Thôn Tân Hiệp, xã Cam Tuyền, Cam Lộ, Quảng Trị được người dân địa phương gọi bằng cái tên khác là: Làng cưa bom.

Ông Hoàng Liên Sơn, Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền cho biết, trước đây, vì cuộc sống còn khó khăn, hầu hết người dân Tân Hiệp sống bằng nghề đi gỡ bom lấy đồng, sắt bán kiếm thu nhập. Nhưng hiện nay, chỉ còn một vài người làm, vì phế liệu ít và họ nhận thấy sự nguy hiểm từ công việc.

{keywords}
Thôn Tân Hiệp còn có tên gọi khác là Làng 'cưa bom'.

Ông Trần Văn Đậm, 60 tuổi trước đây từng làm nghề cưa bom nhưng nay đã nghỉ hưu. 10 giờ trưa, đàn bò 4 con đã no bụng, ông lùa về chuồng đóng cổng lại cẩn thận. Thay quần áo, rửa tay chân xong, ông vào bếp nấu cơm ăn.

Vợ mất, các con đã có gia đình riêng, ông Đậm phải tự chăm sóc mình. Được các con hỗ trợ tiền ăn uống, sinh hoạt, ngày ngày ông làm bạn với đàn bò, đàn gà vịt gần trăm con.
Ông Đậm kể, trước đây ông đi bộ đội. Hòa bình lập lại, ông cùng vợ đến thôn Tân Hiệp xây nhà ở.

Tân Hiệp những năm sau giải phóng bom, đạn pháo lăn lóc trên mặt đất. Ruộng rẫy chưa được khai hoang, vì đất bị nhiễm bom mìn. Cái nghèo cứ bủa vây, người dân nơi đây đánh liều gỡ bom, loại bỏ thuốc nổ để lấy đồng, sắt bán.

{keywords}
Ông Đậm cho biết, ông là người may mắn khi cưa bom nhưng không có tai nạn xảy ra.

Ban đầu, chỉ một vài người làm. Thấy nhà này kiếm được tiền từ bom đạn, nhà kia cũng làm theo. Rồi cả làng ai cũng đua nhau đi làm. Nhìn người ta gõ bom, ông Đậm cũng học lỏm làm theo.

‘Gặp bom nổ sẽ chết, hoặc tàn phế. Nhưng đói quá, ruộng vườn không có, đắt cằn cỗi, mình phải mạo hiểm thôi’, ông Đậm nói.

Đồ nghề của ông Đậm là búa tạ, xà beng và vài cái ve. Những ngày mới vào việc, ông Đậm tháo các quả đạn pháo nhỏ . Ông dùng búa ghè quanh đầu đạn cho rơi gỉ sắt, rồi dùng tay vặn đầu đạn ra.

{keywords}
Vỏ bom đã bỏ hết thuốc nổ.

‘Lúc đầu mới tháo, tôi run lắm. Khi tháo nhiều quả đạn thành công, tôi mới gan lỳ hơn’, ông Đậm nhớ lại. 

Nhiều năm trong nghề, ông Đậm đúc kết, các quả đạn pháo có cấu tạo giống nhau, chỉ cần tháo được đầu đạn, lấy hết thuốc nổ ra là xem như an toàn. Chính vì biết được quy trình tháo bom, đặc điểm của các loại bom, pháo mà suốt những năm làm nghề, ông Đậm không gặp tai nạn vì bom nổ.

{keywords}
Những vỏ bom lâu năm đã gỉ sét.

Sau hơn 7 năm làm nghề, ông Đậm cho phép mình ‘nghỉ hưu’, vì thấy, công việc đang làm rất nguy hiểm. ‘Nhiều người ở làng tôi bỏ mạng, tàn phế vì nghề này lắm. Tôi là người may mắn’, ông Đậm nói.

Con trai ông Đậm lớn lên, thấy nhiều người trong làng kiếm tiền nhàn rỗi từ nghề tháo bom cũng đi theo. Lường trước được những nguy hiểm, ông Đậm can ngăn con, nhưng không được. ‘Cháu nói, người ta làm được thì mình cũng làm được’, ông bố sinh năm 1959 nói.

