Với những người đam mê dịch chuyển, có lẽ Hà Giang là một trong những điểm đến không thể bỏ qua. Vùng đất phía Tây Bắc nơi địa đầu Tổ quốc này luôn là một điều bí ẩn, hấp dẫn.

Kinh nghiệm đi Hà Giang

Với nhiều người, khoảng thời gian trung bình đi Hà Giang 4-5 ngày. Nếu bạn có thời gian và muốn khám phá thêm vẻ đẹp hùng vĩ của vùng núi Tây Bắc, nên đi khoảng 7-9 ngày, vừa thoải mái về thời gian, vừa giữ sức khỏe.

{keywords}

Hà Giang đẹp vào mọi mùa trong năm. Mùa xuân, các ngôi nhà tường trình nổi bật trên nền trời xanh thẫm, bên các cây hoa đào đang khoe sắc rực rỡ.

Từ Hà Nội đi Hà Giang, bạn có thể đi bằng xe máy, ôtô hoặc đi bằng xe khách tại bến xe Mỹ Đình. Cung đường đi từ Hà Nội lên TP Hà Giang không có nhiều khung cảnh đặc sắc, nên bạn nào muốn giữ sức cho chuyến đi có thể gửi xe máy lên xe khách, lên đến Hà Giang rồi mới đi xe máy lên Đồng Văn. Hoặc các bạn có thể thuê xe máy ở Hà Giang. Có khá nhiều cửa hàng cho thuê tại đây.

Giá vé xe khách từ 130.000-150.000 đồng với ghế ngồi và 180.000 đồng ghế giường nằm. Có đủ các chuyến từ sáng đến tối. Những bạn muốn tiết kiệm thời gian có thể đi buổi tối. Ngủ một giấc trên xe, 5-6h là có mặt tại bến xe Hà Giang.

Đi Hà Giang theo những tuyến đường nào

Những bạn đi xe máy từ Hà Nội lên có 2 đường:

Tuyến đi thứ nhất: Hà Nội – Vĩnh Phúc – Việt Trì – Phú Thọ - Tuyên Quang. Đường này nhiều người biết và đông xe đi lại. (cung này mình hay đi tắt đến Vĩnh Phúc, rẽ đi Sơn Dương, thẳng đến Tuyên Quang. Đường vắng, đẹp hơn).

Tuyến đi thứ hai: Hà Nội – Sơn Tây – Cầu Trung Hà – Cổ Tiết – Cầu Phong Châu – Phú Thọ - Đoan Hùng – Tuyên Quang.

Đến Tuyên Quang khoảng 150 km, từ đó TP Tuyên Quang – Hàm Yên - Bắc Quang – Vị Xuyên – TP Hà Giang khoảng 152 km. Tổng quãng đường khoảng 302 km tính từ Hà Nội đi Hà Giang. Tùy cung đường các bạn đi sẽ được ngắn hơn 20-30 km.

Từ Hà Giang lên Đồng Văn, các bạn nên đi đường: Hà Giang – Quản Bạ (46 km) - Yên Minh (50 km) – Đồng Văn (50 km). Từ Yên Minh có đường tắt sang Mèo Vạc. Mình hay đi đến Đồng Văn, nghỉ ngơi thăm quan xong hôm sau mới đi Mèo Vạc. Buổi tối ở Đồng Văn vui hơn, hơn nữa đi cung vòng tròn như thế đỡ nguy hiểm, vì đường lên với bên tay phải lái xe là núi đá, nên sẽ an toàn hơn bên vực.

{keywords}

Núi đôi Quản Bạ.

Cảnh sắc ở quãng đường từ Hà Giang lên Quản Bạ không đặc sắc. Các bạn không nên dừng lại nhiều, dành thời gian cho đoạn Yên Minh - Đồng Văn, khó đi hơn và cảnh cũng đẹp hơn nhiều. Quản Bạ có đường lên cổng trời và khu để chụp ảnh núi đôi ngay sát nhau.

Từ Yên Minh đi lên Đồng Văn qua một con đèo khá nổi tiếng tại xã Lũng Thầu ngoằn ngèo như rắn, rồi qua Lũng Thầu đến Phố Cáo. Vào dịp lễ tết có lễ hội, rất đông người dân tộc mặc quần áo màu sắc sắc sỡ vui chơi tại đây.

{keywords}

Ngày hội ở Phố Cáo.

