Quán ăn người Hoa trên đất Việt

Những năm đầu của thế kỷ 20, những người Hoa đặt chân đến Phan Thiết, lập phố, lập phường ở cửa sông Phú Hài bắt đầu chuyển dần về khu vực Đức Nghĩa theo chủ trương phát triển đô thị của chính quyền bảo hộ Pháp.

Lúc này, ở khu vực bến xe gần chợ Phan Thiết, xuất hiện một quán ăn nhỏ của một gia đình người Phúc Kiến (Trung Quốc) chỉ bán những món ăn truyền thống của người Hoa bản xứ.

{keywords}
Tiệm cơm Kim Sơn Lầu năm 1967.

Với những người Hoa tha hương lập nghiệp, mặc dù hết sức tằn tiện nhưng họ vẫn tới quán ăn một tô mì, uống một chén canh để ủng hộ đồng hương và tìm lại chút không khí của quê nhà nơi đất khách.

Nhờ vậy, quán nhỏ của cha con ông già người Phúc Kiến dần dần phát triển từ một bàn ăn lên hai, rồi ba bàn.

Vài năm sau, người cha bắt đầu già yếu nên người con trai cả là Hai Mọi đứng ra thay cha quán xuyến công việc.

Vốn là người thông minh, lại có năng khiếu nấu nướng, không những nấu ngon các món ăn của người Hoa do cha truyền dạy mà Hai Mọi còn nấu được các món ăn của người Việt nên dần dà quán ăn của Hai Mọi có thêm người Việt và người Tây vào ăn.

Khoảng năm 1925, khi quán đã bắt đầu đông khách, ông Hai Mọi sửa sang lại quán, làm thêm căn gác và đặt tên quán ăn của mình là tiệm Nam Thạnh Lầu.

Ngoài các món ăn truyền thống của người Hoa và người Việt, ông đã sáng tạo ra món cơm cháy chiên giòn ăn kèm nước sốt và nấu món sườn lăn bột ngon đến mức nhiều người Pháp trong chính quyền Bình Thuận thời đó đã mời ông đến để nấu món này khi họ tổ chức đại tiệc.

Hai món ăn này cũng là nét riêng độc đáo mà con cháu ông Hai Mọi vẫn gìn giữ cho đến ngày nay.

Cha truyền con nối

Năm 1935, người con trai thứ năm của ông Hai Mọi là ông Đinh Văn Ngọ vốn là đầu bếp chính cho tiệm Nam Thạnh Lầu khi đó đã lập gia đình và xin ra riêng.

Ông Hai Mọi cho con trai mình số tiền là 5.000 đồng bạc Đông Dương để làm vốn.

Năm Ngọ bỏ ra 4.000 đồng để sang lại ngôi nhà ở gần tiệm của cha (nay là số 58 Nguyễn Thị Minh Khai) để mở tiệm cơm và lấy thương hiệu là Kim Sơn Lầu.

{keywords}
 Ông Đinh Văn Ngọ ( Năm Ngọ ) người sáng lập tiệm cơm Kim Sơn Lầu.

Là người có tài nhất trong số hơn mười người con của ông Hai Mọi, Năm Ngọ đã một tay gầy dựng cơ nghiệp của riêng mình và phát triển thương hiệu Kim Sơn Lầu nổi tiếng không kém thương hiệu của cha.

Đến năm 1942, ông Hai Mọi khi ấy đã trên 60, sức khỏe suy yếu, nên giao lại tiệm cơm Nam Thạnh Lầu cho người con trai thứ mười của mình là ông Đinh Văn Thân.

Không phụ lòng cha, ông Mười Thân cũng đã phát triển tiệm cơm Nam Thạnh Lầu trở thành một trong những tiệm ăn lớn nhất Phan Thiết trong suốt thời kỳ Pháp thuộc và những năm đầu khi quân đội Mỹ vào miền Nam.

Giữ gìn thương hiệu

Khi ông Mười Thân già yếu, giao lại tiệm cơm Nam Thạnh Lầu cho con trai là ông Đinh Văn Học. Hiện nay, con gái của ông Đinh Văn Học là bà Đinh Thị Nghiêm đang tiếp nối thương hiệu và nghề của cha ông để lại.

Riêng tiệm Kim Sơn Lầu, mặc dù có hơn mười người con và nhiều người cũng từng phụ việc làm bếp nhưng ông Năm Ngọ lại giao thương hiệu Kim Sơn Lầu cho người con gái của mình là bà Đinh Thị Nhơn, người mà ông biết rõ có thể thay ông nấu những những món ăn ngon nhất của Kim Sơn Lầu.

Bà Nhơn lập gia đình cùng ông Lý Trường Tiền gốc người Hải Nam (Trung Quốc) vốn là đầu bếp trước đó của tiệm cha mình.

Với sự kết hợp đa dạng các món ăn của người Phúc Kiến và người Hải Nam, đặc biệt chỉ sử dụng đầu bếp là người gia đình chứ không thuê thợ ngoài, tiệm cơm Kim Sơn Lầu dưới thời của vợ chồng bà Nhơn có nhiều món ăn đặc sắc và ngon hơn các quán ăn khác.

Hiện nay, thương hiệu Kim Sơn Lầu được bà Nhơn giao lại cho con gái mình là bà Lý Thị Mỹ. Riêng người con trai cả của bà Nhơn là ông Lý Hoàng Cương, trước đây cũng là người đứng bếp chính của Kim Sơn Lầu, tách ra riêng mở quán ăn mang tên Kim Anh Quán vào năm 1992.

Tiệm cơm Kim Anh Quán của ông Cương hiện cũng là một trong những tiệm ăn ngon, thu hút rất đông người dân địa phương và du khách khi đến Phan Thiết.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Lý Hoàng Cương nói, ông tự hào là một thành viên của một gia đình lớn có bề dày hàng trăm năm phục vụ ẩm thực cho người dân Phan Thiết.

Ông Cương cũng cho biết, dù thế hệ ông hay các thế hệ sau nữa, các thành viên trong gia tộc ông cũng sẽ cố gắng gìn giữ và phát huy truyền thống đáng tự hào của cha ông mình để lại.

Bí ẩn con số 1449 trên mặt tiền ngôi nhà cổ tại Phan Thiết

Bí ẩn con số 1449 trên mặt tiền ngôi nhà cổ tại Phan Thiết

Nhiều người dân không khỏi thắc mắc về con số 1449 được đắp bằng xi măng ở vị trí trang trọng ngay chính giữa mặt tiền biệt thự cổ có ghi năm xây dựng 1923 tại Phan Thiết (Bình Thuận).

Lê Huân