Kể từ khi mẹ ruột qua đời, giai nhân Vi Kim Ngọc cùng chồng con chuyển về sinh sống trong căn biệt thự rộng lớn của tổng đốc Vi Văn Định, giúp cha quản lý việc nhà.

>>Kỳ 2: Đám cưới linh đình ở dinh Tổng đốc của giai nhân Thái Bình

Tình yêu đong đầy

Năm 1936, từ giã cuộc sống của một gia đình quý tộc, giai nhân Vi Kim Ngọc (1916 - 1988) về làm dâu gia đình GS Nguyễn Văn Huyên (1905 - 1975), nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trong 10 năm đầu của cuộc hôn nhân, GS Huyên miệt mài với sự nghiệp nghiên cứu, dạy học còn bà Kim Ngọc lo toan gánh vác việc nhà.

Sau đám cưới, đôi vợ chồng trẻ sống tại ngôi nhà trên số 95 Gămbetta (ngày nay là phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội).

Khi mang thai con gái đầu lòng, giai nhân Vi Kim Ngọc bị ốm nghén nặng suốt 4 tháng ròng. Cơ thể suy nhược, từ 49 kg tụt xuống còn 41 kg.

Thời gian này, bà chỉ ăn được quả hạnh đào do mẹ đẻ mang sang. GS Huyên vô cùng lo lắng, ngày đêm chăm sóc vợ.

{keywords}
Bà Vi Kim Ngọc khi mới sinh con được 10 ngày.

Những ngày bà Vi Kim Ngọc sinh nở trong nhà thương Đặng Vũ Lạc (đối diện với ngôi nhà số 95 Trần Hưng Đạo của gia đình GS Nguyễn Văn Huyên), GS Huyên đã tự nấu nướng cho vợ ăn. Để chuẩn bị đón vợ con về nhà, ông trang hoàng căn phòng rất đẹp và ấm cúng.

Trong hồi ký, giai nhân Vi Kim Ngọc viết: "Sau 10 ngày sinh, hai mẹ con được cha chuẩn bị chu đáo ở nhà.

Trên phòng ngủ đã có chiếc giường xinh xắn mắc màn tuyn màu hồng... Suốt thời gian mẹ con ở trong viện, cha đã mua một chiếc xe đẩy rất mốt ở Gôđa - cửa hiệu to nhất Hà Nội...

Cha yêu mẹ, yêu con vô cùng! Từ đó tiếng yêu đương của cha mẹ đã có những lời líu lo, bập bẹ dần dần lớn lên... ".

{keywords}
Bà Vi Kim Ngọc trong căn phòng  tiện nghi và ấm cúng do GS Huyên chuẩn bị.

GS Huyên đã lấy chữ cái đầu trong tên mình và vợ, đặt cho con gái đầu lòng là Nguyễn Kim Nữ Hạnh.

Năm 1937, vợ chồng bà Vi Kim Ngọc chuyển về sống cùng Tổng đốc Vi Văn Định ở căn biệt thự số 59 Trần Bình Trọng, cạnh hồ Hale, giúp cụ Định quản lý nhà cửa, tiếp khách và chăm sóc các cháu họ từ các nơi gửi về Hà Nội học tập.

{keywords}
Sau khi mẹ mất, bà Kim Ngọc cùng chồng chuyển về sống cùng Tổng đốc Vi Văn Định, giúp cụ quản lý nhà cửa.

Căn biệt thự này khá rộng rãi, có vườn cây ăn quả, chuồng nuôi nhốt thú như công, gà gô...

Là người Lạng Sơn, để đỡ nhớ quê bà Kim Ngọc đã trồng một cây mắc mật trong vườn.

Thi thoảng, bà bảo người đầu bếp chế biến món thịt quay mắc mật cho gia đình thưởng thức, cũng là cách nhắc nhở con cháu về gốc gác của dòng họ mình.

{keywords}

Bác sĩ Nguyễn Kim Nữ Hiếu, con gái thứ ba của cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên và bà Vi Kim Ngọc.

Chế độ ăn uống của các thành viên sống ở biệt thự Hale, bà Vi Kim Ngọc đều sắp đặt, phù hợp khẩu vị từng người.

Ngày con gái Bích Hà còn nhỏ, sức khỏe yếu ớt, bà Vi Kim Ngọc còn nuôi dê cái, lấy sữa cho con uống.

Bác sĩ Nguyễn Kim Nữ Hiếu, con gái bà Kim Ngọc, kể: "Sau khi sinh chị Nữ Hạnh, cha mẹ sinh chị Bích Hà, tôi và em Văn Huy. Tên của 4 chị em tôi đều do cha đặt với những gửi gắm hi vọng ở tương lai của các con.

