Ao cá rộng hơn 300 m2 ở nghĩa trang Bình Hưng Hòa (phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP.HCM) được hình thành cách đây hơn 40 năm. Khu đất này là của vợ chồng ông Nguyễn Văn Huệ.

Ông cho biết, thời gian đầu, vợ chồng ông đào ao, nuôi cá bán. Sau này, những ngôi mộ ở nghĩa trang mọc lên nhiều, bên cạnh là bãi rác lớn, vợ chồng ông mua cá trê, cá rô phi, cá tra… con về thả xuống ao mở dịch vụ câu cá hơn 5 năm nay. Hằng ngày, thời gian mở cửa từ 8 giờ sáng đến 9 tối.

3 giờ chiều ngày 11/3, trời nắng rát mặt. 10 cần thủ đến ngồi xung quanh ao lặng lẽ buông cần xuống nước. Cá đớp mồi, người câu giật mạnh cần ra phía sau.

Những chú cá cắn câu sẽ được gỡ ra nhẹ nhàng, để trong chậu nước bên cạnh. Câu được vài kg cá, các cần thủ sẽ đi vào bán cho chủ rồi ra ngồi tiếp tục buông cần.

{keywords}
Nhiều người tìm đến hồ giữa nghĩa trang Bình Hưng Hòa câu cá để tìm cảm giác lạ.

Anh Lăm, nhà ở đường Bình Long, phường Bình Hưng Hòa A, làm nghề giao hàng, còn độc thân. Mỗi tuần anh dành 4 buổi đến ao ngồi câu cá. Anh cho biết, mỗi khi ngồi bệt xuống đất dưới chiếc dù nhỏ, cho mồi vào lưỡi câu, thả xuống nước, lặng lẽ chờ cá đớp mồi thì mọi ưu tư, muộn phiền như tan biến. Tuyệt vời nhất là lúc cá cắn câu, giật mạnh cần ra phía sau thì cảm giác 'đã' không gì diễn tả được.

“Mỗi lần giật con cá từ dưới lên, đã lắm. Vợ thì tôi không kết hôn cũng được, nhưng câu cá thì phải đi thường xuyên”, người thanh niên năm nay 35 tuổi nói về thú câu cá của mình. Lăm cho biết, anh sắm hẳn một cần câu máy, một lưỡi câu đủ loại để thỏa mãn niềm đam mê.

{keywords}
Hồ câu cá nằm sát khu mộ.

Ngoài câu cá để giải trí, anh Lăm còn có thu nhập từ thú vui này. Đó là, mỗi giờ thuê chỗ để câu máy giá 30 ngàn đồng, anh câu được khoảng 6-7kg cá, bán lại cho chủ cũng lời được 70 ngàn đồng. “Cá ở đây không hợp vệ sinh nên tôi không bao giờ ăn. Muốn có cá nhậu, tôi phải ra nơi nào có nguồn nước sạch”, anh Lăm nói.

Bên ngoài, rất đông thanh niên, cụ ông đến đứng dưới bóng mát của những tán cây chăm chú xem các cần thủ “biểu diễn”. Mỗi khi có người giật một chú cá từ dưới nước lên, cả nhóm người ồ lên thích thú.

Nhà ở cạnh ao, vì thế ông Hưng, 56 tuổi thường đến xem. Ông cho biết, dù không trực tiếp cầm cần, nhưng nhìn sự tĩnh lặng của các cần thủ khi ngồi câu, cùng dòng nước xanh, từng đàn cá bơi lội dưới ao khiến ông thích thú. “Đi qua ao, tôi phải đứng xem một lúc mới về”, ông Hưng nói.

{keywords}
Quanh hồ câu cá là hàng ngàn ngôi mộ của những người đã khuất.

Ông Huệ cho biết, nước trong ao được bơm vào, hút ra liên tục. Mỗi năm, cá sẽ được thay một lần. Người đến câu phải tuân thủ các quy định do ông đặt ra: không được dùng mồi thuốc, hóa chất. Nếu ai vi phạm xin mời ra về.

Khi câu được nhiều cá, cần thủ có thể mang về hoặc bán lại cho chủ để thả lại xuống ao với giá 20.000/kg.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, phó chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A cho biết, dịch vụ câu cá của vợ chồng ông Huệ đã được chính quyền cấp giấy phép hồi tháng 9/2016 đến nay với nội dung: Câu cá giải trí lành mạnh.

Lúc cấp giấy phép, chính quyền yêu cầu phải đảm bảo an toàn về rào chắn xung quanh để không có tai nạn xảy ra, phải giữ vệ sinh, không ăn thịt cá câu từ dưới ao. Thế nhưng có lần, khi Ủy ban lập đoàn đi kiểm tra, ông Huệ đã vi phạm những cam kết, như: rào chắn lỏng lẻo, cá câu lên nấu ăn nên đã bị nhắc nhở.

“Câu cá là một môn giải trí được nhiều người yêu thích. Nhưng ao cá này nằm trong nghĩa trang, vì thế, cá có thể sẽ bị nhiễm kẽm, nguồn nước không hợp vệ sinh nên câu chỉ cho vui, ăn sẽ không tốt”, ông Nghĩa nói.

Chuyện lạ trong căn chòi nát trên đất vàng triệu đô Sài Gòn

Chuyện lạ trong căn chòi nát trên đất vàng triệu đô Sài Gòn

 Điện nước phải đi xin dùng, đêm đến muỗi vo ve, côn trùng kêu ỉnh ỏi nhưng đi đâu ông Năm (TP.HCM) cũng chỉ muốn về căn nhà lá của mình.  

Tú Anh - Hoàng Tuân