Công tử Bạc Liêu sinh ra trong một gia đình giàu có. Nhưng muốn có được một gia sản đồ sộ đó, người cha của ông đã phải trải qua những ngày tháng lao động cực nhọc và miệt mài kinh doanh mới có được...

Tuổi thơ cay đắng

Ông Trần Trinh Trạch (1872 - 1942), cha của công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy gốc người Minh Hương. Tổ tiên ông theo tướng Trần Thượng Xuyên vào cù lao Phố (Biên Hòa) trụ lại và lập nghiệp. Sau đó, cha ông chạy về ấp Cái Dầy (xã Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) tìm đất khẩn hoang và hạ sinh ông tại đây.

{keywords}
Tượng đồng ông bà Trần Trinh Trạch

Công cuộc khẩn hoang của gia đình ông Trạch không mấy suôn sẻ. Con còn nhỏ dại, không đủ lao động làm việc nên số ruộng đất khẩn hoang không được bao nhiêu. Cũng thời điểm này bệnh dịch xuất hiện khiến cha mẹ ông phải đem số ruộng khẩn hoang được cầm cố lấy tiền chữa bệnh cho con. Rồi tay trắng lại thành trắng tay.

Ông Trạch tuy còn nhỏ, khoảng 10 tuổi đi làm công cho một gia đình điền chủ có quốc tịch Pháp. Hàng ngày, ông chăn trâu cắt cỏ làm lụng như một đày tớ để rồi được trả công bằng những chén cơm thừa canh cặn.

Cuộc sống lam lũ như thế dần trôi được 2 năm. Đến năm 1881, chính quyền thực dân Pháp ra một quyết định, con những người Tây gốc Việt phải đọc và nói được tiếng Pháp. Trường dạy tiếng Pháp được mở ra nhưng con ông điền chủ lại không mặn mòi với việc học.

Ông điền chủ mặc dù có quốc tịch Pháp vẫn không muốn con học tiếng Pháp nên hàng ngày, "cậu Hai" được các thầy đồ đến nhà dạy chữ thánh hiền. Vì thế, cách hay nhất là tìm người học thế.

Ông Trạch được nhắm đến. Ông điền chủ gọi ông lên đưa cho ông mấy bộ đồ mới tinh bảo ông mặc vào và đi học. Công việc chăn trâu giao cho người khác.

{keywords}
Ông Trần Trinh Trạch (ảnh Internet)

Cầm mấy bộ đồ trên tay, ông Trạch vừa khóc vừa xin nhưng nào có được. Ông điền chủ dọa mày không đi học tao đuổi việc. Thế là nước mắt lưng tròng, ông Trạch miễn cưỡng tới trường nhưng ông có biết đâu, chính đây là bước khởi đầu để ông tạo dựng sự nghiệp sau này.

Được "thuê" đi học ông Trạch ngồi ở ghế nhà trường trong nhiều năm. Hàng ngày gia nhân chèo ghe đưa ông đến trường. Kết quả, ông tiếp thu được khá nhiều kiến thức, đọc và nói trôi chảy tiếng Pháp. Ông tốt nghiệp primaire (tiểu học) và sau đó, ông trở thành công chức của tòa hành chánh tỉnh Bạc Liêu.

Dường như tất cả đều có số mạng. Mấy ai có thể tin rằng một ngày nào đó, cậu bé chăn trâu Trần Trinh Trạch trở thành thư ký điền địa ở tòa tỉnh và là rể của một bá hộ.

Ông kết hôn với bà Phan Thị Muối là con gái thứ tư của bá hộ Phan Hộ Biết, người có nhiều ruộng nhất trong vùng và được mệnh danh là vua lúa gạo Nam kỳ.

{keywords}
Giấy chứng nhận cổ phần Việt Nam ngân hàng. (Ảnh ông Trần Trinh Trạch trên cùng phía bên phải). (Ảnh Internet)

Trong thời gian làm thư ký điền địa, hiểu biết về pháp luật, và cũng sẵn vốn liếng từ phía vợ, ông lần lượt thu gom nhiều ruộng đất của những địa chủ không may, trong đó có những anh chị em vợ của ông do mê cờ bạc bị phá sản.

