Cách đây 4 ngày, cô Lã Thị Thanh (57 tuổi, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) nhận 2 triệu đồng tiền lương tháng 3. Như vậy, thu nhập tháng này của cô Thanh đã bị giảm đi một nửa so với bình thường vì ảnh hưởng của dịch bệnh.

Công ty mà cô Thanh đang làm tạp vụ chỉ yêu cầu cô đến làm việc 3-4 ngày/tuần thay vì cả 7 ngày như trước kia. Tiền bảo hiểm và các khoản phụ cấp khác cũng bị cắt toàn bộ.

Tháng 4 này cô đang lo tiền lương nhận được thậm chí còn tệ hơn. Từ đầu tháng 4 đến nay, cô mới được công ty gọi đi làm đúng 2 ngày.

‘Họ cho bên văn phòng làm việc ở nhà nhiều, nên tôi cũng không phải đến dọn dẹp nữa’, cô Thanh cho biết.

{keywords}
Cô Thanh và 2 con sống trong một căn phòng chưa tới 10m2. Ảnh: Nguyễn Thảo

Gia đình 3 người nhà cô Thanh hiện sống ở một căn phòng chưa đầy 10m2 trong con ngách nhỏ của phố Hạ Đình.

Gọi là nhà nhưng căn phòng trông giống như một phòng trọ sinh viên. Bước ra khỏi cửa phòng là con đường dẫn vào khu tập thể phía trong. Căn phòng được xây trên khu đất lưu không mà trước kia bố mẹ chồng cô cơi nới bên cạnh căn tập thể được công ty phân cho các cụ.

Vì khó khăn, căn nhà tập thể đã được bán đi, mẹ chồng cô hiện sống ở căn phòng bên cạnh rộng chừng 17m2, còn 3 mẹ con cô vẫn đang ở căn phòng chưa đầy 10m2 này.

Căn phòng được làm thêm một gác xép - là nơi cô con gái đang học lớp 8 ngủ và ngồi học cho yên tĩnh. Phía dưới được kê một chiếc giường cho cô Thanh và cậu con trai 23 tuổi. Không gian còn lại là nơi sinh hoạt của cả gia đình, bao gồm cả nấu nướng, để 2 chiếc xe máy và 1 chiếc xe đạp.

Chồng cô Thanh đã mất cách đây 13 năm vì căn bệnh ung thư khi con gái thứ 2 của cô mới được 1 tuổi. Cậu con trai lớn của cô vừa mới tốt nghiệp ĐH Giao thông Vận tải.

‘Hồi còn là sinh viên, cháu có đi làm thêm ở nhà hàng. Sau khi ra trường, cháu vẫn tiếp tục làm ở đấy. Vừa rồi, cháu được người ta cho đi học thêm để làm quản lý ca. Mới được vài tháng thì có dịch, nhà hàng phải đóng cửa’.

Thế Ngọc - con trai cô Thanh cho biết, sau khi nhà hàng đóng cửa, công ty chuyển cậu đến làm cho một tiệm bánh cùng hệ thống ở phố Huế.

‘Thu nhập trước kia của em khoảng 6 triệu đồng/tháng. Bây giờ chuyển sang đây chắc được khoảng 4 triệu’.

Dạo này, vì thời gian đi làm ở công ty rất ít nên cô Thanh nhận dọn dẹp tại nhà cho các gia đình theo giờ. ‘Tuần 3-4 buổi, tôi đến nhà một cô ở cùng công ty dọn dẹp khoảng 2 tiếng, được trả công 150 nghìn/buổi. Cũng may là có chỗ này để bù đắp thêm’.

{keywords}
Cô Thanh lên đường đi làm giúp việc theo giờ để trang trải chi phí mùa dịch bệnh. Ảnh: Nguyễn Thảo

Cô Thanh cho biết, bình thường nếu không có dịch thì thu nhập của 2 mẹ con khoảng 10 triệu/tháng, nhưng cuộc sống ở thủ đô đắt đỏ, lại phải nuôi con gái đang học lớp 8 nên cũng không tiết kiệm được đồng nào. Nay dịch dã khiến công việc đảo lộn, thu nhập của 2 mẹ con sụt giảm hẳn, mọi chi tiêu đều phải tính toán và cắt giảm.

‘Bình thường tiền đi học thêm các môn của cháu bé vào khoảng 2 triệu đồng/tháng. Trước kia gia đình còn là hộ nghèo, được giảm 50% học phí ở trường. Bây giờ gia đình không còn diện hộ nghèo nữa nên học phí không được giảm’.

Mới ra khỏi diện hộ nghèo nên chế độ bảo hiểm y tế của cô Thanh cũng không còn nữa. Cô kể, cách đây mấy hôm, cô phải lên phường để mua bảo hiểm y tế tự nguyện mất hơn 800 nghìn đồng.

‘Tôi bị bệnh khớp từ năm 13 tuổi. Bây giờ, chân tay vẫn đau suốt. Khi nào đau quá, tôi lại phải đi lấy thuốc uống. Không có bảo hiểm thì rất tốn kém nên tôi nghĩ mãi cũng phải mua, đề phòng ốm nặng lại khổ các con’.

Sáng nay đi làm về qua điểm phát quà hỗ trợ người dân chống dịch Covid-19, cô Thanh đã được cán bộ xã gọi vào tặng cho 1 túi gồm 1kg gạo và 2 quả trứng. Cô bảo: ‘Thực sự, từ hồi dịch bệnh đến nay, nhà tôi phải thắt chặt chi tiêu. Trước đây, còn mua sữa, quà bánh cho con gái nhưng bây giờ cắt hết những khoản đấy. Nếu ngày nào cũng được nhận một phần quà như thế này thì gia đình bớt đi được một khoản phải mua sắm’.

Vừa dứt câu chuyện với chúng tôi cũng là lúc cô Thanh phải đứng dậy đi làm giúp việc theo giờ. Cậu con trai lớn của cô cũng đến giờ phải tới cửa hàng làm ca tối.

Mong muốn lớn nhất của gia đình cô Thanh bây giờ là dịch bệnh tan nhanh để hai mẹ con tiếp tục được đi làm đều đặn như trước đây.

Bị giật tiền giữa đêm, chị bán cá nghẹn ngào ôm 5kg gạo về nhà

Bị giật tiền giữa đêm, chị bán cá nghẹn ngào ôm 5kg gạo về nhà

 Đi chợ lấy cá về bán giữa đêm, chị Huệ bị cướp giật tiền, suýt bị gãy chân. Nhận được phần quà của đoàn từ thiện trao, chị ôm vào lòng trân trọng.  

Nguyễn Thảo - Ngọc Trang