Ông Nguyễn Văn Trung, 54 tuổi, (TP Biên Hòa, Đồng Nai) là một người nông dân giỏi về nuôi cá, từng nhiều năm đạt danh hiệu "Nông dân giỏi". Sau nhiều năm nuôi cá thuận lợi, ông Trung đã tích cóp được một khoản tiền để dưỡng già và thực hiện tâm nguyện đi du lịch xuyên Việt của mình.

Vào đầu năm 2020, ngay sau khi đợt dịch Covid-19 đầu tiên ở Việt Nam được kiểm soát, ông Trung mang chiếc xe Honda đời 2009 của mình đi sửa để bắt đầu hành trình xuyên Việt. Đồ đạc ông mang theo chỉ vài bộ quần áo, đồ sửa xe và một ít thuốc cảm cúm thông thường.

{keywords}
Ông Trung bên cạnh chiếc xe đã hơn 10 năm tuổi đi khắp đó đây.

Xuất phát từ TP Biên Hòa (Đồng Nai) ông chạy thẳng tới Đà Lạt (Lâm Đồng) rồi mới nghỉ. Những ngày sau ông vượt đèo Khánh Lê tới Nha Trang (Khánh Hòa), Tuy Hòa (Phú Yên), Quy Nhơn (Bình Định). Tiếp đến ông chọn đường Trường Sơn đi ra tới Quảng Bình, Thanh Hóa, Hòa Bình... Sau 3 chuyến đi, ông Trung có chuyến đi xuyên Việt gần nhất vào tháng 3 - 4/2021.

Mỗi lần đi ông đều chọn những cung đường khác nhau để có thể đi hết các điểm du lịch cũng như các tỉnh, thành Việt Nam. Do dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp nên không phải chuyến đi nào của ông cũng thuận lợi.

Vào chuyến đi thứ tư của mình, khi ông tới Quảng Ngãi thì dịch bùng phát ở Đà Nẵng. Ông phải đi đường khác để đến Huế, nhưng do đường nhỏ khó đi ông đã bị lạc và phải ngủ lại trong rừng. Đến sáng hôm sau ông nhờ sự hỗ trợ của người bản địa mới ra tới đường chính. Lo ngại dịch bệnh nên ông quyết định quay lại Quảng Ngãi để thăm đảo Lý Sơn rồi kết thúc chuyến đi và trở về nhà.

Để mỗi chuyến đi được suôn sẻ, ông Trung luôn chuẩn bị thật tốt về tâm lý, sức khỏe và điều quan trọng là bình tĩnh xử lý các trường hợp xảy ra trên đường đi.

Do trước đây làm nghề nông nên ông Trung đã quá quen với sương gió, vất vả. Bên cạnh đó, ông cũng thích bơi lội và đá bóng nên có nền thể lực rất tốt ở tuổi U60.

Tất nhiên trong các chuyến đi, ông cũng đôi lần bị hỏng xe hay lạc đường nhưng ông đều xử lý sự cố ổn thỏa. Điều làm lão nông ưa "xê dịch" này nhớ nhất là thời tiết giá lạnh của miền Bắc. Có lúc ông bị cảm lạnh trên đường nhưng nhờ sức khỏe tốt, ông chỉ uống thuốc là khỏi, không ảnh hưởng tới chuyến đi.

{keywords}
Mộc Châu, Sơn La một trong những nơi ông Trung đã đặt chân tới.

Lão nông cho biết mỗi ngày ông di chuyển từ 200 đến 400 km tùy vào từng địa phương đi qua có địa điểm du lịch hay không. Ban ngày trên đường đi ông thường ghé các danh lam thắng cảnh để tham quan tìm hiểu về các địa điểm nổi bật mỗi tỉnh thành.

Tối đến ông tìm chỗ nghỉ chân thường là các nhà nghỉ bình dân giá khoảng 200-300 nghìn đồng/đêm, mở bản đồ trên điện thoại nghiên cứu cho cung đường hôm sau đi. Ngoài ra, đi tới đâu ông đều tranh thủ thưởng thức các món đặc sản địa phương ở nơi đó.

Chuyến đi của ông Trung thường gói gọn trong vòng một tháng và chi phí khoảng từ 15-20 triệu đồng. Lão nông cho biết kinh phí không quá quan trọng trong chuyến đi của mình, bởi trước khi đi ông đã lên kế hoạch dự trù kinh phí sao cho chuyến đi vui an toàn, ý nghĩa và không lãng phí là được.

Ông Trung cũng chia sẻ về lý do mọi chuyến đi đều độc hành của mình bởi bạn bè cùng tuổi lại không có thời gian và đam mê giống ông. Đi với người trẻ thì ông không đủ sức khỏe để theo.

"Đi một mình cũng thoải mái lắm, thích đi chỗ nào thì đi, muốn dừng chỗ nào thì dừng. Nếu đi đông thì không làm được điều đó, bởi vì đông người không quyết theo ý mình được", ông Trung cho biết.

{keywords}
Ông Trung dự kiến khi dịch bệnh được kiểm soát sẽ tiếp tục chuyến đi thứ 5 của mình.

Qua những chuyến đi, ông Trung không chỉ được tận mắt chiêm ngưỡng những cảnh đẹp của đất nước mà còn cảm nhận được tình cảm của những người dân bản địa nơi ông từng đi qua.

"Sau khi nước ta kiểm soát được đại dịch thì tôi lại tiếp tục lên đường cho chuyến đi thứ 5 của mình. Lần này tôi dự tính đi tới Móng Cái (Quảng Ninh) rồi một số nơi chưa được đặt chân tới", ông Trung nói.

Theo Dân Trí

Ông bố "độ" ô tô thành quán cà phê di động, đưa vợ con du lịch khắp nơi

Ông bố "độ" ô tô thành quán cà phê di động, đưa vợ con du lịch khắp nơi

Để thoát khỏi cuộc sống gò bó vì dịch Covid-19, anh Trọng đã cải tạo chiếc xe tải thành "ngôi nhà di động", đưa vợ con vừa đi du lịch vừa kết hợp bán cà phê.