Qua khỏi cổng nghĩa trang nghệ sĩ đi thêm vài bước nhìn về bên phải, cổng chào "phần mộ NSND Phùng Há" như chào đón mọi người đến viếng. Bước vào bên trong, nấm mồ hình lục giác nằm trước nhà bia với ảnh chân dung vừa trang nghiêm vừa rực rỡ.

Mê cải lương, mê cả đào hát

NSND Phùng Há tên thật là Trương Phụng Hảo (1911-2009). Sống gần trọn một thế kỷ, bà là người được xem là một trong những vị tổ của bộ môn nghệ thuật cải lương Việt Nam.

{keywords}
Cổng chào vào mộ NSND Phùng Há

{keywords}
Mộ phần NSND Phùng Há ở nghĩa trang nghệ sĩ

Bà đến với cải lương từ rất sớm. Năm 13 tuổi, gánh hát Tái Đồng Ban được thành lập và ông bầu gánh Hai Cu mời bà tham gia với vai trò đào chính cùng với kép chính Năm Châu.

Vai diễn đầu tiên trong sự nghiệp ca hát của bà là đó là vai Giả Thị trong vở cải lương "Hoàng Phi Hổ quy Châu" của soạn giả Nguyễn Công Mạnh. Tiếp theo sau còn nhiều vở tuồng bà đóng cặp với Năm Châu rất được công chúng hoan nghênh và tán thưởng.

Năm 1926 cùng với Tư Chơi, Năm Châu về đầu quan cho gánh Trần Đắc. Cũng trong năm này bà kết hôn với Tư Chơi nhưng cuộc tình chóng vánh, chỉ 2 năm sau bà ly dị.

{keywords}
Mộ Bạch công tử (thứ 2 từ trái sang)

Vào một đêm diễn năm 1929, sau khi vở tuồng Mạnh Lệ Quân thoát hài do bà thủ vai Mạnh Lệ Quân kết thúc, bà Phùng Há ra cửa sau ra về bất ngờ gặp Bạch công tử đứng đợi tự bao giờ.

Bắt tay cô đào hát và làm quen để từ đó, cứ mỗi đêm ở hàng ghế đầu tiên chàng công tử hào hoa say sưa thưởng thức tài nghệ ca diễn của cô bảy Phùng Há.

Cũng xin nhắc lại, trong thời gian được cho qua Pháp du học, Bạch công tử vốn là người mê nghệ thuật đã theo học ngành sân khấu để rồi khi về nước ông đã cùng người bạn là Nguyễn Ngọc Cương lập ra gánh Phước Cương. Gánh hát Phước Cương quy tụ được rất nhiều đào kép nổi danh được mời đi lưu diễn khắp nơi như Hà Nội, Hải Phòng và thậm chí cả bên Pháp.

Gặp được bà Phùng Há, Bạch công tử quyết tâm đầu tư. Sau khi kết hôn với bà, Bạch công tử đã tách ra khỏi gánh hát Phước Cương để thành lập gánh hát Huỳnh Kỳ và giao cho vợ là bà Phùng Há làm bầu.

{keywords}
Bà Phùng Há thời còn trẻ (ảnh internet)

Đây là gánh cải lương có quy mô lớn ở vùng Lục tỉnh Nam kỳ. Bạch công tử cho xây dựng rạp hát lớn nhất trong vùng cũng với tên Huỳnh Kỳ, bên cạnh ngôi nhà của ông tại Mỹ Tho để làm nơi biểu diễn thường xuyên.

Dưới sự điều hành của bà Phùng Há, vốn liếng tiền bạc dồi dào cùng với kiến thức có được từ những năm du học của Bạch công tử, chẳng bao lâu gánh hát Huỳnh Kỳ trở thành tâm điểm thu hút rất nhiều khán giả.

Có thể nói vào thời điểm thập niên 1930, với sự đầu tư về kỹ thuật về vốn liếng và niềm đam mê nghệ thuật cải lương, Bạch công tử đã đưa gánh hát Huỳnh Kỳ và nhà hát Huỳnh Kỳ lên đến đỉnh cao của sự nghiệp.

{keywords}
Lúc về chiều (ảnh internet)

Ở miền Tây khi sự phát triển về giao thông chưa cao thì giao thông thủy là phương cách hữu hiệu nhất.

Theo các tài liệu còn ghi lại, trong khi các gánh hát khác di chuyển bằng ghe chèo Bạch công tử đã trang bị cho gánh hát Huỳnh Kỳ một lúc 3 chiếc ghe máy đồ sộ.

Mỗi lần di chuyển, đoàn ghe của gánh hát Huỳnh Kỳ xem không khác một đoàn du thuyền trên sông. Chiếc đầu tiên có lầu. Phía trước ghe có cột cờ trên đó có lá cờ vàng biểu tượng cho 2 chữ Huỳnh Kỳ. Bạch công tử và Phùng Há có mặt trên ghe này.

Ghe kế tiếp dành cho đào kép được ngăn thành nhiều phòng, nhiều ô cửa sổ, có bếp ăn, chỗ vệ sinh. Chiếc thứ ba thì chở thầy đờn, nhân viên phục vụ và cả một đội bóng. Mỗi khi gánh hát đi tới đâu, Bạch Công tử cho đào kép lên bờ đứng xếp hàng và bắt tay xã giao với chính quyền địa phương.

