2h30 sáng một ngày đầu tuần, gia đình chị Nguyễn Thị Lý (53 tuổi, thôn Yến Vĩ, xã Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội) gọi nhau dậy.

Chồng chị bắt tay vào làm những mẻ đậu phụ đầu tiên. Hôm nay, anh làm nhiều hơn mọi ngày. Phần đậu đầu tiên (khoảng 55 bìa) anh để riêng, phần đậu sau anh làm để gia đình mang ra chợ bán.

Chị Lý lấy hơn 50 bìa đậu đầu tiên đó cho vào 2 chiếc xô. Chị xếp thêm mấy chục trứng gà, vịt vừa mua của hàng xóm và thịt, lạc… vào một chiếc xô khác.

{keywords}
Chị Nguyễn Thị Lý

6h sáng, chất tất cả số hàng lên chiếc xe số đã cũ, chị khoác chiếc áo đỏ của “Hội chữ thập đỏ huyện Mỹ Đức” và nổ máy lên đường.

Người phụ nữ này chở tất cả số thực phẩm trên đến Bệnh viện Đa khoa huyện Mỹ Đức giao cho những người bạn của chị. Hôm nay, các chị nấu cơm từ thiện để tặng những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn của bệnh viện.

Đó là một ngày trong số nhiều ngày, chị Lý tặng miễn phí thực phẩm cho bữa cơm của người nghèo.

Việc từ thiện của chị bắt đầu từ một lần chị được nhận suất cơm “0 đồng” vào năm 2016.

“Lần đó, con gái tôi (đang là sinh viên đại học) bị sốt virus. Cháu được chuyển về Bệnh viện Đa khoa huyện Mỹ Đức để điều trị. Thời gian ở đây, một ngày, tôi nhận được suất cơm từ thiện của bệnh viện.

Tôi hỏi ra mới biết, có một nhóm các chị em đã bỏ công, bỏ của để làm cơm tặng bệnh nhân. Ăn suất cơm đó, tôi rất cảm động”, chị Lý kể.

Khi con gái khỏi bệnh về nhà, chị Lý suy nghĩ rất nhiều về suất cơm từ thiện mình từng được ăn. Nhà có nghề làm đậu phụ để bán ở chợ, chị muốn đóng góp một phần đậu cho bữa ăn của các bệnh nhân.

Chị liên hệ với chị Khoát, người hàng xóm cũng là thành viên của Hội chữ thập đỏ huyện, nói về nguyện vọng của mình.

Chị Khoát đã kết nối với nhóm nấu cơm từ thiện ở Bệnh viện Đa khoa huyện Mỹ Đức. Từ đó, những người phụ nữ thôn Yến Vỹ, xã Hương Sơn bắt đầu hành trình tặng thực phẩm miễn phí cho các bệnh nhân.

“Mỗi tháng 1 lần, nhận được điện thoại của các chị nấu cơm từ thiện ở bệnh viện là chúng tôi lại bắt tay vào chuẩn bị. Các chị quanh xóm, người góp tiền, người góp của (thịt, trứng…).

Riêng gia đình tôi, tôi dặn ông xã hôm đó phải dậy sớm để làm nhiều đậu hơn ngày thường. Tôi dành khoảng 50- 55 bìa đậu để chuyển xuống bệnh viện”, chị kể thêm.

Mỗi lần như thế, chị đều tự chở đậu phụ từ xã Hương Sơn lên bệnh viện (khoảng 12km). Chị cố gắng tranh thủ chở đậu lên thật sớm để kịp cho các chị nấu hàng trăm suất ăn vì việc rán đậu rất mất thời gian.

Bất kể nắng mưa, chị vẫn đồng hành cùng chiếc xe cũ để mang thực phẩm đến bệnh viện.

“Xe máy nhà tôi cũ quá rồi nên rất hay bị chết máy giữa đường. Mỗi lần như vậy, tôi lại phải ra đường vẫy, nhờ người sửa giúp. Có hôm không nhờ được người sửa, tôi phải gọi chồng lên đón về”, chị kể.

