Làm việc thiện từ những kỷ niệm thời chiến

Ngày 6/5, xuất hiện tại văn phòng của Hoàng Hoa Trung (SN 1990, chàng trai Hà Nội xây trường, nuôi ăn cho hàng nghìn trẻ em miền núi) là một người đàn ông cao tuổi.

Đi xe máy với quãng đường hơn 100 cây số, ông đã trao tận tay 20 triệu đồng đến nhóm từ thiện để ủng hộ việc xây trường cho trẻ em vùng cao.

Ông hứa, với các điểm trường mà nhóm từ thiện tổ chức xây trong năm 2020 (khoảng 30 điểm trường), ông sẽ ủng hộ mỗi điểm trường là 2 triệu đồng và trao số tiền ban đầu là 20 triệu đồng.

Người đàn ông này là Bùi Chỉnh (SN 1948, ở Thủy Nguyên, Hải Phòng).

Ông nói, hành động của ông xuất phát từ những kỷ niệm của thời trẻ, khi đất nước đang có chiến tranh.

{keywords}
Ông Bùi Chỉnh (thứ 2 từ trái sang) và nhóm bạn trẻ thực hiện dự án xây trường cho trẻ em vùng cao.

‘Mỗi lần qua vùng núi, thấy người dân vùng cao hiền lành, chân chất nhưng có cuộc sống khó khăn, thiếu thốn tôi thương lắm. Hình ảnh các cháu nhỏ thiếu ăn, đi học ở những ngôi trường dựng tạm luôn ám ảnh tôi’.

Ông Chỉnh chia sẻ, câu chuyện khiến ông nhớ nhất là lần đơn vị ông (thuộc Cục quản lý xe, Tổng cục Kỹ thuật) có mặt ở cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn để tiếp nhận hàng viện trợ của nước ngoài (Trung Quốc, Liên Xô) vào Việt Nam. 

Những người lính đã được ông Sơn, chủ một gia đình ở đây, cho mượn đất để dựng lều bạt. Suốt 2 tháng, họ được mượn địa điểm, được gia đình che chở, giúp đỡ.

‘Sau khi đơn vị hoàn thành công việc. Tôi và một người lái xe nữa được cử ở lại để bàn giao. Theo khẩu phần, chúng tôi được phân 1 bao gạo. Tối đó, chúng tôi xuống bếp và có thời gian ngồi nói chuyện với các con ông Sơn.

Những đứa trẻ tâm sự, nhà nghèo, mấy tháng nay các cháu phải ăn ngô, sắn, chưa được ăn hạt gạo nào vào bụng, khiến tôi rất thương. Tôi nói với người lái xe, cố gắng bàn giao sớm trong vòng 3 ngày. Bao gạo được phát chúng tôi sẽ dành lại, để tặng gia đình’.

Nhận được bao gạo, gia đình ông Sơn rất cảm động. Năm 1997, sau khi nghỉ hưu, ông Chỉnh đã quay lại Lạng Sơn, hỏi thăm để tìm về nhà ông Sơn. Tuy nhiên người dân cho biết, vợ chồng ông Sơn đã mất và các con hiện cũng sinh sống mỗi người một nơi.

‘Từng được người dân miền núi giúp đỡ khi còn là bộ đội lại chứng kiến cuộc sống còn khó khăn của họ, tôi luôn đau đáu một mong muốn được làm gì đó hỗ trợ các em vùng cao nhưng chưa có cơ hội’, ông chia sẻ.

Vì vậy tháng 4/2020, qua truyền hình, thấy nhóm bạn trẻ Hà Nội quyên góp xây trường cho trẻ vùng cao, ông rất cảm phục và quyết định hỗ trợ họ. Nhưng lúc đó, cả nước đang phải thực hiện lệnh giãn cách xã hội nên ý định trên phải gác lại.

Ngày 6/5, ông Chỉnh cùng một người bạn nữa đi xe máy từ Hải Phòng lên Hà Nội cùng với số tiền 20 triệu để góp xây trường.

‘Khoảng 2,5 tiếng đồng hồ đi xe máy, 2 ông bạn già cũng đến được nơi. Các con cũng lo ngại việc bố đi xe máy đường xa nhưng tôi nói: ‘Con cứ yên tâm, bố sẽ đi được’. Số tiền không quá lớn nhưng tôi mong muốn góp được chút sức cho các em được đến trường’, ông nói.

Mong ước khôi phục di tích của quê hương

Ông Chỉnh có nhiều năm công tác tại một cơ quan nhà nước tại TP Hải Phòng. Năm 1993, ông nghỉ hưu.

Số tiền được nhận từ khoản lương hưu và các con, cháu biếu để dưỡng già, ông thường gom góp lại để làm việc thiện. Ông cũng từng ủng hộ hàng trăm triệu đồng để xây đình, chùa tại quê nhà.

Những việc làm vì cộng đồng của ông luôn được người bạn đời là bà Triệu Thị Thảo (SN 1958) và các con ủng hộ.

{keywords}
Số tiền ban đầu người đàn ông Hải Phòng ủng hộ xây trường cho trẻ em miền núi.

‘Giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cả nước có phong trào chung tay quyên góp chống dịch, vợ tôi rủ chồng cùng tham gia. Nhưng lúc đó tôi có ý định ủng hộ xây trường cho trẻ vùng cao nên bảo vợ: ‘Tôi có nguyện vọng tham gia giúp các em nhỏ vùng cao rồi, bà cứ thực hiện ý định của bà đi’.

Sau đó, bà xã nhà tôi quyết định tặng 500 kg gạo cho những người khó khăn tại phường An Dương, TP Hải Phòng’, ông Chỉnh cho biết thêm.

Hiện tại, khi các con đã lập gia đình ổn định, ông Chỉnh có thời gian nhiều hơn để thực hiện các hoạt động vì cộng đồng.

‘Quê tôi có khá nhiều di tích lịch sử. Trong số đó, có những di tích đã xuống cấp do thời gian và sự tàn phá của chiến tranh. Mong muốn lớn nhất của tôi là góp phần khôi phục, tu sửa lại các di tích này’, ông chia sẻ thêm.

Cụ ông 96 tuổi ủng hộ 2 tấn gạo chống dịch Covid-19

Cụ ông 96 tuổi ủng hộ 2 tấn gạo chống dịch Covid-19

 2 tấn gạo trị giá 30 triệu đồng đã được cụ Vũ Văn Vỵ (ở xã Quỳnh Giao, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) ủng hộ Quỹ phòng chống dịch Covid-19.

Ngọc Trang