Cuộc sống ở vùng ngoại ô Amsterdam (Hà Lan) những ngày này đã tạm trở lại bình thường. Tuy vậy, mỗi khi thức giấc, việc chị Lips Phạm làm đầu tiên là vào mạng cập nhật tình hình dịch bệnh tại Việt Nam - nơi những người thân và bạn bè của chị đang sống.

Biết nhiều tỉnh thành ở Việt Nam đang thực hiện giãn cách, chị động viên bạn bè tận dụng cơ hội này để quan tâm bản thân mình và chăm chút cho tổ ấm nhiều hơn. 

{keywords}
Chị Lips Phạm hiện sống ở Hà Lan.

Dẫn dắt gia đình theo hướng tích cực

Chị Lips kể, trước khi cuộc sống trở lại bình thường, ngôi làng ở Amsterdam (Hà Lan) - nơi chị sống đã trải qua 6 tháng giãn cách.

Những ngày đầu thực hiện, nhiều người rơi vào tình trạng lo lắng, căng thẳng trong đó có anh Eddo Smash - chồng chị Lips.

Eddo Smash là chủ của 2 trung tâm thể dục thể thao. Khi có lệnh giãn cách, tất cả hàng quán đều phải đóng cửa, trừ cửa hàng bán đồ ăn. Hai trung tâm thể dục thể thao của Eddo Smash cũng không ngoại lệ.

“Tuy vậy, Eddo Smash vẫn trả lương cho tất cả nhân viên nên anh rất lo lắng và căng thẳng”, chị Lips Phạm kể. Chị phải phân tích nhiều lần cùng nhiều cách nói khác nhau để Eddo Smash giải tỏa tâm lý và hiểu rằng, lúc này sức khỏe và việc các thành viên trong gia đình được ở bên nhau là điều quan trọng nhất.

“Mình bảo với ông xã, anh có mệnh hệ gì thì cuộc sống tươi đẹp mà anh đang trao tặng cho em không còn ý nghĩa nữa. Ngược lại, em có mệnh hệ gì thì anh nghĩ sao? Anh ấy trả lời, anh sẽ xin bác sĩ để đi cùng em. Vậy còn các con? - mình hỏi tiếp. Anh im lặng một lúc rồi thừa nhận mình nói đúng. Từ đó, anh chấp nhận thực tế, không than phiền và lo lắng nữa. Thay vào đó, anh bắt đầu hành trình tu sửa và sắp đặt lại nơi làm việc”, chị Lips nhớ lại.

Nhưng khi Eddo Smash đã tĩnh tâm và thích nghi thì những đứa trẻ nhà chị Lips lại muốn “nổi loạn”.

Chị kể, “1,2 tháng đầu mấy đứa trẻ con phải học online ở nhà, chúng như muốn phát điên, thỉnh thoảng lại hét tướng lên ở trong phòng. Mình lại phải tâm lý, giải tỏa tư tưởng cho chúng. Mình rủ con đi tập thể dục và khen ngợi con, ra giải thưởng… dần dần chúng cũng nghe lời”.

{keywords}
Chị Lips Phạm nổi tiếng trên cộng đồng người Việt xa xứ vì sở hữu khu vườn rực rỡ sắc hoa. 

Tích cực trao món quà tinh thần

Theo chị Lips, khi sống trong giai đoạn giãn cách, mỗi người đều phải tự thay đổi để thích nghi với những điều chưa từng xảy ra trong cuộc sống.

Những thay đổi có thể bắt đầu từ việc xây dựng lại chế độ ăn uống, tập một môn thể thao thích hợp (thiền, yoga, gym…), bài trí lại đồ đạc trong nhà để ngôi nhà trở nên tươi mới. Quan trọng nhất là mỗi người nên tập nói lời hay ý đẹp với người đối diện nhiều hơn.

“Ví dụ, mình nói với chồng ‘eo ơi ! Da anh rám nắng trông cứng cỏi, đàn ông quá, đẹp quá’. Con tập thể hình xong mình cũng kêu toáng lên: ‘wow… tay con đẹp thế gân nổi lên kìa trông khỏe mạnh ghê. Con ra nhìn gương đi, rất đẹp'… Tóm lại mình dành 30 giây hay 1 phút/ngày để nói lời tích cực với người nào mình gặp.

