Em đọc một tài liệu gần đây viết rằng đàn ông béo thường dẻo dai hơn người có thể trạng gầy. Lý do là vì đàn ông béo phì khó xuất tinh, còn những ai “mình hạc xương mai” lại có xu hướng “chưa đi đến chợ đã tiêu hết tiền”.

Tài liệu đó còn nói rằng thời gian chinh chiến của đàn ông to béo là hơn 7 phút trong khi mấy ông “mình gầy...” thì chỉ chưa đầy 2 phút. Thú thiệt là trước nay em rất tin vào sách vở, tài liệu thế nhưng đọc nghiên cứu này em thấy rất hoang mang, nghi ngờ.

Chồng sắp cưới của em 26 tuổi; cao 1,75m; nặng 65 ký, người cao dong dỏng rất ưa nhìn. Nếu theo những gì em đã đọc được thì anh ấy thuộc nhóm có nguy cơ xuất tinh sớm. Từ khi đọc tài liệu, em đã tìm cách tiếp cận hiện trường, kiểm tra sơ bộ và thấy bề ngoài của anh ấy hoàn toàn bình thường. Vậy sau này, việc chăn gối của chồng em có bình thường không hay sẽ bị yếu sinh lý? Thật tình là em rất lo...

hoangmi...@gmail.com

{keywords}
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Em gái thân mến,

Chuyện đàn ông mạnh hay yếu là đề tài nghiên cứu muôn thuở của... các nhà nghiên cứu. Lâu lâu trên báo chí lại công bố một kết quả nghiên cứu về vấn đề này; thậm chí một nội dung nghiên cứu nhưng ở Châu Âu cho kết quả khác, Châu Phi lại cho kết quả khác. Các kết quả nghiên cứu nhiều khi đúng với người này mà không đúng với người khác vì phụ thuộc rất nhiều yếu tố: di truyền, đời sống xã hội, giáo dục, mức sống, môi trường, độ tuổi, nghề nghiệp...

Có điều em nên hiểu là thường các kết quả rút ra chỉ dựa trên một nhóm người giới hạn tham gia vào các nghiên cứu. Đặc biệt, phương pháp nghiên cứu (nhất là các điều tra xã hội học) thường căn cứ trên những câu hỏi, người được điều tra sẽ trả lời, những câu trả lời này là chủ quan và thường rất cảm tính. Lý do là vì chuyện quan hệ tình dục rất tế nhị, ít ai có đủ dũng khí để “thực nghiệm tại hiện trường” cho các nhà nghiên cứu quan sát, ghi nhận, đánh giá.

Nói dông dài như vậy để em gái yên tâm phần nào, đừng quá bị chuyện “béo, gầy” ám ảnh. Dân gian mình có câu “mình gầy...” với ý nói lên sự dẻo dai, sung sức của các anh có thân hình cân đối, không bị dư cân, béo phì. Tất nhiên “gầy” ở đây không đồng nghĩa với ốm yếu, bệnh tật.

Ông xã tương lai của em ngoại hình như thế cũng có thể xem là gầy nhưng nếu có tập thể dục, da thịt săn chắc, ngực nở eo thon, trông ưa nhìn thì cũng không có vấn đề gì. Nhất là khi em đã “quan sát hiện trường”, thấy máy móc khởi động bình thường thì không có gì phải lo lắng, ám ảnh vì cái kết quả nghiên cứu kia.

Trong thực tế, các anh béo phì gặp rất nhiều bất lợi trong chuyện chăn gối. Trước tiên, để bị béo phì có nghĩa là người đó không quan tâm chăm sóc sức khỏe bản thân; ăn uống không cân đối chất nên mới dẫn đến tình trạng dư cái này, thiếu cái kia; làm cho cơ thể không thật sự khỏe mạnh. Một khi cơ thể không khỏe mạnh thì làm sao chuyện kia có thể sung mãn?

Thế nên cái kết luận người béo dẻo dai hơn người gầy thì theo tôi, rất đáng... nghi ngờ. Điều quan trọng trong đời sống vợ chồng là tình yêu, sự quan tâm dành cho nhau. Đó là yếu tố làm cho đời sống ái ân thăng hoa, viên mãn. Em cứ chờ sau khi cưới rồi kết luận chứ không có gì phải vội vàng. Vậy đi nghen.

(Theo NLĐ)