Gia đình anh Thành có 2 con (một trai, một gái). Nếu như cậu con trai hiền lành, ngoan ngoãn thì Thu (con gái anh, học sinh lớp 5) lại cá tính, bướng bỉnh hơn.

Theo anh Thành, hai vợ chồng anh rất ít khi nặng lời với con. Cô bé Thu đã vài lần nói dối bố mẹ nhưng hai anh chị đều chưa nhắc nhở con kỹ lưỡng. Lần này, nhân câu chuyện dưới đây, họ đã dùng làm cơ hội, thành một bài học cho con gái.

Buổi sáng hôm đó, Thu ngủ dậy muộn. Thấy con sắp muộn giờ học nên vợ chồng anh trách mắng khiến Thu bực mình, phụng phịu.

Trên đường chở 2 con đến lớp, anh Thành phát hiện cô bé không đeo khẩu trang, anh hỏi: “Khẩu trang của con đâu? Con quên à?”. Cô bé trả lời: “Con có đem theo”.

Anh lại hỏi: “Thế nó đâu?”. Thu liền bảo: “Con cất nó ở túi” và giả vờ sờ tay vào túi áo để tìm. Sau đó, cô bé thốt lên: “Nó rơi mất dọc đường rồi”. Anh Thành nhiều lần gặng hỏi nhưng Thu vẫn kiên quyết là cô bé có mang khẩu trang.

Đến cổng trường, ông bố nghiêm túc nói với con: “Con nên suy nghĩ lại, có thể sáng nay con dậy muộn bị mắng nên rối trí và quên. Nếu con nói thật bố sẽ không trách mắng. Nhưng nếu con nói dối, đến chiều sau khi đi học về, con hãy xin lỗi bố”.

Sau đó, anh Thành hỏi con trai - người ngồi sau xe cùng em gái, thì được con cho biết, Thu đã quên khẩu trang và nói dối bố.

Anh Thành chờ lời xin lỗi của Thu nhưng đến chiều và tối, cô bé Thu không hề đả động gì đến chuyện trên. Sau bữa cơm, vợ chồng anh Thành và các con ngồi lại. Anh yêu cầu con gái kể lại việc lúc sáng. Vì có anh trai “làm chứng” nên lần này cô bé Thu phải thừa nhận mình quên khẩu trang và đã nói dối bố. Đến đây, anh Thành “nhường” vụ việc cho vợ phân xử.

Người mẹ nói với con gái: “Con có 3 vấn đề như sau. Thứ nhất, con không tôn trọng lời bố mẹ. Bố mẹ dặn con phải đi ngủ sớm nhưng đêm qua con mải xem điện thoại, khi được nhắc cũng không chịu đi ngủ, hậu quả là sáng nay dậy muộn.

Thứ 2, bố mẹ luôn nhắc nhở trước khi đi ngủ phải chuẩn bị đồ đạc cho ngày mai đến lớp nhưng con không làm đầy đủ, dẫn đến việc quên khẩu trang. Hậu quả là hôm nay có dấu hiệu ho.

Thứ 3, con đã cố tình nói dối. Bố hỏi lại 3 lần, con vẫn không nói thật. Con còn xây dựng “kịch bản” (sờ vào túi, giả vờ tìm…) cho hành vi của mình”.

Sau khi phân tích lỗi sai của con, vợ anh Thành yêu cầu con nhận hình phạt. Thu nhận 3 roi cho lỗi sai của mình. Tuy nhiên từ trước đến nay chưa từng bị mẹ đánh đòn nên mẹ vừa đưa cây roi lên, cô bé đã òa khóc nức nở.

Người mẹ điềm tĩnh nói tiếp: “Giờ 3 roi cũng đau vì vậy mẹ chia ra. Bố sẽ chịu 1 roi vì đã lên xe mà cũng không kiểm tra đầy đủ cho con.

Anh trai cũng phải chịu 1 roi vì anh không nhắc nhở em và Thu phải chịu 1 roi cho lỗi sai của mình”.