Cha dù bận bịu nhưng ở nhà là dành thời gian chăm sóc con giúp vợ. Chị Nữ Hạnh từng kể, năm chị khoảng 3, 4 tuổi thường được cha ru ngủ trên chiếc võng ngoài hiên nhà.

Chủ nhật nào cha cũng đưa mấy mẹ con đi thăm thú chùa chiền và về nhà bà nội ở phố Thuốc Bắc chơi. Tình cảm của cha mẹ tôi cho đến mãi sau này vẫn luôn đong đầy như thuở mới yêu".

{keywords}
Bà Vi Kim Ngọc cùng hai con bên chiếc võng ở biệt thự cạnh hồ Hale.

Bác sĩ Nữ Hiếu cho biết thêm, dòng họ GS Huyên vốn xuất thân từ làng Lai Xá (Hà Nội) có nghề chụp ảnh, vì vậy ông cũng có đam mê này.

{keywords}
GS Nguyễn Văn Huyên chụp vợ và con gái đầu lòng tại bãi biển Đồ Sơn Hải Phòng khoảng năm 1939

Ông thích ghi lại khoảnh khắc đời thường của vợ con. Nhiều bức ảnh ta chỉ nhìn thấy bà Vi Kim Ngọc bên các con mà không thấy GS Huyên, bởi ông chính là người cầm máy.

{keywords}
GS Nguyễn Văn Huyên rất thích chụp ảnh vợ con.

Như nhiều phụ nữ đương thời khác, bà Kim Ngọc luôn làm tròn bổn phận của một người mẹ, người vợ.

Năm tháng tản cư vào Hà Đông cho đến những ngày lên chiến khu Việt Bắc, GS Huyên vắng nhà thường xuyên, 4 người con đều lớn lên trong sự chăm chút, yêu thương của bà.

{keywords}

Bà Vi Kim Ngọc và 4 người con chụp ảnh trước khi tiễn chồng lên đường dự hội nghị Fontainebleau.

Mỗi lần chồng đi công tác, bao giờ giai nhân Vì Kim Ngọc cũng lo đầy đủ cà phê, muối vừng… Sau này còn có thêm thịt ướp săm-pết, lạp xường do bà tăng gia để ông mang theo.

Trước khi lên đường, GS Huyên thường quyến luyến ôm hôn vợ con. Mẹ con bà Kim Ngọc thường tiễn ông ra đầu dốc cho đến khi chồng và anh cần vụ khuất bóng mới quay vào.

Trong nhật ký, bà Vi Kim Ngọc gửi gắm cả một trời thương nhớ dành cho chồng: “Mùng 8/7 Mậu Tý tức ngày 12/8/1948. Nắng thu đã hửng. Mát dịu núi rừng Việt Bắc. Không còn oi bức trời hè nữa.

Sao cảnh buồn đến thế. Ngày bình thản quá! Trời thăm thẳm, núi xanh xanh, rừng âm u! Lại xa anh Huyên. Anh đi họp 10 ngày mới về, mãi chưa thấy anh về. Mỗi lần anh lên đường lòng em xao xuyến nhớ nhung! Nhớ anh quá! Hôm nay nhớ anh da diết!...”.

Khi nhớ chồng bà đều mở chiếc vali lấy chùm hoa bất tử còn nguyên màu vàng pha đỏ tía ông mang từ Đà Lạt ra ngắm nghía.

{keywords}
Bà vun vén, chăm sóc các con chu đáo để chồng yên tâm công tác.

Năm 1946, khi đảm nhiệm vai trò Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, GS Huyên thường xuyên có các chuyến công tác nước ngoài. Ông khiến thành viên trong đoàn không khỏi ngạc nhiên vì hành động dành cho người vợ ở quê nhà.

Trước khi ra sân bay về nước, bao giờ vị Bộ trưởng cũng dành thời gian dạo qua các khu chợ, cửa hàng, tỉ mỉ tìm mua tặng bà Vi Kim Ngọc món quà nhỏ làm kỉ niệm. Trong số đó, bà đặc biệt yêu thích những tấm vải và thường dành để may áo dài.

Ông luôn biết lựa chọn những món quà tinh tế dành cho người phụ nữ của mình. Sinh thời, GS Huyên từng nói với các con, đó là một trong những cách ông hâm nóng tình cảm và giữ lửa hôn nhân.

Chuyện tiếp khách quốc tế trong nhà Bộ trưởng 

Khi hòa bình lập lại (1954), Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên được Chính phủ giao nhiệm vụ tiếp đón tại nhà riêng nhiều đoàn đại biểu Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam ra Bắc hay các đoàn khách quốc tế.

Thời điểm đó, tiêu chuẩn Bộ trưởng có một cấp dưỡng nhưng lần nào tiếp khách, bà Vi Kim Ngọc cũng đích thân vào bếp nấu nướng.

Bà còn theo học lớp tiếng Nga và tự học nâng cao tiếng Pháp phục vụ chuyên môn, đồng thời để ngoại giao với phái đoàn nước ngoài trên cương vị phu nhân Bộ trưởng.

