Hơn 1 giờ chiều ngày giữa tháng 2, trời Sài Gòn nắng chang chang, ông Nguyễn Văn Tư (tên gọi khác là Tư Ẩn), 80 tuổi cùng vợ là bà Lê Thị Bé, 65 tuổi ra căn chòi trước nhà xếp quần áo, một phần đóng bịch để gửi về quê Trà Vinh phát cho người nghèo, phần còn lại đưa lên xe cho ông chở đi bán, giá 0 đồng. Hơn một giờ sau, hàng trăm bộ quần áo đủ màu sắc, kiểu dáng, lứa tuổi được treo và xếp ngay ngắn trên xe.

Đúng 3 giờ chiều, ông Tư đeo kính râm, đầu đội mũ lưỡi trai, chiếc máy hỗ trợ nói treo trước ngực, điều khiển xe từ nhà ở đường Nguyễn Văn Tạo, xã Long Thới đến khu công nghiệp Long Hậu (Nhà Bè) bán. Đã ghi sẵn 'quần áo giá 0 đồng, ai cần đến lấy, ai dư đến cho' trong chiếc máy phát tự động, ông đi đến đâu ai cũng biết.

{keywords}
Mỗi khi nói, ông Tư phải để chiếc máy hỗ trợ giọng trên cổ.

Xe ông chạy từ từ trên đường. Mấy người bán vé số, công nhân xây dựng đi làm về nghe tiếng loa rao nên gọi lại. Vừa dừng xe, ông Tư dặn khách: ‘Con lựa cái nào còn nguyên, không rách, không lem màu, vì ông lớn tuổi nhìn không rõ’. Khách xúm vào lựa từng chiếc áo, chiếc quần ưng ý. Ông Tư đứng bên cạnh, tay cầm sẵn bịch, ai lựa xong ông đưa cho họ bỏ quần áo vào.

‘Tôi để bảng bán quần áo giá 0 đồng chứ không phải miễn phí là vì muốn tôn trọng người nhận và để họ tự nhiên đứng chọn cái quần, cái áo ưng ý. Tôi chỉ cần họ trả bằng một nụ cười, cái gật đầu cảm ơn là được rồi’, thông qua chiếc máy phụ trợ giọng, ông Tư giải thích.

Ông Tư quê gốc Trà Vinh, cùng ba mẹ lên Sài Gòn định cư từ năm 3 tuổi. Ngày còn trẻ, ông là tài xế chạy xe container đường dài. Ông lấy bà Bé rồi sinh lần lượt sáu người con.

{keywords}
Chiếc máy hỗ trợ giọng nói này do một người em gửi tặng cho ông.

Khoảng 15 năm trước, ông bị tai nạn gãy chân và phải cắt đi thanh quản. Mất đi giọng nói, ông giao tiếp với mọi người thông qua một chiếc máy phụ trợ giọng đặt ngay cổ họng được một người em ở Mỹ tặng. ‘Tôi nghỉ hưu từ đó’, cụ ông sinh năm 1940 nói. Sau đó, ông thường đến chùa làm công quả, thời gian còn lại thì phụ vợ nấu cơm, dọn nhà, chăm sóc vườn cây cảnh.

‘Bà ấy trẻ hơn tôi 15 tuổi nên vẫn còn đi làm được. Tôi ở nhà, cả ngày cứ quanh đi quẩn lại mấy công việc lặt vặt buồn và chán lắm’, ông Tư nói.

Bốn năm trước, ông Tư 76 tuổi. Một lần đi chùa, ông nhìn thấy những đứa trẻ mặc quần áo rách tươm, nhàu nhĩ, mặt mũi lấm lem. Nhìn các bé, ông nhớ đến cuộc sống khó khăn của mình ngày trước.

‘Tôi cũng từng phải mặc quần áo rách’, ông Tư nói. Sau đó, ông quyết định dùng tiền tiết kiệm mua quần áo cũ đi bán cho người nghèo với giá 0 đồng. Hằng ngày, ông chạy xe hơn 50 km, chở quần áo đi đến các chợ, khu công nghiệp, bệnh viện… bán cho người nghèo.

‘Bây giờ, nhiều người biết nên tôi không phải mua nữa. Cứ vài hôm thì có người mang quần áo cũ đến nhờ tôi đi cho giúp’, cụ ông quê gốc miền Tây thông tin.

Ông Tư cho biết, hơn ba năm qua, ngày nào cũng đi làm công việc không lương nhưng ông thấy hạnh phúc vì có thể giúp một phần kinh tế cho các gia đình nghèo. Bên cạnh niềm vui khi được người ta cảm ơn, thi thoảng cũng có vị khách khiến ông chạnh lòng. Đó là những người đến nhận đồ nhưng thể hiện như mình bất cần, hay những người có điều kiện đến lựa áo quần thì chê bai...

{keywords}
80 tuổi, mỗi ngày ông chạy xe hơn 50 km, đi khắp Sài Gòn bán quần áo, giá 0 đồng cho khách.

Một lần, một cô gái trẻ, ăn mặc đẹp đến lựa đồ. Khách đông, ông Tư phải lấy bịch cho từng người rồi trả lời các câu hỏi cho họ. ‘Cô ấy hỏi về cái quần cô ấy thích có còn chiếc nào không, tôi không thể trả lời kịp. Cô ấy gằn giọng: ‘Ông có bị câm không’. Nghe vậy, cụ ông chỉ biết mỉm cười nhưng lòng nặng trĩu.

Lần khác, ông chở quần áo đến chợ có con gái đang bán hàng rồi dừng xe ở đó. Ông vừa đi, các tiểu thương bán quần áo trong chợ đến mắng vốn con gái ông. ‘Con bé về nói với tôi: ‘Ba vào chợ phát đồ là con bị người ta làm khó’. Từ đó, tôi không dám đến chợ đó nữa’.

Tuy nhiên, ông không vì vậy mà nản chí. Cụ ông năm nay 80 tuổi, người gầy ốm cho biết, tâm nguyện của ông là được làm từ thiện đến khi hết sức lực mới thôi.

{keywords}
Số quần áo được người ta mang đến gửi, ông Tư cùng vợ phân ra rồi treo lên cẩn thận.
{keywords}
Một số quần áo, vợ chồng ông đóng thùng gửi về quê Trà Vinh phát cho người nghèo.
{keywords}
Ông Tư cho biết, hơn 3 năm qua không khi nào ông mang quần áo đi mà bị ế.
{keywords}
Chiếc xe ba gác chạy bằng điện này ông được một người giấu tên tặng.
{keywords}
Vì chạy bằng điện nên nhiều hôm đang chạy giữa đường, xe hết điện, ông phải đẩy bộ về nhà.
{keywords}
Khách của ông hầu hết là người lao động nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, các trẻ em đường phố.
Cứu cô gái bị nạn giữa đêm, người đàn ông Sài Gòn gặp cảnh không ngờ

Cứu cô gái bị nạn giữa đêm, người đàn ông Sài Gòn gặp cảnh không ngờ

Khi ông vừa tiếp cận cô gái, bất ngờ từ trong bụi rậm hơn 10 thanh niên tay cầm mã tấu nhào ra.  

Tú Anh