bà rất lo lắng vì không biết con trai sẽ cảm thấy như thế nào về mẹ. Bây giờ, Jia Jia đã là một người đàn ông trưởng thành, đã có gia đình riêng và đang điều hành một công ty trang trí nội thất.

“Trước cuộc gặp, tôi rất lo lắng. Có lẽ thằng bé sẽ không nhận ra tôi hoặc không chấp nhận tôi. Tôi rất sợ khi tôi ôm con trai, nó sẽ không chấp nhận cái ôm đó”.

Vì thường xuyên xuất hiện trên truyền hình để nói về các vấn đề trẻ em mất tích, nên câu chuyện của bà Jingzhi rất nổi tiếng. Giới truyền thông lập tức hào hứng với tin bà đã tìm được con trai.

Vào ngày đoàn tụ, Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc đã phát sóng trực tiếp giây phút 2 mẹ con họ gặp nhau. Jia Jia bước vào căn phòng ở Sở Công an Tây An và gọi lớn “Mẹ!”, rồi chạy tới ôm lấy bà. Hai mẹ con oà khóc.

“Đó chính là cách mà thằng bé chạy về phía tôi khi nó còn nhỏ”, bà Jingzhi tâm sự.

{keywords}
"Chúng tôi như chưa hề bị chia cắt", bà Jingzhi nói. 

Sau đó, bà được biết Jia Jia đã bị bán cho một cặp vợ chồng không có con ở Tứ Xuyên với giá 6.000 tệ (hơn 20 triệu đồng) 1 năm sau ngày bị bắt cóc. Bố mẹ nuôi đổi tên Jia Jia thành Gu Ningning.

Sau cuộc đoàn tụ, Jia Jia đã sống 1 tháng ở Tây An cùng với bố mẹ đẻ của mình.

Họ cùng nhau xem lại những bức ảnh cũ với hi vọng Jia Jia sẽ nhớ một chút về thời thơ ấu khi chưa mất tích. Nhưng anh không nhớ bất cứ điều gì đã xảy ra trước năm 4 tuổi, khi anh đã sống cùng bố mẹ nuôi.

Hiện Jia Jia tiếp tục sống ở Thành Đô, trong khi bà Jingzhi vẫn sống ở Tây An. Nhiều người cho rằng bà nên thuyết phục con trai trở về Tây An.

Mặc dù rất muốn sống gần con nhưng bà nói rằng không muốn cuộc sống của con thêm phức tạp.

“Thằng bé đã trưởng thành rồi. Nó có cách suy nghĩ của riêng mình. Nó có cuộc sống riêng, đã kết hôn và có gia đình riêng. Vì thế, tôi chỉ có thể chúc phúc cho nó từ xa. Tôi biết con mình ở đâu và tôi biết nó vẫn còn sống. Thế là đủ”.

Sau cuộc đoàn tụ, Jia Jia không muốn tham gia các cuộc phỏng vấn. Cảnh sát cũng không tiết lộ thông tin về bố mẹ nuôi của anh.

Với kẻ đã bắt cóc Jia Jia 32 năm trước, bà Jingzhi hi vọng rằng cảnh sát sẽ tìm ra. Bà muốn thủ phạm phải bị trả giá vì đã khiến bà đau khổ suốt 32 năm qua. Điều đó đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời bà và cuộc đời Jia Jia.

{keywords}
Hiện tại, 2 mẹ con vẫn sống xa nhau, nhưng với bà Jingzhi, chỉ cần biết con trai mình còn sống tốt là đủ. 
Cựu binh Mỹ gặp lại con gái gốc Việt sau 48 năm

Cựu binh Mỹ gặp lại con gái gốc Việt sau 48 năm

Một cựu binh người Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam đã tìm ra cô con gái thất lạc nhờ bài xét nghiệm DNA.

Nguyễn Thảo (Theo BBC)