Trưa nắng, người phụ nữ năm nay đã 71 tuổi ngước nhìn chiếc đồng hồ trên tường.

Bà chờ đợi qua 12 giờ trưa, bởi giờ đó bên Mỹ đang là nửa khuya. Con gái bà sẽ kết thúc ca làm và gọi điện về cho mẹ. Ngày nào cũng vậy, họ nói chuyện cho thỏa những năm tháng xa cách.

Bà là bà Hồ Thị Mót (ở TP Kon Tum, Kon Tum), mẹ của chị Hàng Trúc Thảo - người con bị thất lạc suốt 43 năm.

Ngày chia ly

Chị Nguyễn Thị Ngọc Mai (con gái bà Mót, em gái chị Thảo) kể lại, gia đình chị để lạc mất chị Thảo trong những năm tháng chiến tranh.

Tháng 4/1975, bà Mót và chồng là ông Châu cùng 3 con gái (1 đến 5 tuổi) từ Tây Nguyên xuống tỉnh Khánh Hòa theo đường Bảy (quốc lộ 25 ngày nay) để lánh nạn. Thời điểm đó, gia đình bà còn có 2 con trai đang gửi nhờ họ hàng chăm sóc.

{keywords}
Bức ảnh chị Thảo ngày nhỏ.

Đi xe đến sông Đà Rằng, chiếc cầu bị gãy, ông Châu xuống sông gần đó lấy nước, bà Mót trải tấm khăn cho 3 con ngồi bên vệ đường.

Bà Mót quay trở lại xe lấy bộ quần áo để thay cho cô con gái 3 tuổi là Nguyễn Thị Thu Nga (tên thật của chị Hàng Trúc Thảo). Tuy nhiên khi quay lại chỗ 3 con thì bà tá hỏa phát hiện chị Thảo biến mất.

Họ tìm khắp nơi nhưng không thấy con. Khi chiếc cầu thông, họ vào Nha Trang (Khánh Hòa). Khoảng 2, 3 ngày sau, vợ chồng bà lại quay tìm con gái nhưng kết quả vẫn là con số 0.

Mất con, ông Châu buồn đến phát bệnh. Họ bán tất cả tài sản để lấy tiền tìm con. “Thời điểm đó, vợ chồng chỉ còn cái tủ đứng và tấm ảnh con gái”, bà Mót nhớ lại.

Đau đớn đến mức suy sụp nhưng rồi họ vẫn phải gượng dậy để nuôi con. Nhiều năm sau, gia đình bà khai hoang lập nghiệp ở TP Kon Tum. Họ sinh thêm 6 người con nữa.

Dù cuộc sống êm ấm với con cháu, dâu rể quây quần, vợ chồng ông bà vẫn chưa nguôi nỗi nhớ thương cô con gái bị mất tích.

“Có lần, một người mách ở Đà Nẵng có cô gái giống chị tôi, cha tôi liền bỏ việc vào đó tìm nhưng không phải”, chị Ngọc Mai kể lại.

Cho đến khi nhắm mắt xuôi tay vào năm 2005, ông Châu vẫn chưa thể thực hiện mong ước của mình là đưa con gái về đoàn tụ cùng gia đình. Ông ra đi khi chưa nhìn được con gái lần cuối.

43 năm lạc khỏi vòng tay mẹ…

3 tuổi, cô bé Nguyễn Thị Thu Nga bị lạc. Chị cùng 5 đứa trẻ khác không có thân nhân bên cạnh được đưa về một trường tiểu học ở P. Ngọc Hiệp, Nha Trang. Khi một người phụ nữ độc thân là bà Hàng Thị Tư xuất hiện, chị chỉ chạy theo ôm bà mà không màng đến người khác.

{keywords}
Chị Thảo (bên phải) và mẹ là bà Hồ Thị Mót.

Bà thương và đưa chị về nuôi, đặt cho chị cái tên là Hàng Trúc Thảo. Chị cảm thấy may mắn khi được ở cùng người mẹ nuôi nhân hậu. Nhưng năm chị 13 tuổi, mẹ nuôi mất vì bệnh nan y. Trước khi mất, bà kể lại mọi thông tin để sau này chị có thể tìm lại gia đình.

12 năm sau, chị gặp anh Lâm - người mang lại hạnh phúc cho chị. Nhiều năm sau, anh chị được gia đình người mẹ nuôi bảo lãnh sang Mỹ.

