9 giờ tối một ngày tháng 2, khi vừa ra Tết được mấy ngày, con gái bà Ly gọi điện thông báo sẽ mang đứa con trai 2 tuổi tới cho bà nuôi. Bà nói dối: ‘Tao về quê rồi, không có ở đây’, rồi vội chạy ra khỏi nhà đi trốn.

Đến 11 giờ tối, người hàng xóm gọi cho bà báo tin: ‘Nó vứt con ở đây thật đấy, về mà đón thằng bé’.

Thằng bé 2 tuổi tên Quân bị mẹ bỏ ngay trước cửa nhà bà, gào khóc cho đến khi được người hàng xóm bế, cho ăn uống, tắm rửa rồi gọi bà ngoại về đón.

Bà Ly ngậm đắng nuốt cay về nhà đón cháu. Ở cái tuổi 67, bà phải nuôi đứa này là đứa cháu ngoại thứ 3 do 2 con gái của bà bỏ rơi.

{keywords}
3 đứa trẻ bị bố mẹ bỏ rơi đang sống cùng bà ngoại đã 67 tuổi. Ảnh: Nguyễn Thảo

Đứa lớn nhất năm nay 10 tuổi, tên Vy - là chị gái của cậu bé Quân. Vy sống với bà từ khi mới sinh ra. 

3 năm sau khi Vy ra đời, bà Ly lại bị cô con gái lớn ‘dúi’ cho đứa cháu ngoại mắc bệnh Down. Bà bảo, bố mẹ nó không có hôn thú nên bà cũng không biết con rể mình là ai, đang sống ở đâu. Bà chỉ biết, ‘đẻ con ra, chúng nó bỏ nhau. Con bé được mấy tháng thì nó vứt cho tôi’.

Ngoài 2 cô con gái đã bỏ đi biệt tích, nay đây mai đó, bà Ly còn một người con trai nhưng cũng vào tù ra tội, bị vợ con bỏ, bây giờ đang sống ở Sơn Tây. Và dĩ nhiên, anh con trai cũng chẳng giúp gì được cho bà.

Có 3 đứa con đã trưởng thành nhưng bây giờ một mình bà phải nuôi 3 đứa cháu ngoại trong căn nhà rộng 9m2 ở một con ngõ nhỏ gần chợ Phùng Khoang, thuộc phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. 

Bà Ly kể, trước đây nhà bà ở quận Thanh Xuân, nhưng chồng bà bị ung thư, phải bán nhà đi lấy tiền chữa chạy. Bà mua lại căn nhà vốn là căn bếp cũ của nhà người ta để có chỗ chui ra chui vào. Đến nay, bà sống ở đây đã được 10 năm.

Toàn bộ mặt sàn phía dưới là nơi sinh hoạt của 4 bà cháu, còn phía trên là gác xép chỉ để ngủ. Các vật dụng sinh hoạt đặt xung quanh không gian 9m2, ở giữa chỉ còn vừa đủ chỗ cho 4 con người ngồi quây quanh mâm cơm.

‘Hôm trước, trời nóng quá, nửa đêm không ngủ được, chúng nó kéo nhau xuống ngõ, nô đùa, hò hét ầm ĩ’.

Khi được hỏi bà làm gì kiếm tiền nuôi cháu, bà bảo, trước Tết, bà rửa bát cho quán bún đầu ngõ, làm nửa ngày được trả 100 nghìn đồng, nhưng mấy tháng nay họ không thuê nữa. Thi thoảng, bà được người ta gọi tới dọn dẹp nhà cửa, rửa bát đám cỗ, cũng được một, hai trăm nghìn, có tiền mua bìa đậu, miếng thịt cho 3 đứa cháu. ‘Các cháu con nhà nghèo nên chỉ cần bìa đậu sốt hoặc tí thịt băm là ăn thun thút’, bà kể.

