'Mệnh lệnh' lúc nửa đêm

Đây là lần thứ tư chị Hải - công tác tại Trạm Y tế xã Hữu Bằng, thuộc Trung tâm Y tế huyện Thạch Thất, Hà Nội, vào khu cách ly làm nhiệm vụ. Nhưng chuyến đi này dài nhất - dự kiến 21 ngày, trong khi các đợt cách ly trước, chị chỉ phải xa gia đình 14 ngày.

“Đi đột xuất quá, ngay lúc nửa đêm”, chị nhớ lại.

Hôm đó, 9 giờ tối, khi trông con trai lớn học bài, chị Hải mệt nên ngủ quên. Gần 12 giờ đêm, điện thoại chị đổ chuông. Nhìn thấy số của người “sếp” ở cơ quan, chị nói với chồng: “Thôi, kiểu này có biến rồi”.

{keywords}
Chị Hải đứng thứ hai (từ trái qua) cùng các nhân viên của Trung tâm Y tế huyện Thạch Thất.

Chị được thông báo phải vào Trung đoàn Pháo binh 58 ngay lập tức để làm nhiệm vụ. Thấy chị Hương bần thần, người chồng - đang ngồi cạnh, động viên chị: “Thôi, công việc thế, biết làm thế nào”.

Chị vơ vội ít quần áo cho vào túi xách. Hơn 12h đêm, khi các con (7 tuổi và 3 tuổi) đang say giấc, hai vợ chồng nữ nhân viên y tế nhè nhẹ khép cửa, đèo nhau đến trạm y tế xã.

“Khoảng 15 phút sau đó, tôi và một chị nữa được chở đến khu cách ly ở Quốc Oai (Hà Nội)”, chị nhớ lại.

Vào khu cách ly làm nhiệm vụ, chị Hải vẫn thường xuyên nhận được cuộc gọi từ nhà của 3 bố con.

“Cũng may các con khá ngoan. Chỉ là đợt này các cháu đều nghỉ học, tôi thấy áy náy khi không thể chăm sóc con, đỡ đần cho chồng. Ngày ông Công ông Táo vừa rồi, tôi gọi điện về thấy 3 bố con đang làm mâm cỗ cúng. Nhìn thằng bé ngồi ăn miếng giò một mình, tôi muốn rơi nước mắt”, chị kể.

Ngày mùng 1 Tết Nguyên đán tới đây cũng là ngày sinh nhật của con trai chị.

“Mẹ đi vội không kịp mua quà cho con, đành “khất” với cháu. Tôi cũng bảo chồng, hôm nào 3 bố con đèo nhau xuống đây. Các con đứng ngoài cổng, mẹ ở trong này nhìn ra một chút cho đỡ nhớ”, người phụ nữ 31 tuổi nói.

Chỉ biết ngày đi, không biết ngày về

Vào khu cách ly với chị Hải là chị Trịnh Hương, công tác tại Trung tâm Y tế huyện Thạch Thất. Công việc của các chị là lấy dịch tễ, hướng dẫn phun khử khuẩn, làm báo cáo công dân... “Ngày 31/1, khu cách ly này đón 144 trường hợp F1.

Sau đó có 4 trường hợp chuyển đi (3 người dương tính với Covid-19 phải chuyển vào BV Nhiệt đới trung ương, 1 người nước ngoài phải chuyển đến khu cách ly của người nước ngoài). 2 ngày sau, chúng tôi đón thêm 5 trường hợp nữa vào đây”, chị Hương cho biết.

{keywords}
Chị Trịnh Hương. 

Cũng theo chị Hương, dự kiến ngày 23/2, họ được về. Tuy nhiên nếu cứ có thêm F1 vào, họ lại phải cộng thêm ngày cách ly.

“Chúng tôi chỉ biết ngày vào chứ không biết ngày về. Hiện, ở đây không nhận thêm F1 nữa do đã hết phòng nhưng nếu có ca dương tính xuất hiện chúng tôi phải vào để điều tra dịch tễ, lấy mẫu gửi đi xét nghiệm.

