Bùi Thái Sơn (SN 1977), Đoàn phó Đoàn bay 919 của Vietnam Airlines là phi công có 14 năm kinh nghiệm. Tốt nghiệp ĐH Quốc gia Hà Nội, anh làm việc cho một công ty nước ngoài.

‘Cảm thấy nhàm chán công việc bàn giấy, thích công việc được đi đây đi đó, nhiều trải nghiệm, tôi đã đến với nghề phi công’, anh Sơn nói.

Năm 2002, anh đi học dự khóa tại TP.HCM, sau đó sang Pháp đào tạo phi công gần 2 năm. Năm 2005, anh bắt đầu cầm lái máy bay cho đến nay.

Anh Sơn cho biết, với phi công, chuyến bay solo (lái máy bay một mình, không có thầy giáo bên cạnh) đầu tiên là chuyến bay đáng nhớ nhất.

{keywords}
Cơ trưởng Bùi Thái Sơn. Ảnh: Nguyễn Thảo

‘Vượt qua chuyến bay đầu tiên đầy căng thẳng, lo âu, chúng tôi về phòng liên hoan. Cách để kỷ niệm ngày này của giới phi công là bất cứ ai vượt qua được chuyến bay solo, khi về phòng, đều bị cả đội túm chân tay quẳng xuống bể bơi để ăn mừng.

Bởi đó là cột mốc quan trọng, đánh dấu các phi công có thể theo công việc hay không. Một số người không qua được phải về làm việc tại các bộ phận khác’, anh Sơn nhớ lại.

Nhiều năm theo nghề, anh thừa nhận sẽ cảm thấy nhớ nếu không còn được bay. ‘Những chuyến bay cho tôi những khoảng lặng. Đó là lúc, máy bay lên cao, trong buồng lái chỉ có 2 người. Bản thân tôi đối diện với bầu trời, không còn lo nghĩ nào khác’, anh nói.

14 năm theo nghề đã để lại cho vị cơ trưởng này nhiều kỷ niệm.

‘Đó là lần Việt Nam vào chung kết một giải đấu quan trọng. Lúc này, tôi đang lái chuyến Hà Nội - TP.HCM.  Máy bay cất cánh khi hiệp 1 của trận đấu kết thúc.

Đến Nha Trang, nghe thông tin đội tuyển mình chiến thắng, trên máy bay như vỡ òa. Khách hò reo, vỗ tay ầm ầm, tôi cũng hạnh phúc vô cùng’.

Trong hành trình làm bạn với bầu trời, không ít lần anh Sơn có những vị khách đặc biệt.

‘Kỷ niệm khiến tôi ấn tượng là lần lái chuyên cơ chở các lãnh đạo. Lần đó, máy bay đưa đoàn công tác của lãnh đạo cấp cao từ Hà Nội đến Ấn Độ tham dự một diễn đàn. Lịch trình làm việc của các lãnh đạo tại Ấn Độ là từ sáng đến chiều cùng ngày.

Thời gian đó, chúng tôi ở máy bay để chờ. Một lãnh đạo cấp cao trong đoàn biết tổ bay phải đợi trên máy bay, không được đi ra ngoài nên mua cho mỗi người những chiếc vòng tay, tràng hạt… làm quà’. Món quà nhỏ nhưng khiến mọi người trong đoàn bay rất xúc động.

{keywords}

 Công việc với giờ giấc thất thường khiến anh Bùi Thái Sơn nhiều lúc phải ‘cáo lỗi’ với vợ con. Ảnh: Nguyễn Thảo

Cũng theo anh Sơn, làm phi công ở các chuyến chuyên cơ chở nguyên thủ quốc gia, anh cảm thấy áp lực khi trải qua các quy định, quy trình rất ngặt nghèo về an ninh tuy nhiên anh cũng cảm thấy rất vinh dự, tự hào.

Bên cạnh đó, công việc với giờ giấc thất thường khiến anh Bùi Thái Sơn nhiều lúc phải ‘cáo lỗi’ với vợ con, gia đình.

Anh nói: ‘Có những dịp quan trọng của gia đình như: Sinh nhật người thân, con trai biểu diễn trong lễ tổng kết năm học… tôi đều không thể tham gia. Thậm chí, con trai thứ 2 chào đời, tôi cũng không thể ở cạnh vợ’.

Theo anh Sơn, vợ anh sinh sớm hơn dự định trong lúc anh đang có chuyến bay đến Busan (Hàn Quốc). Người bạn của anh phải đưa vợ anh vào viện sinh. ‘Khi máy bay đến Hàn Quốc thì tôi nhận được tin nhắn của vợ là con đã chào đời’, anh kể.

Những chuyến đi vào các ngày lễ, Tết cũng cho anh nhiều trải nghiệm khó quên.

‘Đó là lần chuyến bay của tôi khởi hành vào tối giao thừa. Máy bay cất cánh từ Hà Nội bay qua Nam Ninh, Quảng Châu, Hồng Kông (Trung Quốc). Dọc đường pháo hoa rực sáng cả bầu trời.

Trước đây, ngày bé những đêm giao thừa xem pháo hoa, chúng tôi đều từ dưới đất hướng nhìn lên bầu trời. Lần này, tôi có cơ hội ngắm pháo hoa từ trên không trung nhìn xuống, có lẽ cảm giác này chỉ có phi công mới được trải nghiệm’, anh cười nói.

Cơ trưởng Tô Ngọc Giang - Đoàn trưởng Đoàn bay 919, cũng có cảm xúc đặc biệt những lần đi làm vào dịp lễ Tết. 'Đó là các chuyến bay đưa Việt kiều, người xa quê về Việt Nam đoàn tụ cùng gia đình, đón Tết.

Có những người mấy chục năm xa quê, nay mới trở về. Ở trên máy bay, khi nhìn thấy tiếp viên trong tà áo dài, nghe giọng nói của người Việt, ăn món ăn của quê hương... họ đã rất xúc động.

Xuống đến Hà Nội, không khí những ngày giáp Tết rất rõ ràng với sương mù, trời se lạnh đặc trưng cái Tết của người miền bắc khiến nhiều người rơi nước mắt.

Các cụ rất xúc động, xuống máy bay, bắt tay cảm ơn các phi công, tiếp viên rồi chụp ảnh, chúc mừng nhau vào những ngày sắp sang năm mới', anh Giang kể lại.

Cơ trưởng kể về chuyến bay nghẹt thở giải cứu người Việt ở Thái Lan

Cơ trưởng kể về chuyến bay nghẹt thở giải cứu người Việt ở Thái Lan

20 năm cầm lái, cơ trưởng Tô Ngọc Giang - Đoàn trưởng Đoàn bay 919 của Vietnam Airlines còn nhớ rõ kỷ niệm về chuyến bay đặc biệt.  

Ngọc Trang - Nguyễn Thảo