Ở Mỹ, chị làm trong một công ty sản xuất bao thư. Họ có 2 con (1 trai, 1 gái). Dù cuộc sống ổn định trên đất Mỹ nhưng lòng chị vẫn luôn khao khát được biết về gia đình, về cội nguồn của mình.

Một người Việt làm cùng công ty với chị ở Mỹ thường xuyên xem chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” đã động viên chị gửi hồ sơ cho chương trình. Thông tin gửi đi quá ít, “dẫu vậy tôi vẫn hi vọng một ngày nào đó, điều kỳ diệu sẽ xảy ra…”, chị nói.

… và đoàn tụ từ bức ảnh cô bé có mái tóc xoăn

12 năm sau ngày chị Thảo mất tích, năm 1987, chị Ngọc Mai mới được sinh ra. Thương cha mẹ luôn đau đáu nhớ người chị, năm học lớp 12, chị Mai gửi thư cho chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” để tìm chị gái chưa một lần gặp mặt.

“Chương trình yêu cầu cung cấp ảnh nhưng gia đình tôi có một bức ảnh duy nhất của chị thì lại bị mất. Thông tin chúng tôi có được “bị thất lạc năm 1975, chị có nốt ruồi trên vai hoặc cổ, tóc xoăn” là quá ít ỏi”, chị kể.

{keywords}
Chị Ngọc Mai bế con gái được cho là có nhiều điểm giống chị gái chị ngày nhỏ.

Năm 2018, chị vào trang web “Hãy lên tiếng” của chương trình để xem hồ sơ những người muốn tìm lại gia đình.

Chị Mai nhìn thấy bức hình cô bé 3 tuổi, tóc xoăn rất giống con gái mình hiện tại. Đồng thời những thông tin trên đó giống với người chị đã mất tích nên liên hệ với chương trình.

“Tháng 9/2018, đại diện chương trình gọi điện xin mẫu tóc của mẹ tôi để làm xét nghiệm ADN. Giữa tháng 9, họ gọi điện báo là đã tìm được chị tôi rồi. Nghe đến đó, tôi bủn rủn hết cả tay chân”.

Ngày 5/10/2018, đại gia đình chị Mai với gần 70 người đã tụ họp lại. 12h trưa, chị Hàng Trúc Thảo cùng đại diện chương trình bước vào nhà.

Người mẹ tuổi ngoài 70, mái tóc bạc phơ, òa khóc khi nhìn thấy người con gái thất lạc suốt 43 năm. Chị Thảo cũng không kìm được cảm xúc trong vòng tay mẹ.

“Chị giống anh em chúng tôi lắm, tất cả đều như cùng một khuôn mặt. Nhiều người còn bảo, không cần xét nghiệm ADN cũng nhận ra là ruột thịt”, chị Mai kể lại.

“Khỏi nói được mẹ tôi mừng thế nào. Bà không nghĩ là ở tuổi gần đất xa trời vẫn còn cơ hội gặp lại con gái. Tháng 4/2019, chị đón mẹ sang Mỹ chơi. Lúc về, mẹ vui lắm, kể chuyện bên đó suốt”, chị Mai cho biết.

Hiện, bà Mót đang sống một mình, các con bà đều ở cùng một dãy phố và thường xuyên qua thăm nom mẹ.

“Trưa nào tôi ghé qua nhà cũng thấy chị Thảo gọi facetime từ Mỹ về gặp mẹ qua chiếc ipad chị mua tặng. 12h đêm bên đó là chị kết thúc ca làm, lại gọi cho mẹ để buôn chuyện.

Suốt cả tiếng đồng hồ, hai mẹ con cứ nói đủ thứ như hôm nay làm gì, ăn gì, gặp ai… Chị thương mẹ, thường gửi sữa và thuốc về Việt Nam. Chị gửi nhiều quá nên mẹ bắt để mẹ trả tiền vì lo chị tốn kém”, chị Mai cho biết.

'Chia ly người đang sống đáng sợ hơn chia ly người đã mất'

'Chia ly người đang sống đáng sợ hơn chia ly người đã mất'

'Sự chia ly, mất mát người thân còn đáng sợ hơn cả sự chia ly do cái chết. Còn gì đau đớn hơn khi biết rằng người thân mình đang sống lạc lõng, côi cút trên cuộc đời này" - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

Ngọc Trang