- Nhắc đến mộ cổ ông Tang (Cai Lậy, Tiền Giang), ai cũng nghĩ ngay đến một giai thoại. Chính giai thoại này đã làm cho một số kẻ nảy sinh lòng tham và đến một ngày sau 1975 chúng đột nhập vào bên trong mộ. Từ đó, những lời đồn về ngôi cổ mộ dần lóe sáng...

>>Kỳ 1: Giai thoại ly kỳ về cây thị và hai ngôi mộ cổ ở Tiền Giang

Giai thoại 'Mặc hoàng bào thăm ruộng"?

Giai thoại kể rằng, vào những năm cuối của thế kỷ 18, có lần bị nhà Tây Sơn truy đuổi quá gắt, Nguyễn Ánh chạy đến làng Hòa Thuận, tá túc tại nhà ông Tang. Ông Tang cưu mang Nguyễn Ánh trong một thời gian khá dài.

{keywords}

Toàn cảnh khu mộ và cây thị...

Cảm động trước công ơn của ông Tang, trước khi lên đường sang Xiêm La cầu viện, Nguyễn Ánh đã phong cho ông chức khâm sai cai cơ và gửi lại một số hành lý. 

Trải qua nhiều năm vẫn không thấy ai trở lại lấy số hành lý đó, ông Tang đã trao lại cho 2 con là Lê Phước Tánh và Lê Phước Khỏa với lời dặn dò kỹ lưỡng, phải gìn giữ bảo quản tốt hành lý của chúa Nguyễn gửi lại.

Ngày ông Tang mất, hai con ông quên lời dặn của cha đã mở rương hành lý ra xem. Trong đó không có ngọc ngà châu báu quý giá mà chỉ có chiếc hoàng bào và một số y phục khác của vua. Thế là cả hai lấy một ít khâm liệm cho cha. Chiếc hoàng bào còn lại, cả hai chia nhau ra mặc mỗi khi đi thăm đồng.

Nhiều người biết chuyện khuyên không nên mặc vì có thể họ sẽ bị xử trảm vì tội khi quân. Thế nhưng, vào thời điểm đó, quân Tây Sơn còn rất mạnh, nghĩ rằng chúa Nguyễn khó có cơ hội phục quốc nên hai con ông Tang bỏ qua lời khuyên trên.

{keywords}

...vẫn còn khá nguyên vẹn

Thời cuộc đổi thay, Nguyễn Ánh thống nhất giang sơn lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Gia Long. Hồi tưởng lại những ngày còn nguy khó, Gia Long cho người về Hòa Thuận tìm đến nhà ông Tang để đền ơn. 

Không ngờ khi đến nơi, người của vua biết chuyện 2 anh em con ông Tang mặc hoàng bào đi thăm đồng đã tâu lên Gia Long.

Gia Long nổi giận ra lệnh tru di tam tộc và tịch thu toàn bộ gia sản của dòng họ Lê Phước. Đối với vợ chồng ông Tang đã chết, Gia Long sai lính dùng roi quất vào khu mộ và xiềng lại.

{keywords}

Mộ ông Tang

Giai thoại chỉ là huyễn hoặc

Ông Nguyễn Văn Thành (60 tuổi, xã Long Khánh) xác nhận với chúng tôi, sau năm 1975, một vụ đào trộm mộ ông Tang xảy ra. Có lẽ giai thoại và lời đồn đã khiến một số kẻ nảy lòng tham. Chúng tin trong hai ngôi mộ kia thế nào cũng có báu vật.

Vậy mà, sau khi tìm đủ cách, thậm chí phải đào một căn hầm bên cạnh để mở đường thông vào mộ, nhưng khi vào được rồi, tên trộm chỉ tìm thấy hộp sọ, xương ống cùng một ít vật dụng chôn theo. 