{keywords}
Căn nhà 9m2 che nắng mưa cho 4 bà cháu. Ảnh: Nguyễn Thảo

Tài sản giá trị nhất trong nhà bà là chiếc xe đạp bà mượn được của người ta. Có nhà nào ở xa thuê đến dọn nhà là bà lấy xe đạp đi, để 3 đứa cháu ở nhà tự trông nhau, rồi nhờ hàng xóm ngó giúp.

‘Nhiều lần, đứa thứ 2 (bị bệnh Down) đi lạc mãi tận đẩu đâu, tôi phải đi tìm hết hơi’, bà kể. ‘Cháu nó không biết nói gì, được cái đói khát, muốn đi vệ sinh thì biết kêu’.

Bà Ly bảo, trong 3 đứa cháu, bà buồn nhất là đứa lớn năm nay 10 tuổi nhưng chưa ngày nào được đến trường. ‘Nhiều lần cháu bảo bà cho cháu đi học, nhưng tôi không có tiền nên cũng chưa khi nào dám đi xin học cho cháu’.

Bà biết, trường hợp của cháu bà có thể được miễn giảm học phí nhưng còn nhiều khoản đóng góp lặt vặt khác, bà sợ không lo được. Nuôi cho 3 đứa cháu không phải đói ăn đã là quá sức ở tuổi của bà.

‘Phần nữa, tôi cũng không biết làm thủ tục giấy tờ cho cháu. Tôi ở đây đã được 10 năm nhưng hộ khẩu vẫn còn ở quận Thanh Xuân. Cháu Vy lớn nhất chỉ có tờ giấy khai sinh, chưa có hộ khẩu ở đâu. 2 đứa nhỏ thì chỉ có tờ giấy chứng sinh. Đi đâu, làm gì người ta cũng hỏi giấy tờ thì tôi không có mà trình ra’.

Có lần bà xin cho đứa bé thứ 2 vào một trung tâm bảo trợ xã hội nhưng khi người ta hỏi đến giấy tờ không có, bà lại ngậm ngùi đi về. ‘Tôi lo sau này tôi yếu hơn, không lo được cho cháu bệnh tật nữa nên muốn gửi cháu ở trung tâm bảo trợ. Nhưng đi đâu người ta cũng hỏi giấy tờ, rồi xác nhận cháu bị bệnh. Tôi già rồi, vừa không biết thủ tục, vừa không có tiền đưa cháu đi bệnh viện xác nhận nên lại thôi’.

Mong ước lớn nhất bây giờ của bà là đứa lớn nhất được đi học, được biết cái chữ để sau này đỡ khổ.

Quay sang hỏi bé Vy: ‘Bây giờ phải học cùng các em lớp 1 thì cháu có đồng ý không?’, cô bé nhanh nhẹn trả lời: ‘Có ạ, nhưng cháu không có tiền mua sách vở…’.

Chia sẻ với báo VietNamNet, bà Nguyễn Thị Lụa - Phó Chủ tịch UBND phường Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, bà đã được thông báo về trường hợp gia đình bà Ly và đang xin ý kiến của Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Văn, tạo điều kiện hết sức để cho bé được đi học.

‘Trường hợp cháu bé 2 tuổi, chúng tôi có thể giải quyết được nhanh hơn để cháu được học mầm non. Còn trường hợp bé đã đến tuổi tiểu học, mà lại không có hộ khẩu, giấy tờ ở đây, chúng tôi sẽ cho người xuống tận gia đình để tìm hiểu, hướng dẫn gia đình làm các thủ tục.

Với hoàn cảnh của các cháu, nếu đi học, chúng tôi sẽ giải quyết cho các cháu được nhận chế độ miễn học phí 100%’, bà Lụa nói.

17 tuổi mới đi học, cô gái nhặt phế liệu trở thành tiến sĩ

17 tuổi mới đi học, cô gái nhặt phế liệu trở thành tiến sĩ

17 tuổi mới được đến trường, từ một cô bé ngơ ngác với cả thế giới, Tara Westover tiến dần trên con đường học thuật và trở thành tiến sĩ, nhà sử học.

Nguyễn Thảo