Thầy ký Trạch xin thôi việc ờ tòa hành chánh tỉnh trở về làm địa chủ. Ông tiếp tục mua thêm nhiều ruộng đất và lấn sang lãnh vực ruộng muối. Theo tài liệu để lại, toàn tỉnh Bạc Liêu có 13 sở muối thì trong tay ông Trạch đã có tới 11 sở.

Gia sản đồ sộ

Thâu tóm được nhiều ruộng đất, thầy ký Trạch nghỉ làm cho Pháp để tiếp tục làm giàu. Ông đăng ký đấu thầu quản lý sở cầm đồ và trúng thầu. Ông nghiễm nhiên trở thành người hoạt động độc quyền cầm đồ tại Bạc Liêu. Tiếp tục đấu thầu, ông trúng thầu quản lý hãng rượu Bình Tây nắm độc quyền phân phối rượu tại địa phương.

Bước sang lãnh vực địa ốc, ông có hai dãy phố lầu ở Bạc Liêu, một dãy phố lầu ở Sài Gòn trên đường La Grandière (trước là đường Gia Long, nay là đường Lý Tự Trọng).

 Chưa chịu dừng, ông bỏ vốn đầu tư sang lĩnh vực ngân hàng. Ngân hàng Việt Nam đầu tiên được ông đứng tên sáng lập cùng với nhiều doanh nhân khác vào năm 1927. Ông trở thành chánh hội trưởng của ngân hàng này. Trong thời gian này ông trở thành thành viên của Hội đồng Tư mật Nam kỳ (Conseil Preivé) nên thường được gọi là ông hội đồng Trạch.

Cung cách làm ăn của ông Trạch có thể nói là rất sòng phẳng. Nhờ vậy mà đất đai của ông ngày càng mở rộng. Sở hữu diện tích khoảng 200.000ha ruộng ngọt và mặn - vào thập niên 1920 -1930 - ông Trạch trở thành người giàu có nhất vùng.

Con người khi đã giàu có thì nghĩ ngay đến hưởng thụ. Ông cho xây dựng ngôi nhà đẹp nhất Nam kỳ vào lúc bấy giờ tại Bạc Liêu.

Ông thuê kiến trúc sư người Pháp vẽ kiểu, nhập toàn bộ vật liệu từ Pháp, đồ dùng từ Ý về trang bị cho căn nhà. Căn nhà đó đến nay vẫn còn và trở thành khách sạn Công tử Bạc Liêu và nhà lưu niệm Công tử Bạc Liêu.

 

{keywords}
Khách sạn Công tử Bạc Liêu, nơi trước đây là nhà ở của gia đình hội đồng Trạch

Thầy ký Trạch, hội đồng Trạch có một gia tài đồ sộ. Sống trên tiền bạc, nhung lua giàu sang, vợ chồng ông vẫn cần kiệm như thuở còn hàn vi.

Bữa ăn của ông bà chỉ toàn những món ăn dân dã, đơn giản. Ông không bê tha mèo mỡ. Ông bà sống với nhau đến cuối đời, có được 7 người con 3 trai 4 gái. Trong 3 người con trai, cậu ba Huy là được ông đặt nhiều kỳ vọng.

Năm 1942, sau khi mừng thọ 70 tuổi được 1 tháng, cậu ba Huy dự định đưa ông lên Sài Gòn ở tại khách sạn Majestic rồi đi ngắm biển Long Hải, Vũng Tàu trước khi lên Đà Lạt.

Ở Long Hải ông tắm biển quá lâu nên bị cảm lạnh. Cậu Ba Huy đưa ông về Sài Gòn, mời thầy thuốc đến chữa nhưng tuổi cao sức yếu, ông hội đồng Trạch qua đời.

Người xưa có câu không ai giàu ba họ. Đời ông giàu, đời cậu ba Huy giàu và cậu ăn chơi cho đến cuối đời để đến đời thứ 3, con cháu lâm vào ngõ cụt ... Âu đây cũng là điều để chúng ta cùng chiêm nghiệm.

Trần Chánh Nghĩa