Mang tiếng ăn chơi nhưng ít ra trong giai đoạn này ở lãnh vực nghệ thuật, Bạch công tử cũng đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển của cải lương trong thời kỳ phôi thai.

Kết cục thê thảm

Gánh hát Huỳnh Kỳ tiếp tục phát triển. Với thực lực hùng hậu không gánh hát nào bì kịp, Huỳnh Kỳ đi lưu diễn khắp nơi. Khán giả từ những nơi heo hút nhất hàng đêm đã bơi ghe đến xem. Ghe của khách neo chật cả bến.

{keywords}
Bà Phùng Há (ngồi) trong vở diễn cùng NS Năm Châu (ảnh internet)

Vở tuồng ăn khách nhất của gánh Huỳnh Kỳ là Giọt máu chung tình, do Năm Thiên đóng vai Võ Đông Sơ và Phùng Há vai Bạch Thu Hà. Không chỉ để lại dấu ấn trong lòng người dân miền sông nước, gánh Huỳnh Kỳ của Bạch Công tử còn thu hút được khán giả Sài Gòn và các vùng lân cận.

Cuộc tình của Bạch công tử và cô bảy Phùng Há hạnh phúc được nhiều năm. Kết tinh của niềm hạnh phúc đó là sự ra đời của 2 mụn con kháu khỉnh: con trai Paul Lộc và con gái Suzane.

Thế nhưng dường như đó chỉ là giai đoạn tạm dừng của những cuộc ăn chơi. Sau 7 năm với những thành công có được từ sự miệt mài lao động, Bạch công tử lại trở về với những cờ bạc, rượu chè, gái gú không quan tâm chăm chút gánh hát như trước nữa.

Gánh Huỳnh Kỳ rơi vào tình trạng không người cai quản. Trong khi bà Phùng Há một nách 2 con còn phải lo về phần nghệ thuật biểu diễn thì công việc điều hành đoàn hát của Bạch công tử bị bỏ ngõ.

Như rắn mất đầu, mạnh ai nấy làm khiến gánh hát càng ngày càng suy sụp. Đào kép bỏ đi. Hàng ngày, bà Phùng Há ôm con nằm chơ vơ trên những chiếc ghe mà gánh hát neo gần cầu Ông Lãnh.

Hai con nhỏ bị bệnh. Tiền bạc không còn. Bà ôm con tìm chồng thì bất ngờ, bà chứng kiến Bạch công tử đang ôm ấp một cô gái đep trong khách sạn. Chẳng những không hối lỗi, Bạch công tử còn quát mắng bà. Đứa con trai Paul Lộc bệnh nhưng không có thuốc men nên đã chết sau đó. Vậy mà Bạch công tử vẫn cứ chìm đắm trong u mê.

Bà bảy Phùng Há quyết định ly dị với Bạch công tử sau 7 năm chung sống. Đứa con gái Suzane sau đó cũng chết. Theo như những người yếu đuối khác sẽ suy sụp và buông xuôi, bà Phùng Há mạnh mẽ gượng đứng lên gầy dựng lại từ đầu để đến hôm nay, hình ảnh bà luôn luôn ngự trị trong lòng khán giả ái mộ cải lương.

Với Bạch công tử, bản chất ăn chơi vô độ đã bán hết tài sản mình có được. 4 chiếc ghe, ngôi nhà ở Mỹ Tho, rạp hát Huỳnh Kỳ lần lượt đổi chủ. Rạp Huỳnh Kỳ sau đó thành rạp Lê Ngọc rồi rạp Mỹ Tho cuối cùng là rạp Viễn Trường.

Tài sản của ông đốc phủ Sủng cũng lần lượt ra đi để cuối cùng Bạch công tử chìm đắm trong nghèo đói và nghiện ngập.

Những ngày cuối đời Bạch công tử thường lang thang ở vườn Ông Thượng (công viên Tao Đàn ngày nay). Vẫn còn một chút tự trọng, ông kiên quyết không nhờ vả xin xỏ ai. Một người trước đây đã từng chịu ơn ông đã đưa ông về nhà ở Chợ Gạo nuôi dưỡng và chăm sóc. Chỉ vài tháng sau, đầu năm 1950, Bạch công tử qua đời.

Ông được an táng trên một khu đất mà trước đây ông từng là sở hữu chủ. Người chôn cất ông chỉ mới kịp làm một nấm mồ đất, không bia cho mãi đến năm 1999, bà Phùng Há nghĩ đến tình nghĩa cũ trở về tìm lại ngôi mộ của chồng và 2 con. Bà xin được lấy cốt Bạch công tử hỏa táng đem tro về thờ ở nghĩa trang nghệ sĩ nhưng không được đồng tình. Bà đành lấy cốt 2 con về để trong nghĩa trang nghệ sĩ.

Qua câu chuyện Bạch công tử, nhiều người tỏ ý tiếc. Giá như biết dừng đúng lúc thì cái kết cục của đời ông không thê thảm đến thế.

Trần Chánh Nghĩa