Cách nhà ông Đậm mấy căn là căn nhà cấp bốn của ông Võ Văn Trực. Ông Trực trước đây cũng làm nghề nhặt phế liệu từ chiến tranh. 9 năm trước, khi ông đang đi rà phế liệu thì một quả đạn M79 phát nổ. Ông Trực bị nát cả vụn xương chân phải, phải cưa lên sát đầu gối.

{keywords}
Bà Xuyến cho biết, cuối những năm 90 mỗi ngày bà mua lại vài tấn phế liệu. Có tháng bà mua được đến hơn 150 tấn phế liệu từ bom đạn. 

Mang câu chuyện tai nạn của người hàng xóm, ông Đậm phân tích cho con trai về những nguy hiểm do pháp đạn, bom gây nên. ‘Thằng bé làm được hơn hai lăm thì nghỉ. Giờ cháu đã có vợ con’, ông Đậm kể.

Vợ chồng bà Trần Thị Xuyến là người thu mua vỏ pháo, bom đạn ở Tân Hiệp từ năm 1994 đến nay. Bà Xuyến kể, chồng bà là ông Phạm Văn Phương thời trẻ thường đi nhặt sắt, tháo bom về bán phế liệu. Quả bom to nhất ông Phương tháo nặng 240 kg. Tháo thuốc nổ bên trong ra hết ông một mình lăn đi bán phế liệu.

‘Khi tháo bom, ông ấy thường lăn xuống nước để tránh rủi ro’, bà Xuyến kể. Làm nghề khoảng 4-5 năm, ông Phương nghỉ. Sau đó, hai vợ chồng ông gom vốn mua phế liệu.

{keywords}
Con gái bà Xuyến hiện đang phụ ba mẹ thu mua vỏ bom đạn.

Bà Xuyến cho biết, những năm đầu hai vợ chồng mới thu mua, người bán đến rất đông. Có ngày bà mua được 5-6 tấn sắt, đồng từ vỏ bom đạn. 3-4 ngày thì có 2-3 chiếc xe tải đến chở đi bán cho những nơi tiêu thụ.

‘Bây giờ, việc mua bán đìu hiu lắm. Ngày cao nhất tôi mua được 1 tạ phế liệu. Có ngày chỉ mua được mấy cân. Việc mang vỏ bom, đan đi tiêu thụ cũng rất khó’, bà Xuyến thở dài.

Việc buôn bán ế ấm, bà Xuyên phải bán thêm nước uống, rau củ, thịt cá tại nhà kiếm thêm thu nhập. Còn ông Phương nuôi thêm đàn bò, ngày ngày dẫn ra đồng cho ăn cỏ, rảnh lại lai rai với mấy người trong xóm. Việc mua bán vỏ bom đạn ông để lại cho vợ con quản lý.

Ngồi trong căn nhà cấp bốn nhìn ra con đường làng đổ bê tông sạch đẹp, hai bên là những căn nhà ngói khang trang, ông Đậm cho biết, giờ đây, Tân Hiệp đã khác xưa. Đời sống của người dân khá lên nhờ phát triển chăn nuôi, trồng rừng, các con đi làm ăn xa...

Theo số liệu khảo sát của Bộ Quốc phòng, đến năm 2017, diện tích đất còn ô nhiễm bom mìn, vật liệu nổ ở Quảng Trị chiếm gần 82% tổng diện tích đất toàn tỉnh, đứng đầu cả nước về diện tích ô nhiễm. Hiện nay, dù nhiều cơ quan phòng chống tai nạn, rà phá bom mìn hoạt động, tuy nhiên hiểm họa tiềm ẩn của nó vẫn luôn rình rập, khó lường.

Buồng hạnh phúc xung quanh toàn sắt thép của cặp đôi Trà Vinh

Buồng hạnh phúc xung quanh toàn sắt thép của cặp đôi Trà Vinh

 Ngủ giữa trời, có nguy cơ đối diện với các con nghiện, trộm cắp rồi mưa tạt… nhưng vợ chồng anh Dương chấp nhận, vì ở quê khó tìm việc.  

Tú Anh - Thanh Cường