Từ năm 2018, chị được tặng một chiếc áo của Hội chữ thập đỏ. Nhiều người qua đường thấy người phụ nữ mặc áo đỏ, biết chị đi làm việc thiện đều nhiệt tình giúp đỡ.

“Tôi nhớ nhất có lần xe bị chết máy giữa đường, nhờ một người thanh niên sửa giúp. Sau khi xe được sửa xong, tôi tất tả nổ máy đi cho kịp giờ giao đồ ăn. Tôi đi đến bệnh viện, dừng xe quay đầu lại thì bất ngờ khi vẫn thấy người thanh niên đó. Tôi rất ngạc nhiên, hỏi:

- Em đi theo chị sao?

- Vâng, em sợ chị lại hỏng xe, không ai sửa cho nên chạy xe theo. Giờ chị đến nơi an toàn rồi, em đi đây.

Quãng đường hơn 10km mà người thanh niên đó chạy theo khiến tôi cứ ấn tượng mãi. Trên đời còn có rất nhiều câu chuyện tử tế…”, chị kể lại.

Đều đặn như vậy, các chị đem thêm niềm vui đến cho người khó khăn. 

Gia đình chị Lý không khá giả, ngoài làm đậu phụ đi bán, anh chị còn làm ruộng để nuôi 4 người con ăn học. Con gái đầu của chị, năm 17 tuổi, bất ngờ mắc chứng động kinh. Hai vợ chồng đi rất nhiều nơi, tốn kém nhiều tiền của để chữa cho con nhưng không hiệu quả. Hiện, con gái ngoài 30 tuổi đang sống cùng bố mẹ với số tiền trợ cấp cho người tàn tật là 500 nghìn đồng/tháng.

{keywords}
 
{keywords}
Từ năm 2016, gia đình chị thường xuyên làm đậu phụ để tặng cho nhóm nấu cơm từ thiện tại bệnh viện.

“Trước gia đình tôi nghèo lắm. 10 năm nay, đậu phụ bán được nhiều hơn nên gia đình mới bớt chút khó khăn. Từng trải qua cảnh nghèo đói nên tôi rất thương những người như vậy”, chị nói.

Không chỉ gia đình chị Lý, nhiều chị em trong đội góp thực phẩm từ thiện đều có hoàn cảnh khó khăn: Có chị con trai mất, phải cùng con dâu nuôi 3 cháu nhỏ; có chị nhà còn vướng cảnh nợ nần…

Từ năm 2016 đến nay, ngoài cung cấp thực phẩm cho bữa cơm từ thiện, chị Lý cũng vận động quyên góp, hỗ trợ người nghèo trong xã.

Vào dịp tết Nguyên đán, chị cùng các chị em kêu gọi được 35 suất quà trị giá hơn 10 triệu đồng tặng gia đình khó khăn. Chị cũng thường xuyên vận động mua gạo, đường, sữa để thăm hỏi, động viên những người đau ốm.

Gần đây nhất, chị ủng hộ gia đình chị Sen (một hoàn cảnh khó khăn ở xã -nv) 30 kg gạo, vận động mọi người ủng hộ đường, sữa cho con chị Sen.

Năm 2016, khi tỉnh Hà Tĩnh bị vỡ đập, lũ quét, chị Lý cũng đã hai lần vận động mọi người ủng hộ 100 suất quà gồm 500 kg gạo, mỳ chính, màn, quần áo trị giá 20 triệu đồng. Trong chuyến đi này, bản thân chị Lý ủng hộ 100 kg gạo và tiền xe đi lại.

“Ông xã tôi rất ủng hộ công việc của vợ, có lúc anh hỏi: “Lý ơi, nhà mình nghèo thế, Lý đi vận động, mọi người có tin không?”. Chị cười bảo: “Không sao anh à, miễn là giúp được mọi người”, chị nói.

Chuyện tình 20 năm hạnh phúc của cặp đôi kém may mắn

Chuyện tình 20 năm hạnh phúc của cặp đôi kém may mắn

21 tuổi, họ đều gặp một tai nạn giao thông và không còn nguyên vẹn đôi chân. Nhưng điều không may mắn đó lại tạo nên sự đồng cảm, giúp họ đến gần nhau hơn.

Ngọc Trang - Diệu Bình