Bà Kim Ngọc cũng rất chú ý dạy con lễ nghi ngoại giao, cách ứng xử với khách. Mỗi lần có khách đến nhà, bà gọi các con ra tiếp chuyện, lần lượt giới thiệu về tên, tuổi, học vấn...

{keywords}
GS Huyên trong một buổi đón khách nước ngoài.

Đến bữa, bà sắp đặt vị trí ngồi cho từng người một cách hợp lý, phù hợp tính cách của khách, để ai cũng cảm thấy thoải mái, không bị lạc lõng trên bàn tiệc. Điều này bà vẫn duy trì từ những năm tháng ở cùng Tổng đốc Vi Văn Định.

Các món ăn được bà nghiên cứu, chuẩn bị trước đó nhiều ngày, đảm bảo phù hợp với văn hóa  các nước và các vùng miền.

Ngoài ra, phu nhân Bộ trưởng còn giới thiệu đến các vị khách quý những món ăn đặc sản của Hà Nội như bún chả, bún ốc, nem, bánh tôm Tây Hồ... Bát, đĩa dùng tiếp khách thường là bộ riêng, khác hẳn đồ dùng trong bữa cơm hàng ngày.

{keywords}
Bộ bát đĩa bà Vi Kim Ngọc dùng tiếp khách ngoại giao.

Với tiêu chuẩn nhà nước, GS Nguyễn Văn Huyên được ở ngôi nhà rộng hơn, hoàn cảnh đương nhiên khác so với các gia đình bình thường nhưng bà Vi Kim Ngọc nhắc nhở các con không coi đó là thứ để hưởng thụ cá nhân.

Bà răn dạy các con rằng địa vị không quyết định các mối quan hệ xã hội, phải sống hòa mình với bạn bè, khiêm tốn, giản dị.

Phu nhân Bộ trưởng không chỉ nói mà còn ứng xử để các con noi theo. Khi hai người con lớn được sang nước ngoài học, lo sợ con sa ngã trước những cám dỗ, bà đã viết thư để dặn dò con.

Bác sĩ Nữ Hiếu kể: "Mỗi bức thư của mẹ không chỉ là dòng thăm hỏi mà chính là cách bà khéo léo giáo dục, uốn nắn các chị tôi bằng lời lẽ chan chứa yêu thương.

Những lá thư mẹ viết rất tình cảm, nhẹ nhàng nhưng thẳng thắn chỉ ra nhược điểm  mong các con cần sửa chữa. Với tôi và Văn Huy, dù ở gần nhưng nếu cần bộc bạch tâm tư bà cũng viết thư.

Ngày trước, chúng tôi chưa bao giờ cảm thấy cô đơn, mất phương hướng chính là nhờ những lá thư này".

{keywords}
Gia đình hạnh phúc của bà Vi Kim Ngọc.

Bà Vi Kim Ngọc đặc biệt chú ý đến việc phát triển tâm sinh lý của ba cô con gái. Năm 1961, bà viết thư cho con gái Nữ Hạnh: “Con người ta nhất định đến tuổi nào phải nảy nở tình yêu. Trong vấn đề này mẹ không ngăn cấm vì mẹ luôn mong ước hạnh phúc của từng con. Nếu các con lựa chọn được bạn tốt là tán thành thôi”.

Khi con gái Bích Hà bắt đầu vấn vương tình yêu, lo con còn ít tuổi chưa suy nghĩ thấu đáo, bà tế nhị viết thư cho con gái lớn và dặn:

“Vì mẹ ở xa quá, nếu chỉ lý thuyết suông không sát thực tế thì sẽ ra sao. Vậy con lựa lời căn dặn em, mẹ không ngăn cấm tìm hiểu nhưng người con gái phải giữ gìn không vì nể nang, không vì bồng bột mà quên mình…”.

Sài Gòn xưa quyến rũ trong những bức ảnh giai nhân một thời

Sài Gòn xưa quyến rũ trong những bức ảnh giai nhân một thời

"Ký ức một ảnh viện Sài Gòn - Câu chuyện Viễn Kính" không chỉ kể về hiệu ảnh Viễn Kính và người thợ ảnh tài hoa Đinh Tiến Mậu, mà còn là cuộc kiếm tìm ký ức đô thị Sài Gòn.

Lễ cưới hoành tráng và đêm tân hôn dang dở của giai nhân xưa

Lễ cưới hoành tráng và đêm tân hôn dang dở của giai nhân xưa

Ông Nguyễn Hồng Phấn - nghệ nhân của làng nghề rèn sắt Đa Sỹ (Hà Đông, Hà Nội) vẫn bùi ngùi khi nhớ lại đám "cưới chạy" của mình với giai nhân Hà thành một thời.

Nguyệt Hà