Tuy nhiên mẹ nói tiếp: “Mẹ chưa đánh mà Thu đã khóc thế này. Nếu mẹ đánh xong lại khóc, Thu sẽ quên hết lời mẹ dặn nên số roi này, mẹ sẽ cho “nợ”. Việc của Thu là ghi lại 3 lời dặn của bố mẹ để sau này không được quên”.

Bé Thu ghi 3 lời mẹ dặn vào tờ giấy. Đó là: “1. Dù làm việc đúng hay sai cũng không được nói dối; 2. Luôn lắng nghe, tiếp thu lời người lớn; 3. Phải chăm lo cho bản thân bởi không ai chăm lo cho mình tốt hơn chính mình”. Tờ giấy được cô bé treo lên tủ quần áo để trong phòng của mình như một lời nhắc nhở.

“Từ đó, hàng ngày, đúng 6h30 con có mặt tại phòng khách để ăn sáng. Con cũng tự chuẩn bị đồ đạc cho mình rất cẩn thận trước khi đến trường”, anh Thành vui vẻ kể.

Theo các chuyên gia tâm lý, hầu như tất cả các bậc cha mẹ đều cố gắng dạy con trung thực. Khi phát hiện con nói dối, thay vì thất vọng, giận giữ, các bậc phụ huynh nên bình tĩnh để tìm cách tháo gỡ vấn đề.

{keywords}
PGS. TS Trần Thành Nam. Ảnh: VietNamNet

PGS. TS Trần Thành Nam (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng: “Điều quan trọng nhất là phụ huynh phải tìm hiểu nguyên nhân của lời nói dối đó để có giải pháp phù hợp”.

Nhiều bố mẹ chia sẻ, họ không trách mắng khi trẻ làm sai nhưng trong thói quen hằng ngày, họ lại phản ứng thái quá khi trẻ mắc lỗi hay tỉ mỉ chỉ ra những lỗi của con khiến con bị áp lực.

Qua cách thức ứng xử hằng ngày, họ làm cho đứa trẻ nhận ra cái này bố mẹ hài lòng, cái kia bố mẹ không hài lòng. Lúc này, trẻ cảm thấy bất an, kém cỏi, sợ bị chỉ trích, chúng như con chim xù lông lên bảo vệ bản thân, dẫn đến hành vi sai ở nhiều phương diện (trong đó có nói dối).

“Trẻ dùng lời nói dối không có mục đích gì xấu. Với chúng, nói dối chỉ là cách để chống lại việc hình ảnh của mình trong mắt bố mẹ bị hạ thấp”, PGS. TS Thành Nam nhấn mạnh.

Trong trường hợp này, người lớn phải cho trẻ biết được cách bố mẹ nhìn nhận về hành vi này như nào. Phụ huynh nên tránh tuyệt đối việc trách mắng con ầm ĩ, chất vấn khi con có việc làm chưa đúng. Thay vào đó, bố mẹ nên khuyên trẻ điều chỉnh dần dần.

Cũng theo PGS. TS Thành Nam, một hành vi của trẻ xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó yếu tố môi trường sống là chủ yếu.

Có thể trẻ bắt gặp hành vi nói dối ở người khác. Sau đó, trẻ thấy hành vi nói dối sẽ giúp con tránh được một số điều tiêu cực nên nhanh chóng bắt chước.

“Hành vi (nói dối) lặp đi lặp lại sẽ thành thói quen. Từ thói quen, trẻ sẽ hình thành đặc điểm nhân cách. Khi trẻ nói dối, người khác sẽ không tin khiến trẻ bị mất lòng tin, khó khăn trong việc hòa nhập và tạo ra các mối quan hệ tích cực với cộng đồng.

Điều này gây khó khăn cho trẻ trong tương lai vì vậy cha mẹ cần phát hiện sớm và giúp trẻ giảm thiểu thói quen này”, PGS. TS Thành Nam cho biết.

Sai lầm tai hại của cha mẹ khi dạy con

Sai lầm tai hại của cha mẹ khi dạy con

Bảo vệ trẻ khỏi mọi khó khăn, thử thách; chỉ chăm chăm khen ngợi các thành tích của trẻ; cấm con khóc… là những sai lầm của cha mẹ trong quá trình nuôi dạy con.

Ngọc Trang (ghi)