Sau khi trốn chạy khỏi mối nhân duyên do cha mẹ sắp đặt, những tưởng Phượng sẽ tìm được bến bờ hạnh phúc. Nhưng số phận trêu ngươi khi con tim chị lại thổn thức với Trung, gã đàn ông vũ phu, thích ăn nhậu và mê cờ bạc.

Hơn mười năm chung sống với chồng trẻ là ngần ấy thời gian Phượng và bốn đứa con sống trong cảnh roi vọt vì "con ma men".

Thiếu nữ trốn duyên

Nói là nhà nhưng thực chất chỉ là những tấm tôn được dựng lên tạm bợ, xiêu vẹo để che nắng, che mưa mà thôi. Gặp chúng tôi, chị vừa mừng vừa rơm rớm nước mắt: "Tôi khổ quá, mấy đứa nhỏ bị cha đánh thậm tệ lại không thể đến trường vì không có tiền đóng học phí".

Nhìn tình cảnh bi đát hiện tại của gia đình, Phượng bỗng ngậm ngùi nhớ lại thời con gái nông nổi và vụng dại. Nghĩ về con đường tình duyên của mình, bây giờ chị mới cảm thấy thực sự hối tiếc.

{keywords}

Những đứa trẻ bất hạnh trong ngôi nhà rách nát.

Hồi đó, Nguyễn Thanh Phượng (SN 1973) là cô gái miền Tây trẻ trung, xinh đẹp được nhiều "vệ tinh" vây quanh. Sinh ra trong gia đình có 8 người con trai, Phượng là con gái duy nhất nên được ba mẹ chiều chuộng, gửi gắm nhiều hy vọng.

Và rồi, gia đình cũng nhắm cho chị một chàng trai giàu có ở làng kế bên, mong cho con gái sẽ hưởng một cuộc sống sung túc không phải lo nghĩ. Phượng sống hồn nhiên, đầy mộng mơ và kiêu sa với những chàng trai lực điền chốn thôn quê bưng biền.

Thế nên, trái tim người thiếu nữ chưa một lần biết yêu không muốn theo cuộc hôn nhân sắp đặt như thế. Phượng âm thầm chuẩn bị kế hoạch bỏ trốn để đến với bầu trời tự do, tìm hạnh phúc trong tình yêu thật sự.

Trong khi mọi người đang tất bật sửa soạn cho ngày lễ ăn hỏi thì Phượng lẳng lặng gói ghém đồ đạc trong đêm để rời vùng quê Sóc Trăng. Sáng ra không thấy con gái đâu, gia đình huy động tổng lực tỏa bốn phương tám hướng tìm cô dâu song vẫn bặt vô âm tín. Bất lực, thất vọng, ba mẹ Phượng chỉ còn biết muối mặt đem trả lại sính lễ và cáo lỗi với nhà trai.

Chân ướt chân ráo đến miền đất lạ, cô gái thôn quê lạ lẫm với tất cả. Để trụ lại trên đất Sài Gòn, Phượng phải bươn mình ra làm thuê khắp nơi. Khi có khoản vốn nho nhỏ, chị sắm cho mình một chiếc xe lưu động bán cá viên chiên ở khu vực chợ Đệm (huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh).

Tại đây, ông trời khéo sắp đặt cho Phượng gặp Trần Đăng Trung, làm nghề lái xe ôm kém chị gần 7 tuổi. Đồng cảnh ngộ tha hương, thiếu thốn tình cảm, hai mảnh đời "cạp" lại với nhau lúc nào không hay.

{keywords}

Căn nhà tồi tàn của người mẹ 4 đứa con.

Chỉ một thời gian ngắn, người con gái thôn quê đã hiến dâng tất cả cho người yêu. Không toan tính thiệt hơn, không màng danh giá bạc tiền, chị lao vào yêu người tình trẻ, mù quáng và si mê.

Những ngày "đầu ấp tay gối", Phượng sinh hạ con gái đầu lòng, kết quả của mối tình "chợ Đệm" chóng vánh. Từ khi có con, tình cảm của Trung nguội dần. Trung thường xuyên đi nhậu mà không chú tâm chạy xe ôm kiếm tiền như trước nữa.

Bĩ cực chẳng đã, những đứa con tiếp nối ra đời, dường như không phải tình yêu, chỉ là bản năng. Nỗi lo cơm áo gạo tiền lại càng chồng chất, đổ dồn lên đôi vai vốn gầy rộc của người phụ nữ gánh vác việc kiếm tiền thay chồng. Đó là những năm tháng tủi nhục và đau khổ nhất của Phượng.

Mức độ bê tha của chồng ngày một tăng, là khi lết cái xác rũ rượu về nhà, Trung hiện nguyên hình là một gã đàn ông bạc nhược, vũ phu, vô dụng. Những trận đòn roi quất xuống vợ và các con không thương tiếc. Chị Phượng phải bồng bế con chạy trốn khắp các ngõ hẻm để tránh sự "truy sát' của "con ma men".

