Dự án thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại vùng khó khăn của Bộ Y tế đã và đang đào tạo 265 bác sĩ cho 69 huyện nghèo của 21 tỉnh, thành với 11 chuyên khoa.

Ngày 6/11/2018, Bộ Y tế phối hợp với trường Đại học Y- Dược Hải Phòng tổ chức khai giảng khóa 13 cho 35 bác sĩ trẻ được lựa chọn phù hợp các tiêu chuẩn đầu vào theo quy định của Bộ Y tế. Các bác sĩ này sẽ được đào tạo Chuyên khoa cấp I thuộc 10 chuyên ngành: Chẩn đoán hình ảnh, Gây mê hồi sức, Xét nghiệm, Nội, Ngoại, Nhi, Răng hàm mặt, Sản, Truyền nhiễm và Y học cổ truyền tại trường Đại học Y - Dược Hải Phòng trong 24 tháng trước khi được đưa về vùng khó khăn làm công tác tình nguyện.

{keywords}
 

Tham gia dự án này, các bác sĩ sẽ được đào tạo như bác sĩ nội trú, theo hướng “cầm tay chỉ việc”; mỗi giảng viên Trường đại học Y Hà Nội sẽ trực tiếp hướng dẫn một học viên và có sự kiểm soát chặt chẽ kết quả đầu ra, bảo đảm khi ra trường họ có thể thực hiện tốt các kỹ thuật khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế tuyến huyện. Chương trình đào tạo dành riêng cho các bác sĩ này đã được Bộ Y tế xây dựng mới, thẩm định và phê duyệt. Chương trình đào tạo chú trọng đến thực hành tay nghề chiếm 70% đơn vị học trình.

Trước khi trúng tuyển chuyên khoa cấp I, họ đã được tuyển dụng thành viên chức Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên và 13 huyện khó khăn thuộc 5 tỉnh như: Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Lai Châu và Thanh Hóa. Sau khi hoàn  thành thời gian đào tạo, các bác sĩ trẻ sẽ công tác tại các huyện nghèo như đăng ký. Thời gian tối thiểu làm việc tại vùng khó khăn đối với bác sĩ nam là 3 năm, bác sĩ nữ là 2 năm. Riêng đối với các bác sĩ được các huyện nghèo cử đi đào tạo sẽ công tác lâu dài tại bệnh viện hoặc TTYT của các huyện nghèo.

Hiện tại, theo thống kê, bệnh nhân chuyển từ bệnh viện tuyến huyện khó khăn lên tuyến tỉnh thì chỉ cứu được 40%, còn lại 60% là tử vong. Vì vậy, Đề án cũng được kỳ vọng sẽ giảm tối đa tỷ lệ bệnh nhân tử vong khi di chuyển trên đường.

Cũng liên quan đến Dự án này, nhiều lãnh đạo bệnh viện huyện nghèo cũng lo lắng, thời gian công tác tại huyện nghèo của các bác sĩ trẻ tình nguyện còn quá ít (nam 3 năm, nữ 2 năm), vì vậy Đề án đã mở rộng thêm đối tượng là bác sĩ ngay tại địa phương hoặc đang công tác ngay tại bệnh viện huyện để đào tạo bác sĩ chuyên khoa I và cam kết công tác lâu dài tại bệnh viện.

Trước đó, dự án đã bàn giao 14 bác sỹ cho 12 huyện nghèo thuộc 8 tỉnh miền núi phía bắc và chuẩn bị bàn giao các khóa tiếp theo.

Sau khi bàn giao, Bộ Y tế đã tổ chức kiểm tra, đánh giá hoạt động của các bác sỹ tại huyện nghèo. Nhìn chung, các bác sỹ đã thực hiện tốt các kỹ thuật theo chương trình đào tạo, hỗ trợ và thực hiện các kỹ thuật chuyên khoa khác mà bệnh viện tuyến huyện chưa triển khai do thiếu nhân lực, chuyển giao kỹ thuật và tham gia tập huấn, truyền đạt kiến thức, kỹ năng cho đồng nghiệp tại huyện nghèo, qua đó nhiều người bệnh được cứu sống hoặc không phải chuyển tuyến.

D.Minh - Bích Thủy - Văn Minh