Công việc chưa ổn định thì dịch ập tới. Giãn cách xã hội kéo dài, cuộc sống vô cùng khó khăn. Không thể đi làm, cũng không thể về quê, bố con bạn đành sống nương nhờ vào sự đùm bọc giúp đỡ của chính quyền và đồng bào trong cơn hoạn nạn.

Có lẽ chỉ những ai ở Sài Gòn giai đoạn này mới rõ cuộc sống khó khăn đến thế nào. Kể cả những người không sống ở đó, qua nhiều kênh thông tin cũng mường tượng được. Nhưng thật tốt vì những người ở nơi tâm dịch vẫn lạc quan, vẫn luôn nói rằng "Yên tâm, mình ổn". Thời điểm này, thật tình chỉ cần nghe những lời như vậy thôi.

Anh trai tôi 16 tuổi đã nghỉ học, theo bố vào Đà Nẵng học nghề, đủ tuổi đi làm công nhân. Ở tuổi ngoài bốn mươi mới quyết định khởi nghiệp về lĩnh vực vận tải. Để làm ăn, anh cầm cố cả sổ đỏ để vay ngân hàng.

Vừa mới khởi động, chưa thu được đồng vốn nào thì dịch xuất hiện. Từ bấy đến nay đã hơn một năm, tiền lãi ngân hàng hàng tháng vẫn phải trả, nhưng xe thì không thể chạy. Khó khăn chồng chất khó khăn. Chị dâu tôi bán hàng ăn sáng cũng phải đóng cửa.

{keywords}
 

Anh chị có hai đứa con, đứa năm nay cuối cấp ba, đứa vừa lên lớp 6. Khó khăn chồng chất khó khăn.

Mấy hôm trước gọi điện tính động viên anh vài câu, mong anh chị cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này. Nhưng anh lại kể rằng: "Mỗi đêm đứng trước cửa nhà, thấy từng đoàn xe máy từ trong Nam nối đuôi nhau về quê. Nhìn biển số xe máy thấy dân quê mình thật nhiều. Nhà nào cũng có ôm theo con nhỏ, thương ơi là thương".

"Có em bé còn vừa mới chào đời hơn một tuần tuổi đã cùng theo cha mẹ hồi hương hơn một nghìn cây số trên chiếc xe máy bất chấp ngày đêm hay mưa nắng. Hóa ra mình khổ thì khổ thật, nhưng vẫn có thể ngồi yên trong nhà, không phải chạy dịch như người ta". Nghe anh nói thế, tự thấy mình cũng chẳng cần nói vài lời động viên sáo rỗng làm gì nữa.

Nơi tôi ở nằm giữa khu công nghiệp, vài tuần trước một công ty xuất hiện mấy ca F0, vậy nên chung cư tôi ở có rất nhiều người làm cùng F0 trở thành F1, F2. F1 thì đã đi cách ly tập trung rồi, còn các F2 thì tự cách ly tại nhà.

Chồng tôi mấy tuần nay cũng phải nghỉ việc ở nhà. Cả nhà vì thế, 24/24 giờ đều ở cùng nhau. Người lớn thì thế nào cũng được, trẻ con nhốt suốt trong nhà nên chúng khó chịu. Sáng nào mở mắt ra con cũng hỏi "mẹ ơi, hết dịch chưa?".

Tuần trước, con gái tôi thi online để kết thúc lớp 2. Thi hết học kì, cũng là khi đã sắp hết một mùa hè không vui chơi như những mùa hè trước. Buổi trưa, lúc tôi ngồi bắt chấy cho con, con hỏi: "Nếu cho mẹ một điều ước, mẹ sẽ ước gì?".

Tôi nói: "Mẹ ước cả nhà mình luôn bình an, mạnh khỏe". "Con thì ước hết dịch mẹ à. Hết dịch, không chỉ nhà mình bình an mạnh khỏe mà tất cả mọi người đều thế". Ngay lúc đấy tôi cảm thấy có chút xấu hổ. Chúng ta lúc nào cũng nghĩ con còn nhỏ, nhưng đôi khi suy nghĩ của con lại vượt xa suy nghĩ của chúng ta.

Trên trang cá nhân, bạn tôi - ông bố đơn thân đang sống ở Sài Gòn khoe sáng nay vừa được một thầy giáo tiếp tế cho một ít thực phẩm, chừng ấy hai bố con ăn uống tằn tiện cũng qua được mấy ngày.

Tôi nhắn tin cho bạn: "Mong bố con bạn luôn bình an. Cố gắng nhé". Bạn đáp lời: "Ngoài Hà Nội dịch cũng đang phức tạp. Cậu có con nhỏ, nhớ giữ gìn nhé. Bố con mình vẫn ổn. Tất cả chúng ta rồi cũng sẽ ổn thôi!".

Vâng, chỉ cần tất cả chúng ta thực hiện tốt chỉ thị và các biện pháp chống dịch của Chính phủ, chỉ cần chúng ta có thể tương trợ đùm bọc nhau qua quãng gian nan này. Không lâu nữa mọi thứ sẽ trở lại bình thường. Bố mẹ đi làm, trẻ con tới lớp. Chúng ta rồi sẽ ổn cả thôi.

Theo Dân Trí

Sài Gòn sẽ ổn thôi!

Sài Gòn sẽ ổn thôi!

Sài Gòn không có nghĩa là gốc gác. Nó là nơi ai đến, ở lâu và yêu mảnh đất này thì họ thành người Sài Gòn.