Khát khao được sống những ngày bình yên

Số phận đã mỉm cười với người mẹ đau khổ này khi người mua vé trúng giải độc đắc đã tặng chị 60 triệu đồng. Không những thế, vị khách hảo tâm còn mua tặng chị một mảnh đất ở Long An để gia đình về sinh sống.

Có miếng đất cắm dùi, vợ chồng con cái dắt díu nhau về xã Phước Lý (Cần Giuộc - Long An) dựng nhà. Số tiền người trúng số tặng, chị giữ thật kỹ để làm vốn kinh doanh.

Những tưởng có mái nhà ổn định, người chồng sẽ tu nhân sửa tính, nhưng bản chất là do trời định, khó mà thay đổi. Sẵn có tý tiền của vợ, Trung sa vào ăn thua đỏ đen. Mỗi lần thua bạc, anh ta lại về nhà tra khảo và đánh đập vợ con bắt phải "nôn tiền" ra cho gã đi chơi tiếp.

Số tiền trời cho chẳng mấy chốc mà bay hết. Cuộc sống vốn đã nghèo nay lại càng thê thảm hơn. Hết tiền lộc, Trung lại bắt vợ bán đồ đạc, tài sản, bán tất cả những gì có giá trị trong nhà. Quá sức chịu đựng, chị Phượng đã phải kêu cứu chính quyền địa phương can thiệp.

Đại diện Công an xã Phước Lý đã mời hai vợ chồng lên cam kết hòa giải, yêu cầu anh Trung không được đánh đập vợ con nữa. Hòa giải là biện pháp ban đầu, nếu anh Trung vẫn tiếp tục vi phạm, sẽ áp dụng Nghị định 163, đưa anh ta đi giáo dục lao động hay cảnh cáo trước cộng đồng dân cư.

Vì chồng, trăm thứ khổ đổ lên đầu chị Phượng. Trong những lần bồng bế con trốn chồng đuổi đánh, cậu bé Trần Trung Bảo (7 tuổi) bỗng nhức đầu rồi lên cơn co giật. Chị Phượng đưa con lên bệnh viện tâm thần thăm khám và phát hiện não bị tổn thương, rối loạn nghiêm trọng cần nằm điều trị dài hạn.

Nhìn con thường xuyên kích động đập phá đồ đạc, thậm chí nhào đánh những người tới gần, chị Phượng hết sức lo lắng. Thế nhưng, vì không có tiền viện phí chị đành cắn răng đưa con về nhà chăm sóc. Đến bây giờ đã được hai năm, nhưng bệnh tình bé Bảo vẫn chưa được cải thiện vì uống thuốc không đều đặn.

Người mẹ khóc ròng tự trách mình: "Chỉ vì tôi bất lực nên không lo nổi cho các con. Không có tiền thuốc thang nên con trai tôi vẫn chưa có chuyển biến gì". Để yên tâm đi làm kiếm tiền thuốc thang cho con, chị Phượng buộc lòng phải dùng dây xích trói con trai lại để phòng thằng bé lên cơn "điên" sẽ quậy.

{keywords}

Chị Phượng dành thời gian chăm sóc cho đứa con bị tâm thần sau một ngày bận rộn mưu sinh.

Bé Bảo nói liên tục cả ngày không ngơi nghỉ. Khi chúng tôi hỏi về ba, cậu bé trở nên dữ dằn hơn và hét: "Không, đừng đánh". Nhìn con, chị Phượng gào lên đau khổ, chị cho biết: "Đó là chứng tích của những đêm kinh hoàng nó chứng kiến cha bạo hành mẹ".

Hằng ngày, chị Phượng đi bán vé số, tối nhập nhoạng thì tranh thủ giăng lưới bắt cá về làm cơm cho con. Những khi chồng đi nhậu say xỉn, các mối xe ôm gọi, chị tất tả cầm lái thay chồng.

Chị thổn thức: "Dù phải chịu bao nhiêu đòn roi của chồng nhưng đổi lại con tôi được khỏi bệnh và ăn học đàng hoàng, tôi cũng cam tâm tình nguyện. Chỉ mong mấy đứa nhỏ sắp tới có một cái Tết vui vẻ hơn và không còn roi vọt nữa…".

Đêm, Phượng ôm con thu mình vào sát mép tường, giấc ngủ chập chờn hoảng sợ. Phượng nhớ đến gia đình, nước mắt trực trào vì thương cha mẹ. Gia đình chị giờ không còn ai để nương tựa nữa. Mẹ bị bệnh nằm một chỗ đã nhiều năm, bố vừa mất, anh chị em thì kẻ lưu lạc, người ốm đau.

Rời khỏi căn nhà vách tôn lụp xụp, chúng tôi mang theo niềm hy vọng của người phụ nữ và những đứa trẻ mong ước thoát khỏi ngõ cụt của cuộc sống tối tăm, khát khao được sống những ngày tháng bình yên, không có bàn tay của kẻ "nát rượu".

(Theo CAND)