Gần đây trên các diễn đàn, mạng xã hội... đã có cuộc tranh luận không hồi kết về chuyện "Đám cưới Việt tệ nhất thế giới" vì quanh quẩn toàn ăn uống, tiền bạc, nhạc nhẽo, bù khú...

Người Việt vẫn nhắc nhau "ma chê cưới trách" nhưng cũng lại có câu "ai chê đám cưới, ai cười đám ma". Và thực tế là đám cưới của người Việt hiện nay vừa được khen, vừa bị chê.

Người khen cho rằng có rườm rà, nhạc nhẽo, say xỉn.. thì mới "hoành tráng", người chê mặc định đó là lãng phí, giả tạo, "ôm rơm rặm bụng". Tất cả sẽ tồn tại tới khi nào người Việt còn thích "mâm cao cỗ đầy"!

Khổ như... đám cưới!

Trong khi đi tìm lời giải cho nhận định đám cưới Việt ngày càng "tệ", chúng tôi đã gặp một nhân vật đặc biệt đó là nhà văn Doãn Dũng (tên thật là Nguyễn Vũ Anh) - một blogger nổi tiếng đồng thời là Chủ tịch thương hiệu thời trang Ivy Moda.

Mở màn câu chuyện, anh đưa ra một tiết lộ gây sốc: "Tôi lấy vợ đến giờ là 22 năm. Nhưng tôi nhất định không tổ chức đám cưới. Tất nhiên, có ăn hỏi theo phong tục, đăng ký theo pháp luật".

Nói rồi anh hào hứng kể: "Lúc đầu tôi thuyết phục bạn gái, chỉ ra hết những thứ không cần thiết cho cuộc hôn nhân này và bảo chỉ làm một bữa cơm nho nhỏ mời bạn bè thân hữu. Bạn gái nghe cũng xuôi tai. Rồi tôi lại bảo cơm cũng không cần thiết, mất công nấu, mất công rửa bát, thôi gọi điện báo hỉ là được. Bạn gái nghe tôi "xui dại" cũng đồng ý.

Chỉ có các phụ huynh là buồn. Buồn vì nhiều thứ lắm. Nỗi buồn lớn nhất là lỗ vốn. Lâu nay đi mừng cưới con nhà người ta ghi sổ hết cả rồi. Đợi con mình cưới để thu nợ chính đáng mà giờ nó lại không cưới thì mất toi tiền chứ sao.Cá nhân tôi thì nhận thấy đám cưới Việt phần lớn không vui. Cả cô dâu chú rể không vui lẫn khách mời không vui".

{keywords}

Một đám cưới "khủng" ở Hà Tĩnh. Ảnh tư liệu

Vậy nguyên do nào khiến đám cưới Việt không vui? Trong khi truyền thống của người Việt vốn coi cưới xin là một trong ba việc lớn của đời người "tậu trâu, cưới vợ, làm nhà". Là bởi trước kia, việc cưới xin phải lo sao giữ được "nếp nhà" ấm cúng, đem lại niềm vui cho dâu rể, chu tất mối quan hệ họ hàng... còn bây giờ thì nặng về hình thức quá.

Thời xưa, tục cưới xin chịu ảnh hưởng của thuyết "thọ mai gia lễ", được tiến hành với đủ thủ tục như thách cưới, đón dâu, đưa dâu, lại mặt... nhưng ông bà ta vẫn coi đó là những lễ nghi cần thiết thể hiện nền nếp gia đình, văn hóa làng xã, văn minh lúa nước.

Vào những thập niên 1960-1970, một đám cưới thường được tổ chức giản tiện, ấm áp phổ biến là tiệc trà, nước, bánh, kẹo và liên hoan văn nghệ. Quà mừng cô dâu, chú rể là những vật dụng có ý nghĩa và tác dụng thực tế trong cuộc sống của đời sống vợ chồng trẻ (xoong, nồi, bát đĩa, quần áo trẻ sơ sinh…) để phù hợp với hoàn cảnh thời đất nước gian lao "vui duyên mới không quên nhiệm vụ".

Nhưng tất cả những điều đó đã trở thành dĩ vãng!

