Chúng tôi đến thăm anh vào một buổi sáng đẹp trời. Để vào được nhà anh, phải băng qua con đường bê tông dài ngoằng và chật hẹp. Anh đón chúng tôi ngay trước cửa nhà.

Anh ngồi trên xe lăn sau chiếc bàn đá. Gương mặt hiền lành, phúc hậu. Giọng nói anh nhỏ nhẹ vui tươi, chỉ có hai chân là không bình thường. Anh là Huỳnh Chí Trung, 35 tuổi, ngụ tại khu phố Mỹ Thuận, xã Nhị Mỹ, thị xã Cai Lậy (Tiền Giang).

Trung sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác. Đến 3 tuổi, Trung bị tai nạn gãy xương đùi. Hai chân yếu hẳn. Tới tuổi đến trường, Trung đi học khó khăn. Người nhà, bạn bè phải dìu Trung đến lớp. Sau đó, chân Trung tiếp tục bị gãy thêm nhiều lần nữa.

Sau 4 lần giải phẫu, xương của Trung được xác định là xương thủy tinh, rất giòn và dễ gãy cho dù không có va chạm. Trung bình, cứ 2 năm, Trung bị gãy một lần nhưng anh vẫn còn đi được bằng gậy.

Sau khi vượt qua được những khó khăn để hoàn thành bậc học phổ thông, Trung phải nghỉ học vì kinh tế gia đình eo hẹp và sức khỏe của Trung không ổn định.

Câu chuyện đến đây phải ngưng. Một đứa bé từ trong nhà chạy sà vào lòng anh. Trung cười, vuốt tóc bé và nói: 'Con vào nhà chơi để ba nói chuyện với ông. Đứa bé ngoan ngoãn đi vào'. Chúng tôi thắc mắc, 'Con của Trung hả? Mẹ cháu đâu không thấy?'. 

{keywords}
Trung và con trai.

Trung kể, anh học nghề. Lúc đầu học vi tính đồ họa nhưng được một thời gian thấy không phù hợp, Trung chuyển sang học nghề thợ bạc. Cuộc sống cứ thế trôi qua và sẽ không có gì đáng nói nếu như không có cái đêm hôm ấy.

Khi đó, Trung đang vào Facebook thì bất ngờ nhận được một tin nhắn của một cô gái. Người bên kia có vài việc nhờ Trung. Cứ thế, những dòng tin nhắn qua lại kéo dài cả năm trời. Tình cảm dần phát sinh. Trung cũng nói rõ tình trạng bệnh tật của mình nhưng người ấy chấp nhận.

Rồi người phụ nữ ấy về thăm Trung mỗi tháng một lần. Lần sau thắm thiết hơn lần trước. Tình yêu của 2 người phát triển hơn. Đến lần thứ 4, người phụ nữ chủ động đề nghị với Trung tổ chức đám cưới. Trung ngập ngừng e ngại vì còn chút mặc cảm nhưng người ấy động viên Trung mạnh dạn vượt qua.

Một tiệc nhỏ để gia đình 2 bên kết tình sui gia. Rồi theo ngày tháng, một bé trai kháu khỉnh lành lặn ra đời. Kết quả đáng yêu của một mối tình trong sáng. Niềm vui vỡ òa cho cả nhà.

Chưa kịp thôi nôi cho cháu, mẹ Trung bị tai biến, phải nhập viện. Điều trị một thời gian, bà xuất viện trong tình trạng đi đứng khập khiễng và giọng nói khó nghe. Sau đó, bà lại phải nhập viện để tiếp tục phẫu thuật. Kinh tế gia đình cạn kiệt nhưng cũng qua được nhờ sự giúp đỡ của bà con anh em.

Sau tai biến, mẹ Trung không còn khả năng lo việc nhà, vợ chồng Trung phải cáng đáng hết mọi việc. Vợ lo nội trợ, Trung chăm con. Cuộc sống vô cùng vất vả nên cuối cùng, vợ Trung đã bỏ về nhà mẹ đẻ. 'Có lẽ ở nhà chồng nhiều áp lực nên cô ấy mệt mỏi ...', Trung đoán thế.

Nhưng rồi sau đó Trung biết, vợ đã theo một người bà con lên tận Lộc Ninh (Bình Phước) để mở quán ăn...

Cuối năm 2016, vợ Trung gọi điện thoại nói tình cảm không còn như xưa nên muốn ly hôn. Trung bàng hoàng nhưng cũng kịp nhận định, đã đến lúc hết tình với nhau cũng không nên níu kéo làm gì. Trung đồng ý và ngỏ lời muốn đem con về chăm sóc.

Trung nói với vợ: 'Anh không muốn chuyện này xảy ra nhưng đã xảy ra thì phải chấp nhận thôi. Anh không trách gì em cả. Anh chỉ muốn em có cuộc sống tốt. Nếu em thấy nơi nào mang đến hạnh phúc cho em thì em cứ mạnh dạn. Anh chúc phúc cho em...'.

Nghe câu chuyện Trung kể, chúng tôi cũng thấy buồn. Chỉ mong Trung sẽ lạc quan, vui vẻ để cùng con đi tiếp những ngày tương lai.

Tình yêu cô thợ may 19 năm ngồi xe lăn: 'Anh ấy vệ sinh cá nhân cho em'

Tình yêu cô thợ may 19 năm ngồi xe lăn: 'Anh ấy vệ sinh cá nhân cho em'

‘Ngày xưa em buồn lắm. Còn bây giờ, ngồi xe lăn không còn là thứ gì đó quá tồi tệ với em. Em biến nó thành động lực để làm những việc mà mình muốn’, Thắm nói.

Trần Chánh Nghĩa