Tên trộm gom hết những vật dụng đó đem bán nhưng không ai mua... Chính quyền hay tin, tìm đến mộ kiểm tra và đã xác nhận trong trong mộ không hề có áo mão của vua.

{keywords}

Phần mộ bà Tang.

Theo tài liệu ghi lại những khảo cứu của các nhà sử học thì ông Tang qua đời vào khoảng tháng 10 năm Kỷ Hợi (1779). Thời điểm này Nguyễn Ánh chưa lên ngôi vua và còn lưu lạc khắp nơi nên không thể có hoàng bào để gửi lại nhà ông Tang.

Câu chuyện hai con ông Tang mặc hoàng bào đi thăm ruộng cũng chỉ là huyễn hoặc. Tuy nhiên cũng từ câu chuyện này, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng vào thời điểm này quân Tây Sơn chiến thắng quân Xiêm do Nguyễn Ánh cầu viện tại Rạch Gầm - Xoài Mút và 2 người con ông Tang đã hưởng ứng theo Tây Sơn nên bị giáng tội.

Đến năm 1788, quân của Nguyễn Ánh trở lại đánh đuổi quân Tây Sơn và chiếm đóng lại vùng Ba Rài. Lúc này, Nguyễn Ánh ra lệnh tịch thu toàn bộ tài sản dòng họ Lê Phước vì tội giúp nhà Tây Sơn.

Theo thống kê trong địa bạ Minh Mạng năm 1836, số ruộng đất gia đình Lê Phước tới 125 mẫu đồng quan. Tuy lúc này ông Tang đã qua đời, nhưng vẫn bị xiềng xích khu mộ để trị tội.

Từ những cứ liệu đó cho thấy, chuyện mộ vợ chồng ông Tang bị xiềng xích là có thật nhưng không phải vì tội "lạm dụng hoàng phục".

Sau khi bị tru di tam tộc, dòng họ Lê Phước cũng chưa tuyệt tự. Hàng năm, vẫn có người về chăm sóc mồ mả ông bà, đây cũng là nét đẹp của văn hóa Á đông...

Khu mộ cổ của vợ chồng ông Tang nay đã xuống cấp. Tường thành bốn phía gãy đổ hư hỏng do thời gian nhưng vẫn chưa được sửa chữa. 

Ông Nguyễn Ngọc Kính, Chủ tịch UBND xã Long Khánh, chia sẻ: "Việc sửa sang lại 2 ngôi mộ cổ này là nguyện vọng của nhiều người dân ở đây. Tuy nhiên, việc này chưa có ý kiến của Trung tâm Văn hóa - Thể thao thị xã Cai Lậy, nên vẫn chưa có kế hoạch và kinh phí trùng tu.

Sau 1975, từ nhiều lời đồn thổi, kẻ trộm đã đào bới ngôi mộ để tìm châu báu nhưng không có kết quả gì, ngược lại còn làm cho ngôi mộ thêm hư hỏng. Nếu có kinh phí và được giao nhiệm vụ, chúng tôi sẵn sàng".

Giai thoại ly kỳ về cây thị và hai ngôi mộ cổ ở Tiền Giang

Giai thoại ly kỳ về cây thị và hai ngôi mộ cổ ở Tiền Giang

Hai ngôi mộ cổ đầy rêu phong ẩn mình dưới tán cây thị. Trời đang mưa nhẹ khiến cho khung cảnh nơi đây càng trở nên cô tịch. 

Chuyện trộm vàng bạc, châu báu trong mộ cổ đại gia Hà thành

Chuyện trộm vàng bạc, châu báu trong mộ cổ đại gia Hà thành

Một thời gian, mộ của quan huyện Nghi và vợ bị rình mò, đào trộm trong đêm. Ông Tòng nói: "Chắc họ nghĩ trong đó có nhiều vàng bạc, đồ quý giá được cải táng theo quan huyện Nghi nên đào trộm, tìm vàng".

Trần Chánh Nghĩa