Bây giờ, ở nông thôn hay thành phố cũng đều bung ra đủ thứ xa xỉ vì tâm lý "con gà tức nhau tiếng gáy", người ta hoành tráng được mình cũng không thể kém cỏi hơn. Ở nông thôn, có đám (đám cưới, đám ma, đám giỗ...) là thanh niên, họ hàng tụ tập trước 3 ngày 3 đêm để đánh bài, uống rượu, gọi là đến giúp nhưng thực chất là chẳng giúp được gì! Nhưng không có mặt xem như thiếu nhiệt tình, bị làng xóm đánh giá.

Còn ở thành phố, do điều kiện không thể tụ tập như ở nông thôn, thì tổ chức ở khách sạn. Khách khứa không ai biết ai, đến ngồi đợi đủ 6 người thì được xếp mâm. Cô dâu chú rể đi từng bàn cảm ơn với bộ mặt bơ phờ vì mệt. Khách khứa chúc rượu xong thì bấm nhau "chuồn"!

Khó khăn nhất là vượt qua chính mình

Thực tế là hỏi 10 cặp vợ chồng có khi đến 9 cặp nói sợ làm đám cưới nhưng vẫn thích cưới, phải cưới vì nhiều lý do: gia đình, dư luận, sĩ diện...

Hỏi nhà văn Doãn Dũng - người kiên quyết không làm đám cưới về bí quyết để vượt qua "định kiến" ấy, anh trả lời: "Khó vượt qua nhất chính là bản thân mình chứ cái gì nữa. Hôn nhân của mình, mình phải quyết định chứ!".

Đến bây giờ, người đàn ông ấy vẫn gọi đùa vợ là "bạn gái", gọi cuộc hôn nhân của mình là "sống thử". Làm trong lĩnh vực thời trang, tối ngày dập dìu các "chân dài" anh vẫn tự hào, hai vợ chồng anh đã sống với nhau chừng ấy năm, gia đình luôn hạnh phúc, êm ấm và đó mới là cái đích cần vươn tới của mọi cuộc hôn nhân thay vì một đám cưới rình rang.

{keywords}

Nhà văn Doãn Dũng

Tuy nhiên, hai nhân vật chính quyết không cưới không có nghĩa là mọi việc sẽ trôi chảy. Ngay cả trường hợp của nhà văn Doãn Dũng dù được vợ đồng tình, không so bì với ai cũng gặp những trở ngại nhất định. Gia đình anh và gia đình bên vợ đều sống ở Hà Nội lâu đời, coi trọng truyền thống, phong tục.

Từ nhỏ, Doãn Dũng đã nổi tiếng cá tính, ngang bướng, luôn "bẻ lái" phụ huynh chấp nhận mọi quyết định của mình. Nhưng ngay cả khi đã "bẻ lái" được đôi bên nội ngoại rồi, cặp vợ chồng trẻ bấy giờ vẫn phải đối diện với những nỗi buồn trong gia đình.

"Như đã nói ở trên, các cụ buồn, nhất là bố mẹ vợ tôi. Nhưng bù lại, lấy vợ rồi tôi ở với gia đình nhà vợ cho đến bây giờ. Có phải đàn ông nào cũng làm nổi việc đó đâu. Đến tôi còn thấy phục mình nữa là người ngoài", Doãn Dũng tâm sự.

Hiện tại, con trai lớn của anh cũng đến tuổi lấy vợ, các con đều biết bố mẹ chúng không làm đám cưới. Doãn Dũng vẫn nhắc nhở con: "Đám cưới của các con thì các con quyết định. Bố mẹ không quyết định hộ. Không cưới càng tốt. Bố lâu nay đi mừng cưới không ghi sổ đâu nên không phải lo! Bây giờ, nhìn vào một đám cưới nói lên nhiều điều lắm. Gia thế ấy ở "level" nào, quan hệ xã hội ra sao. Thế nên người ta càng phải tô màu cho thiên hạ lác mắt!".

Dù sao, trường hợp nhất định không làm đám cưới vì nhìn ra những rườm rà khó thay đổi như nhà văn Doãn Dũng cũng hi hữu lắm. Xã hội càng phát triển, chuyện những đám cưới quê mua cả tấn thịt mời cả làng ăn 3 ngày 3 đêm, nhạc nhẽo om sòm hay cảnh chạy sô phong bì, ăn nhầm đám cưới ở phố càng thêm phổ biến.

(Theo Gia đình & Xã hội)