Một ngày đầu tháng 2/2020, người đàn ông với mái tóc bạc trong bộ vest đen, lồng vào tay người phụ nữ - mái tóc cũng không còn xanh - một chiếc nhẫn cưới.

Nước mắt rơm rớm trên gương mặt bị biến dạng sau những đợt chữa trị bệnh ung thư, bà xúc động chia sẻ với các con cháu: ‘Từ bé đến giờ, chưa bao giờ bà được mặc áo dài đẹp thế này…’.

{keywords}
Bánh cưới trong 'đám cưới vàng' của ông Thắng và bà Thịnh.

Đó là giây phút trong 'đám cưới vàng' của ông Hồ Văn Thắng (SN 1950) và bà Phạm Thị Thịnh (SN 1952) ở xã Tiền Phong, Thường Tín, Hà Nội.

Như lời ông nói, cuộc hôn nhân của họ trải qua không ít vất vả, gập ghềnh và cả những hạnh phúc, ngọt ngào…

Đám cưới thời chiến

Nhà của ông Hồ Văn Thắng và bà Phạm Thị Thịnh chỉ cách nhau 300m. Sinh ra, lớn lên cạnh nhau, họ đem lòng yêu nhau.

‘Đám cưới vào năm 1970 của chúng tôi đơn giản lắm. Rạp được làm bằng cót, các đồ dùng như bạt phủ, chăn con công… đều phải đi mượn. Gia đình làm mấy mâm cơm đơn giản để tôi đưa bà ấy về chung một nhà’, ông Thắng nhớ lại.

{keywords}
Ông Thắng và bà Thịnh thời trẻ.

Năm 1971, ông trở lại chiến trường miền Nam khi vợ mang thai con gái đầu lòng. Năm 1972, vợ sinh con nhưng ông không thể ở gần.

Chồng đi chiến đấu, bà Thịnh ở nhà với bố mẹ chồng làm việc, chăm con.

‘Bà ấy rất chịu khó. Ngày ấy vất vả và thiếu thốn nên tôi rất muốn sau này có điều kiện có thể bù đắp cho vợ’, ông Thắng nói.

Năm 1976, ông Thắng rời quân ngũ trở về nhà. Hai vợ chồng làm ruộng và tiếp quản nghề làm bông truyền thống của làng. Kinh tế ổn định hơn nhưng năm 1995, bà Thịnh bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư vòm họng.

Anh Nguyên Khánh (SN 1992, Phó Bí thư Đoàn xã Tiền Phong), là cháu ngoại của ông Thắng, chia sẻ: ‘Tôi nghe người lớn trong nhà kể lại, khi bà mắc bệnh, cả gia đình lúc đó gần như không còn hy vọng.

Nhưng ông vẫn không bỏ cuộc, kiên trì tìm mọi cách chữa bệnh và trở thành nguồn động lực cho bà trong giai đoạn khó khăn nhất’.

{keywords}
Sau 50 năm bên nhau, ông bà có 8 con dâu, rể và gần 20 người cháu, chắt.

Việc điều trị phóng xạ khiến bà Thịnh bị thủng hai góc hàm, xương quai hàm co cứng không cử động được. Bà không thể ăn cơm và nói chuyện không rõ tiếng, lâu dần dẫn tới khuôn mặt bị biến dạng.

Thời gian đó, ông luôn là người ở cạnh, chăm cho bà từ bữa ăn tới giấc ngủ. Nghe ở đâu có phương thuốc hay thầy thuốc tốt, ông đều đưa bà đến với hi vọng ‘còn nước còn tát’.

‘Việc chữa trị vô cùng tốn kém. Trước đây, ông xây dựng được cơ ngơi khiến nhiều người phải nể. Năm 1990, ông mua được xe máy Cub 81 và nhiều đồ đạc đắt tiền.

Khi bà bị bệnh, ông bán toàn bộ đồ đạc, bán cả xe máy và cây si cảnh quý hiếm mà ông rất thích, mục đích để chữa bệnh cho vợ’, anh Khánh kể thêm.

'Đám cưới vàng' sau 50 năm

Cuối cùng, may mắn cũng mỉm cười với họ khi sức khỏe của bà Thịnh trở nên tốt hơn. Năm 2006, ông đưa bà đến bệnh viện kiểm tra, bác sĩ thông báo kết quả tế bào ung thư đã không còn.

Hiện, do di chứng, bà nói khó nghe và không ăn được cơm, chỉ ăn được thức ăn lỏng như cháo, sinh tố… Tuy nhiên bà khỏe mạnh, vui vẻ.

{keywords}
 
{keywords}
Ông bà trong 'đám cưới vàng'.

Hàng sáng, 2 vợ chồng đều dậy từ 5 giờ. Ông đi đánh bóng chuyền, bà tập thể dục. Sau khi ăn sáng, bà có thể làm việc nhà, chăm các cháu và mẹ chồng cao tuổi.

Khi vợ khỏi bệnh, ông Thắng giao toàn bộ công việc làm ăn cho các con và tham gia các hoạt động xã hội. Ông tích cực hoạt động ở các hội Cựu chiến binh, hội Người cao tuổi… của xã.

‘Ông bà tôi có 8 con dâu, rể và gần 20 cháu, chắt. Các con cái đều thành đạt, hạnh phúc. Ông bà là tấm gương về đối nhân xử thế cho chúng tôi học tập: Luôn tôn trọng nhau, ít khi lớn tiếng trước mặt con cháu…

Đặc biệt, ông rất thương bà. Cách thể hiện tình cảm của ông không ồn ào như người trẻ mà thường bày tỏ qua các hành động. Đám cưới vừa rồi, ông cũng tự mua nhẫn để tặng bà’, anh Khánh kể thêm.

Tháng 2/2020 - kỷ niệm tròn 50 năm ngày cưới của ông Thắng và bà Thịnh. Biết đám cưới ngày xưa của bố mẹ thiếu thốn, vất vả nên các con, cháu quyết định tổ chức đám cưới cho ông bà.

Ngày vui của họ có đầy đủ các thủ tục, nghi thức như trao nhẫn cưới, cắt bánh… Bà trong chiếc áo dài, đứng bên cạnh ông không giấu nổi xúc động.

‘Tôi chỉ mong bà ấy khỏe mạnh, để chúng tôi có thêm những năm tháng cuối đời sống bình yên, hạnh phúc với nhau’, ông Thắng nói.

Yêu nhau lúc 'trắng tay': Thử thách không phải tình yêu nào cũng vượt qua

Yêu nhau lúc 'trắng tay': Thử thách không phải tình yêu nào cũng vượt qua

Người ta vẫn thường nói, tình yêu tuổi trẻ nồng nhiệt nhưng cũng thật mỏng manh, đi qua những giông gió, chưa chắc người năm ấy vẫn còn kề cạnh bên nhau…

Ngọc Trang