Căn nhà cấp bốn, rộng hơn 20 m2 của ông Nguyễn Văn Mỹ ở trong con hẻm nhỏ phường Phú Hữu, Quận 9, TP.HCM. Bên hông nhà có hơn 50 ngôi mộ lớn nhỏ nằm san sát nhau. Trong nhà ông Mỹ cũng có một ngôi mộ nằm ở khu bếp nấu, tồn tại mấy chục năm qua.

Ngoài phòng khách, chiếc giường ngủ của ông Mỹ đặt bên cửa sổ, nhìn ra ngoài là hai ngôi mộ nằm cạnh nhau.

Ông Mỹ cho biết, ông nằm ngủ ở đó đã hơn 40 năm, nhưng thấy cuộc sống, công việc bình thường. ‘Tôi chỉ sợ bị trộm, người xấu đột nhập vào nhà thôi’, cụ ông sinh năm 1939 nói.

{keywords}
Ông Mỹ năm nay 81 tuổi, sống một mình hơn 18 năm qua.

Ông Mỹ quê gốc Thái Bình. Năm 1945, ông cùng bố mẹ di cư vào Sài Gòn sống. Khi lập gia đình, vợ chồng ông sinh lần lượt 10 người con.

Vợ chồng ông từng có nhà vườn nằm ở trong khu dân cư phường Phú Hữu. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông cùng vợ đi xây dựng vùng kinh tế mới ở Tây Ninh. ‘Vợ chồng tôi lên đó được một thời gian thì không chịu được sốt rét, công việc bấp bênh nên quay lại Sài Gòn’, ông Mỹ nhớ lại.

Vì đã bán đi căn nhà cũ nên khi quay lại, họ không còn nhà để ở. Hai vợ chồng đến khu nghĩa trang vốn hình thành từ trước năm 1975, xây nhà trên khoảng đất trống.

{keywords}
Chiếc giường ngủ của ông Mỹ đặt ở cạnh hai ngôi mộ, chỉ cách nhau một bức tường.

Căn nhà rộng hơn 20 m2 trở thành nơi ở của cả gia đình 12 thành viên. Sau này, khi có gia đình riêng, các con ông chuyển đến Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước và Long An sống. Căn nhà cấp bốn chỉ hai vợ chồng ông ở.

Năm 2002, bà mất, ông ở một mình. ‘Các con phải lo cho gia đình, vợ con. Tôi đã lớn tuổi nên khó tính. Có khi tôi thích ăn mà con không cho ăn cũng không được. Hoặc có khi tôi không muốn ăn mà con nó cứ ép ăn cũng không được. Thôi thì, tôi sống một mình cho khỏe’, ông Mỹ nói về lý do sống một mình hơn 18 năm qua.

Cụ ông cũng cho biết, dù sống một mình nhưng lúc nào ông cũng thấy vui vì có hàng xóm giúp đỡ, qua trò chuyện cùng.

Buổi sáng, ông cắm một nồi cơm ăn cả ngày. Chợ ở gần chỗ ở, thích ăn gì, ông đi bộ ra mua, hoặc nhờ hàng xóm ra mua giúp. Lúc bị các căn bệnh tuổi già, ông nhờ mấy người hàng xóm đi mua thuốc, chở ra trạm y tế gần nhà khám. ‘Tôi ở một mình nhưng không bao giờ cô đơn’, ông Mỹ nói.

{keywords}
Ông Mỹ cho biết, vì không muốn làm phiền các con nên ông sống một mình.

Đại diện UBND phường Phú Hữu cho biết, nghĩa trang nơi ông Mỹ ở nằm trong khu dân cư nên thuộc diện giải tỏa. Trong những năm qua, hầu hết các ngôi mộ đã được dời đi để người dân xây nhà ở. Hiện còn khoảng hơn 50 ngôi mộ, chính quyền địa phương đang vận động thân nhân người mất dời đi nơi khác, trả lại không gian cho khu dân cư.

Ông Mỹ cũng cho biết, ở gần mộ người mất cũng có những bất tiện, đó là khi về đêm. Nghĩa trang không được rào chắn nên thường có những người nghiện đến ngồi hút chích, lẩn trốn khi bị truy đuổi.

‘Tôi nằm cạnh cửa sổ, bên ngoài có tiếng động là biết ngay. Nhiều người nói, ngủ bên mộ người mất sợ, nhưng tôi không thấy vậy. Mình chỉ cần ăn ở sạch, dọn dẹp mộ phần cho họ thì không sao. Hơn 40 năm tôi nằm ngủ ở đây nhưng tôi chỉ sợ người thôi’, cụ ông quê gốc Thái Bình nói.

Hai người nước ngoài nhặt cá đổ trên đường Sài Gòn giúp người lạ

Hai người nước ngoài nhặt cá đổ trên đường Sài Gòn giúp người lạ

Nhìn thấy người phụ nữ chở xe cá bị đổ giữa ngã tư, cặp đôi người nước ngoài dừng lại nhặt giúp.  

Tú Anh