Lòng tốt bị lợi dụng

Cách đây 41 năm, vào một ngày tháng 10 năm 1980, tại huyện Phòng Thành, Quảng Tây (Trung Quốc), có một người đàn ông chừng 20 tuổi đi xin ăn ở gần nhà Giả Trường Hân.

Người này tự xưng là Trần Chung Văn, đến từ Tứ Xuyên, đang đi tìm em gái, dọc đường đi đã tiêu xài hết tiền nên phải xin ăn.

Vợ của Giả Trường Hân là Đào Tú Anh cũng quê ở Tứ Xuyên. Hai vợ chồng đều là những người thật thà, tốt bụng nên đã quyết định cưu mang Trần Chung Văn.

Từ hôm đó, suốt nửa tháng trời, ban ngày Chung Văn ra ngoài tìm em, buổi tối lại về sống ở nhà Trường Hân.

Một ngày nọ, Chung Văn nói vợ chồng Trường Hân rằng, anh phải trở về quê nhà ở Tứ Xuyên. Trước khi đi, Chung Văn cúi đầu bày tỏ lòng biết ơn đối với hai vợ chồng.

Nhưng vài ngày sau, anh ta đã quay lại và mang đứa con trai 1 tuổi rưỡi của hai vợ chồng đi mất.

Đào Tú Anh vì bị mất con mà như phát điên. Bà vội vã mua vé tàu về Tứ Xuyên và tìm kiếm ở đây suốt 3 tháng ròng rã nhưng không có kết quả.

“Nếu không phải vì còn có hai đứa con nhỏ, tôi không muốn sống nữa”, bà Đào nói.

Năm 1987, nỗi nhớ con vẫn day dứt không nguôi nên ông Trường Hân lại đạp xe đến Tứ Xuyên. Nhưng cũng như những lần tìm kiếm khác, ông lại gặp thất bại. Đến mức, khi trở về nhà, ông phải xin ăn dọc đường.

{keywords}
Hai vợ chồng rong ruổi khắp nơi tìm con trai bị bắt cóc.

Ngày tháng sau đó của hai vợ chồng trôi qua trong đau buồn, ngoài việc nuôi hai con ở nhà, họ thay nhau đi tìm con trai bị bắt cóc. Chỉ cần nghe được một chút tin tức, họ lại lên đường, nhưng suốt 41 năm qua, lần nào họ cũng ra đi với niềm hi vọng rồi lại trở về trong thất vọng.

Cuộc đoàn tụ đẫm nước mắt

Vì nhớ và thương con, ông Hân đã khóc đến mù một mắt bên phải, mắt bên trái cũng không còn tinh tường. Bà Đào bị gãy chân trong lúc đi tìm con. Tuy nhiên chưa một ngày nào họ có ý bỏ cuộc.

Đầu năm nay, khi Bộ Công an mở chiến dịch Đoàn tụ, sử dụng công nghệ hiện có để giải quyết các vụ án trẻ em mất tích, nhằm giúp đỡ những người thân ly tán được đoàn tụ, vợ chồng ông Hân vô cùng hạnh phúc vì có thêm hy vọng.

Đến tháng 5, Sở Cảnh sát ở Hà Nam nhận được tin từ người dân nói rằng, có một chàng trai tên Lỗi Lỗi (bút danh) đang tìm kiếm thông tin về cha mẹ và các thành viên trong gia đình nhưng chưa có kết quả.

Công an quận Wolong (Hà Nam) đã lập tổ công tác đến thu thập thông tin, nhập vào hệ thống thông tin chống buôn người của Bộ Công an.

Tháng 8 vừa qua, ADN của vợ chồng ông Hân cũng được thu thập lại. Sau khi đối chiếu cơ sở dữ liệu, người ta thấy rằng ADN của vợ chồng ông Hân hoàn toàn phù hợp với mẫu ADN do văn phòng công an quận Wolong đệ trình trước đó.

Cảnh sát hai nơi đã nhanh chóng liên kết với nhau và sắp xếp một cuộc đoàn tụ.

{keywords}
Nước mắt ngày đoàn tụ sau 41 năm chờ đợi.

Ngày 30/09, tại Văn phòng Công an quận Wolong, thành phố Nam Dương, Hà Nam, sau hơn 14.900 ngày đêm dằn vặt, cuối cùng vợ chồng ông Hân cũng được gặp lại đứa con trai của mình.

Bà Đào năm nay 69 tuổi cùng chồng ôm chặt lấy người con trai 42 tuổi khóc như một đứa trẻ.

"Cha mẹ ơi, tất cả đã ổn rồi, cha mẹ đừng lo lắng, mai này con sẽ phụng dưỡng cha mẹ”, Lỗi Lỗi cũng nức nở.

Anh trai của Lỗi Lỗi đứng cạnh không giấu được xúc động. Anh nói rằng, suốt hàng chục năm ròng rã, những đêm giao thừa là khoảng thời gian bố mẹ anh đau khổ nhất. “May mắn thay, cuối cùng chúng tôi cũng được gặp lại em".

Những cái ôm, những giọt nước mắt, những tiếng khóc, tiếng cười từ cuộc đoàn tụ được chờ đợi suốt 41 năm đã khiến những cảnh sát có mặt rơi nước mắt. Cảnh sát cho biết, họ sẽ tiếp tục đào sâu dựa trên những manh mối do các bên liên quan cung cấp để bắt được tên tội phạm buôn người.

Linh Giang (Theo Sina)

Người mẹ 32 năm nhặt rác ở ga tàu chờ con trai mất tích

Người mẹ 32 năm nhặt rác ở ga tàu chờ con trai mất tích

32 năm qua, ngày nào bà Dư cũng đợi con ở nhà ga phía Bắc. Bà hi vọng, ngày nào đó, con trai có thể nhớ lại nơi này từ trong ký ức để trở về tìm bà giữa dòng người hối hả ngược xuôi.