Nỗi đau chất chồng

Những ngày rảnh rỗi, L.B.C. (SN 2003, TP.HCM) lại giở những trang nhật ký của bà ngoại ra đọc. Từ những trang vở đã úa màu, ký ức tuổi thơ của C. ùa về.

Giữa những mảng ký ức xưa cũ, C. tìm thấy hình ảnh người mẹ chịu nhiều niềm đau nhưng vẫn kiên cường nuôi cô khôn lớn từng ngày.

C. kể, năm cô sinh ra, hạnh phúc gia đình đã bắt đầu rạn vỡ. Bố C. dường như không còn yêu thương và muốn gắn bó với mẹ con cô. Khi C. vừa tròn 1 tháng tuổi, người mẹ tên N.K.C. của cô nhận được lời đề nghị ly hôn từ chồng.

Biết “người ta không còn thương mình, có níu kéo cũng chỉ mang lại nỗi đau”, chị K.C. cắn răng đặt bút ký vào tờ đơn. Năm đó, chị mới 30 tuổi.

Ngày chia tay, chồng chị K.C. yêu cầu được nuôi đứa con gái vừa tròn 6 tháng tuổi. Chị từ chối. Chị biết rằng nếu thương con, chồng cũ đã không ép mình ly hôn khi đứa bé mới đầy tháng. Chị kiên quyết chối từ rồi lam lũ nuôi con một mình.

{keywords}
Chị H.C. và con gái lúc còn nhỏ. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Ít lâu sau, chồng cũ của chị bất ngờ thay đổi ý định. Anh ta nhiều quấy rối, tạo áp lực, thậm chí ghen ngược dù cả hai đã chính thức ly hôn với hi vọng vợ con quay về sống với mình.

Tuy vậy, chị vẫn không chấp nhận quay lại với người từng bỏ rơi mình.

B.C. chia sẻ: “Những nỗi đau tinh thần ấy của mẹ tôi đều được bà ngoại ghi lại trong nhật ký của mình. Những năm tháng đó, ai cũng lo lắng, sợ mẹ không thể vượt qua”.

“Vậy mà mẹ rất kiên cường. Mẹ đi làm mỗi ngày để kiếm tiền nuôi tôi. Một mình mẹ nặng gánh mưu sinh, gắng gượng nuôi tôi lớn”, cô gái nói thêm.

Con gái là niềm vui sống

Ly hôn chồng, chị K.C. về nương nhờ mẹ ruột. Chị gửi con cho mẹ rồi một mình lam lũ nuôi đứa con gái duy nhất chưa đầy 1 tuổi. Chị lấy tiếng cười, tiếng khóc của con làm động lực vui sống, quyết quên đi nỗi đau bị phụ bạc.

Chị K.C. nói: “Suốt những năm tháng ấy, tôi cố gắng làm lụng để nuôi con. Lúc ấy, con gái là niềm vui sống của tôi. Tôi luôn cố gắng đem lại những điều tốt nhất cho bé vì bé chịu nhiều thiệt thòi”.

Chị cố gắng lo cho con đến nỗi B.C. và những người xung quanh cứ ngỡ cô được sinh ra trong một gia đình giàu có. 

Dù tất bật vì cuộc mưu sinh, chị K.C. vẫn để ý đến từng mong muốn dù là nhỏ nhất của con. Chị nhớ và biết con thích loại kẹo gì, ăn hủ tiếu, bún bò… ở đâu. Thế rồi dù khó khăn, thậm chí phải nhịn ăn, nhịn mặc… chị cũng cố gắng mang về cho con.

B.C. tâm sự: “Tôi bao nhiêu tuổi là bấy nhiêu năm mẹ chịu khổ cực. Khi còn nhỏ, tôi bị trào ngược dạ dày, ăn bao nhiêu cũng nôn ra, người ốm nhom như que củi. Thế nhưng mẹ vẫn yêu thương, bảo bọc, dành những thứ tốt nhất cho tôi từ lúc tôi chào đời đến tận bây giờ.

Ngày còn bé, tôi rất thích đi sở thú. Mẹ biết vậy nên ngày nào cũng đạp xe chở tôi đến đó chơi. Hai mẹ con tôi đi nhiều đến nỗi người ta thương, miễn phí tiền vé vào cổng luôn. Tôi cũng thuộc làu đường đi trong sở thú từ đó”.

Bây giờ, khi B.C. đã trưởng thành, tình yêu của chị K.C. dành cho con gái vẫn không thay đổi. Thay vì mua kẹo bánh, đồ chơi… cho B.C., chị nấu cơm, chuẩn bị bữa ăn cho con gái mỗi ngày. Chị cũng dành hết tình yêu thương của mình vào công việc tưởng chừng đơn giản ấy.

Chị luôn nhớ rõ B.C. thích ăn gì và ghét món nào để đảm bảo con gái luôn có những bữa ăn ngon nhất. Lúc B.C. đi học cũng như đi làm, mỗi khi trời mưa, chị lại lo con bị ướt rồi đổ bệnh.

Những lúc như thế, chị sẽ gọi điện hỏi xem B.C. đã về chưa. Nếu con gái không về nhà bằng xe buýt, chị sẽ đến tận nơi đưa áo mưa và chở con về nhà. “Bây giờ, mẹ chỉ có tôi và tôi chỉ có mẹ. Thế nên, tôi nhất định phải lớn nhanh để yêu thương mẹ”, cô gái nói.

Nguyễn Sơn

Bỏ vợ con theo nhân tình, ông lão gặp cảnh không ngờ sau 20 năm

Bỏ vợ con theo nhân tình, ông lão gặp cảnh không ngờ sau 20 năm

Khi mọi người đang cãi nhau ầm ĩ, Dương Tử Cường một mình đi đến bên cửa sổ. Ông khẽ cúi đầu và lặng lẽ lau những giọt nước mắt bằng đôi tay gầy guộc, nhăn nheo.