Ông hàng xóm lâu không được ra tiệm tóc, khi dắt chó ra cổng gặp mình. Đứng từ xa, mình cũng khen ‘ông để tóc dài trông nghệ sĩ, rất ngầu, đẹp'. Ông ấy vui, về kể với vợ. Sau đó, người vợ gửi lời cảm ơn ‘nhờ có lời khen của cô mà ông chồng tôi không phàn nàn về mái tóc ngứa ngáy nữa”.

{keywords}
Khu vườn có nhiều loại cây trái của gia đình chị Lips.

Chị Lips cho rằng, trong những ngày giãn cách, giữa người với người càng nên tặng cho nhau những món quà  tinh thần.

“Một lần, người hàng xóm nhà mình sinh nhật 50 tuổi, tất cả chị em trong xóm ới nhau 11h đêm căng biểu ngữ chúc mừng. 12h đêm, mỗi người lại đứng trước cửa nhà mình cùng hát bài chúc mừng sinh nhật”, chị nhớ lại, giọng xúc động.

Chủ động sắp xếp cuộc sống

Chị Lips cho biết, ở nơi chị sống, người dân thường chỉ đi chợ 1,2 lần mỗi tuần. Khi có lệnh giãn cách, mọi người càng ít đi hơn.

Để chuẩn bị cho việc giãn cách dài ngày, chị mua thêm một chiếc tủ đá để dự trữ thực phẩm. Chị cũng tích cực sưu tầm và áp dụng các mẹo hay để bảo quản thực phẩm được tươi lâu hơn.

Một trong những mẹo đó là, mua rau về, chị nhặt sạch, gói vào giấy báo rồi để tủ lạnh. Nhiều loại củ, chị chần qua nước nóng. Khi vớt ra, chị bỏ ngay vào chậu nước đá lạnh, sau đó lại vớt ra cho vào túi hoặc hộp đựng thực phẩm rồi đặt trong tủ đá. Đến bữa, chị chỉ cần bỏ ra, tráng qua nước rồi nấu như bình thường. Một số loại rau xanh chị cũng làm như vậy. “Lúc ăn cảm giác ngon như rau mới”, chị khoe.

Chị Lips còn tự làm giá đỗ, rau mầm để chế biến món ăn cho gia đình.

“Ngoài ra, mình cũng chịu khó làm vườn hơn. Việc này vừa để giải tỏa stress, vừa có thêm rau củ tươi cho cả nhà”, chị nói.

{keywords}
Thời gian giãn cách, chị Lips chăm chỉ làm vườn hơn để có nguồn rau củ tươi mới cho cả nhà.

Theo chị Lips, trong giai đoạn dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, người làm nội trợ nên có những kế hoạch mua sắm hợp lý.

“Khi đi chợ, mọi người nên tính toán khoa học. Mỗi tháng chỉ đi chợ 2, 3 lần là tốt nhất. Mỗi nhà cũng nên áp dụng tiêu chí tiết kiệm, xây dựng lại nội quy, quy tắc sống để cả gia đình được vui, khỏe”, chị chia sẻ.

Chị cũng cho biết, sau 6 tháng giãn cách xã hội, chị học thêm được rất nhiều điều. "Mình biết yêu cuộc sống hơn, tập thể dục nhiều hơn, biết bảo vệ môi trường hơn và sống tiết kiệm hơn... Những điều đó khiến mình thấy tự tin hơn, mạnh dạn hơn và được yêu thương nhiều hơn", chị nói.

Linh Giang

Mẹo nhỏ phòng Covid-19 nhà nào cũng nên nhớ

Mẹo nhỏ phòng Covid-19 nhà nào cũng nên nhớ

Gia đình tôi nhiều tháng nay luôn tuân thủ 5K cùng những mẹo nhỏ dưới đây để đảm bảo sức khoẻ.