Trường hợp dương tính Covid-19, chúng tôi gọi xe 115 để chuyển bệnh nhân đi bệnh viện. Những người cùng phòng với ca dương tính ấy phải chuyển sang phòng cách ly đặc biệt để theo dõi.

Họ phải được theo dõi lại từ đầu cho đến ngày thứ 21. Họ ở lại thì mình vẫn phải tiếp tục ở đây”, chị nói.

Cũng như tất cả mọi người ở khu cách ly, chị hy vọng 21 ngày đó, không có gì bất thường xuất hiện để được về với gia đình. “Đến ngày cuối cùng, nếu xuất hiện ca dương tính, chúng tôi vẫn phải thực hiện công tác cách ly lại từ đầu’, chị nói.

Anh Thịnh (SN 1989), công tác tại trung tâm Y tế huyện Thạch Thất, cũng vào khu cách ly này làm nhiệm vụ lúc nửa đêm.

“Hôm đó, thứ 7 (ngày 30/1), tôi làm việc cả ngày ở cơ quan. Sau đó, chúng tôi được điều đi lấy mẫu xét nghiệm. 12 giờ đêm, “có lệnh” tôi di chuyển vào đây luôn, không kịp mang theo bộ quần áo nào”, anh nói.

Trước khi vào khu cách ly này, anh Thịnh từng nhận nhiệm vụ tại khu cách ly ĐH FPT, khu cách ly ĐH Quốc gia Hà Nội. Công việc cho anh nhiều kỷ niệm đáng nhớ.

{keywords}
Đội ngũ điều dưỡng, bác sĩ, nhân viên y tế làm việc tại khu cách ly Trung đoàn Pháo binh 58.

“Khó khăn nhất là một số trường hợp không hợp tác khi chúng tôi lấy mẫu xét nghiệm. Đặc biệt là khi nhân viên y tế lấy dịch tị hầu - phải đưa que tăm bông vào sâu 10cm gây buồn nôn, khó chịu. Người được lấy mẫu sẽ có phản ứng đẩy tay, gạt ra. Mẫu không đạt phải lấy lần 2 nhưng họ không hợp tác nữa.

Chúng tôi cố gắng hướng dẫn nhưng có người nói thẳng: “Tôi không thích”. Lúc đó, chúng tôi - mặc đồ bảo hộ kín người, vừa nóng vừa mệt, vẫn phải giải thích với họ”.

Anh Thịnh cũng ấn tượng với trường hợp một công dân từ Mỹ về cách ly tại ĐH FPT.

Người này 67 tuổi, từ Việt Nam sang Mỹ thăm con. Ở bên Mỹ, bà đi cầu thang bị ngã gãy xương đùi. Bà phải điều trị theo diện người già tại Mỹ với chi phí rất đất đỏ. Vì hoàn cảnh, người con phải bố trí cho mẹ về Việt Nam. Người mẹ về với tình trạng hết sạch tiền, trong khi đó, thuốc điều trị lên đến tiền triệu mỗi ngày.

“Cô ấy không còn tiền mua thuốc điều trị. Trong lúc đó, bệnh nhân đau đớn không chịu được, cơm cũng không thể ăn. 5 nhân viên của Trung tâm Y tế huyện Thạch Thất có mặt tại khu cách ly thời điểm đó đã bàn nhau, ủng hộ tiền thuốc để cô ấy chữa trị trong 10 ngày cách ly còn lại”.

Anh Thịnh nói, vì vậy, sau khi hoàn thành xong nhiệm vụ, chia tay khu cách ly, họ vẫn nhận được những tin nhắn, cuộc gọi để bày tỏ cảm ơn đầy cảm xúc của những người dân.

Xem thêm video: Sân bay Nội Bài vắng vẻ do dịch Covid-19 ngày cận Tết

Ngọc Trang - Nguyễn Thảo

Vị khách cuối năm ghé quán khiến vợ chồng chủ hàng cơm phải đi cách ly

Vị khách cuối năm ghé quán khiến vợ chồng chủ hàng cơm phải đi cách ly

Vợ chồng ông M. đang chuẩn bị đi dự đám cưới thì nhận được thông tin cả hai trở thành F1. F0 của họ là khách vào ăn tại quán cơm nhà ông, vài ngày trước.