Nỗ lực của cô gái khiếm thị

Biến cố trong cuộc sống của chị Lê Kim Dung (SN 1984, ở Sơn Tây, Hà Nội) bắt đầu vào năm 2002, lúc chị 18 tuổi.

Ngày đó, khi đang là nữ sinh của một trường THPT, chị Dung cảm thấy mắt dần kém đi. Gia đình đưa chị đi chạy chữa nhiều nơi nhưng không có kết quả. Tại BV Mắt Trung Ương, chị nhận được kết luận, mắt bị khiếm thị lâu năm, nhãn cầu bị teo.

Đôi mắt chị không còn có thể nhìn thấy gì, chỉ phân biệt được ánh sáng của ngày và đêm.

Chị ra trung tâm Hà Nội để theo học chữ Braille, hệ thống chữ nổi dành cho người mù và người khiếm thị. Không muốn gia đình phải lo lắng, chị Dung bắt đầu tìm công việc để tự trang trải chi phí cho việc học của bản thân.

{keywords}
Chị Lê Kim Dung

“Tôi luôn nghĩ mình phải làm gì đó, ít nhất là tự nuôi sống được bản thân. Khi được thông báo có lớp dạy nghề xoa bóp, bấm huyệt cho người khiếm thị, tôi đã đăng ký. Đây là lớp nghề sơ cấp do các giảng viên của trường Y học cổ truyền Tuệ Tĩnh trực tiếp hướng dẫn”, chị nói.

Công việc này không hề dễ dàng. Đôi bàn tay phải hoạt động liên tục và dùng nhiều lực khiến chị mỏi mệt, nhiều thời điểm muốn bỏ dở việc học.

“Nhưng người khiếm thị chỉ có công việc này là phù hợp bởi nó phải dùng bàn tay và không cần đến đôi mắt. Nếu bỏ cuộc, tôi sẽ chẳng làm được gì”, vì vậy chị Dung vẫn kiên trì với quyết định của mình.

{keywords}
 

Cuối năm 2002 là thời điểm chị cầm được số tiền đầu tiên trên tay. Khoảnh khắc này có ý nghĩa rất lớn trong cuộc đời người phụ nữ sinh năm 1984.

“Trước đây, có những lúc tuyệt vọng, tôi không biết mình phải làm gì để ra tiền và nghĩ cả đời sẽ phải sống phụ thuộc vào người khác. Tìm được hướng đi, công việc phù hợp đã làm tôi tự tin hơn”, chị nói.

Tình yêu vượt qua rào cản

Chị Dung gặp anh Phạm Văn Tuyến (SN 1980) khi anh đóng quân gần nhà chị ở Sơn Tây. Anh Tuyến chơi thân với người anh họ của chị Dung. “Vô tư, dễ thương” là nhận định của anh Tuyến dành cho chị Dung sau lần gặp đầu tiên. Nhưng tất cả chỉ có vậy khi họ nghĩ rằng, mối quan hệ ấy chỉ dừng lại ở bạn bè.

Nhưng rồi, anh Tuyến nói, những lần tiếp xúc, nói chuyện, hình ảnh chị Dung xuất hiện trong tâm trí anh nhiều hơn. Về phía chị Dung, mang nhiều mặc cảm là người tật nguyền, chị không dám mơ ước quá nhiều về tương lai.

{keywords}
 
{keywords}
Chị Kim Dung và chồng, anh Phạm Văn Tuyến.

“Nếu may mắn, tôi nghĩ, mình sẽ gặp được một người khuyết tật. Nhưng anh ấy có thể khuyết tật về tay, chân còn đôi mắt vẫn lành lặn để chúng tôi còn nương tựa, giúp đỡ nhau.

Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng, có ngày, mình được một người đàn ông bình thường, lành lặn để ý. Đặc biệt hơn là anh ấy còn tỏ tình”, chị Dung chia sẻ.