Đi tiếp khoảng chục km qua nhà của Pao - Xã Sủng Là ( nơi quay phim Nhà của Pao - bộ phim được khá nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế ). Bây giờ nơi này thành khu du lịch, luôn đông đúc các xe du lịch nờm nượp ra vào, có bán vé tham quan.

Cách Đồng Văn 5 km là dinh Vua mèo Vương Chính Đức - người từng cai quản cả khu vực Cực Bắc - Đông và Tây Bắc, có vé vào cửa. Các bạn nên vào thăm quan, để thấy sự bề thế, và kiến trúc độc đáo ở đây.

Từ chỗ Vua Mèo có 2 đường, một là đi thẳng lên Đồng Văn, hai là đi vòng sang cột cờ Lũng Cú trước, rồi quay lại Đồng văn. Nếu còn sớm và đủ sức khỏe, các bạn nên đi lên Lũng Cú trước, rồi quay lại Đồng Văn cho tiện một cung đường.

Đường đi khá xấu, nhiều đoạn mình đi dịp Tết 2016 còn đang rải đá để làm đường. Đến nơi, nếu đi xe máy, các bạn đi thẳng lên trên chân cột cờ rồi mua vé và leo lên cột cờ, đừng gửi xe ở bãi xe ôtô, vì đi lên cực kỳ vất vả, mấy trăm bậc. Nhiều người đi ôtô không muốn leo sẽ có một đoàn các anh xe ôm dân tộc chở lên 40.000 đồng/2 chiều

Cách cột cờ 1 km có bản người Lô Lô Chải, một trong những nơi lần nào mình cũng phải ghé qua, nơi có anh trưởng bản Kai tốt bụng và quý người. Bản này được khá nhiều tổ chức tài trợ, có các bếp ăn, chỗ ngủ kiểu homestay. Đa số các bạn nước ngoài hay thích nghỉ ở đây. Các bạn muốn ở lại có thể đăng ký với anh Kai.

Cuối năm 2015, làng được tài trợ xây quán cà phê Cực Bắc. Mọi người nên ghé qua nhâm nhi, tận hưởng hương vị cà phê giữa cao nguyên đá, ngắm nhìn nếp sống của người dân tộc Tây Bắc.

{keywords}

Quán cà phê Cực Bắc tại bản Lô Lô Chải.

Từ Đồng Văn đi Mèo Vạc khoảng 20 km, đi qua con đường Hạnh Phúc (đèo Mã Pí Lèng) nổi tiếng ngoằn nghèo, ở quãng giữa có một khu nghỉ chân, chụp ảnh để từ đó có thể ngắm toàn cảnh dòng sông Nho Quế đang uốn lượn giữa các ngọn núi. Bây giờ họ đã xây khu ngắm cảnh phía dưới nên an toàn hơn cho du khách.

Mèo Vạc không có mấy nhiều điểm để thăm quan. Bạn phải đi đúng đợt phiên chợ mới thấy được sự thú vị. Ở đó phụ nữ mang rượu ra bán xếp hàng dãy dài, còn đàn ông ngồi trên các bàn uống rượu. Đầu năm còn có lễ hội Vỗ Mông, lúc trai gái làm quen nhau, có thể thấy mấy anh giai Mèo quây quanh mấy cô gái bản gặp trên đường, tóm tay dắt đi là chuyện thường

{keywords}

Những con đường ngoằn ngoèo, một trong những đặc sản của miền núi Tây Bắc khiến các bạn trẻ thích xê dịch cảm thấy phấn khích.

Từ Mèo Vạc, các bạn nên đi thẳng về Yên Minh, đỡ phải quay lại Đồng Văn. Còn một đường khác là đi Bắc Mê về thành phố (đi men theo sông Lô). Cung này dành cho các bạn thích trải nghiệm offroad, cảm giác mạnh. Do đang làm thủy điện, 70 km từ Bắc Mê về Hà Giang phải gọi là kinh khủng.

Các xe tải cày nát đường, bụi cát, đá sỏi, ổ voi đầy đường, đèo dốc nhiều, ai không kinh nghiệm đi rất dễ bị tai nạn. Bù lại, các bạn có thể ngắm được sông Lô chảy rất đẹp, có những khúc sông khung cảnh đẹp như trong tranh vẽ.

Về đến thành phố, ngủ nghỉ, ăn uống cho lại sức. Ai có điều kiện đi tắm lá thuốc người Dao, ăn cháo thuốc độc, bánh cuốn rồi hôm sau xuất phát về Hà Nội.

Độc giả Tuấn Đào

(Theo Zing)