Vì vậy khi anh Tuyến bày tỏ tình cảm, phản ứng đầu tiên của chị là “chạy trốn” - chị không tin đó là sự thật. Bằng sự chân thành của mình, anh khiến chị tin tưởng hơn vào tình cảm của họ.

Tình yêu của họ cũng gặp phải sự phản đối quyết liệt của gia đình bên anh khi một người đàn ông khỏe mạnh đem lòng yêu thương và kiên quyết chăm sóc cho một cô gái khiếm thị.

“Có thời điểm quá mệt mỏi, chúng tôi đã dừng lại 1 năm. Dung mặc cảm về bản thân. Tôi thì thấy hoàn cảnh mình cũng vất vả. Sợ mình không đủ dũng cảm để mang lại hạnh phúc cho cô ấy. Nhưng rồi 1 năm sau đó, chúng tôi cảm thấy vẫn không thể thiếu nhau…”.

Gia đình không đồng ý, anh Tuyến vẫn kiên quyết bảo vệ tình yêu của mình. “Có những lúc vô cùng căng thẳng, gia đình buộc tôi phải lựa chọn. Nhưng cuối cùng, mưa dầm thấm lâu, tôi kiên trì giải thích và thuyết phục bố mẹ. Năm 2008, vợ chồng tôi kết hôn”.

Cũng cuối năm đó, họ hạnh phúc đón con trai đầu lòng. Anh đảm đương các công việc nhà, chăm sóc con. Anh dường như là đôi tay, đôi chân và cả là đôi mắt của vợ.

Anh Tuyến học nghề lái xe và chuyển vào trung tâm Hà Nội để làm nghề này. Năm 2011, chị Dung sinh thêm một người con gái. Lúc này, muốn cả gia đình được gần nhau, anh Tuyến động viên vợ mở trung tâm chăm sóc sức khỏe.

Năm 2012, chị Dung mua lại một cửa hàng do người khác sang nhượng tại phố Trương Định, Hà Nội. Hai anh chị thành lập Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ Kim Dung để thực hiện vật lý trị liệu hay còn gọi là tẩm quất cổ truyền cho những người bị đau đầu, đau lưng, đau vai cổ gáy, thoát vị đĩa đệm, các bệnh về cơ, xương, khớp…

{keywords}
Gia đình nhỏ của chị Kim Dung.

Trung tâm của chị nhận nhân viên là những người khiếm thị. Họ được lo chỗ ăn, ở và được tạo công ăn việc làm.

Hiện tại, mỗi ngày, trung tâm của chị tiếp đón khoảng 35 - 40 khách vào mùa hè, 20 - 30 khách vào mùa đông đến bấm huyệt, giác hơi, chườm đá... Với mỗi giờ làm việc, các nhân viên trung tâm của chị được trả 50 nghìn đồng.

Có việc làm và thu nhập ổn định, những người khiếm thị ở trung tâm cảm thấy tự tin hơn trong cuộc sống. Có người còn hi vọng, sau thời gian học nghề và làm việc, họ cũng sẽ sở hữu một trung tâm riêng.

“Tôi muốn tạo công ăn việc làm cho bản thân và những người có hoàn cảnh như tôi. Tôi cũng muốn họ thấy rằng, dù ở đâu hoàn cảnh nào, chỉ cần nỗ lực, chúng ta đều có thể có một cuộc đời có ích, ý nghĩa”, chị Dung nói.

Người đàn ông 61 tuổi lên truyền hình tìm bạn hẹn hò sau 1 tháng ly hôn

Người đàn ông 61 tuổi lên truyền hình tìm bạn hẹn hò sau 1 tháng ly hôn

Trong chương trình Hẹn ăn trưa, ông Nguyễn Ngọc Ẩn (61 tuổi, Long An) muốn tìm bạn đời mới sau 1 tháng ly hôn.

Ngọc Trang

Ảnh: NVCC