- “Làm việc ở trên tàu tôi thường xuyên nhặt được điện thoại, máy tính. Cách đây hơn 1 tháng, có hành khách còn bỏ quên cả chiếc valy chứa nhiều trang sức giá trị”, nữ tiếp viên tàu Nguyễn Thị Bích Thảo nói.

Lá thư cảm ơn người tiếp viên tàu

Ngoài 2 năm công tác trên tuyến đường sát Thống Nhất, chị Lê Thị Tuyết Hạnh, (SN 1978) có 13 năm liên tiếp làm tiếp viên đường sắt Vinh (Nghệ An). Chị kể, ngoài chuyện gặp hành khách nói nặng lời, chị cũng thường xuyên gặp những hành khách tốt bụng, quan tâm, hỏi han.

{keywords}
Tiếp viên Lê Thị Tuyết Hạnh hướng dẫn khách lên tàu. Ảnh: Diệu Bình

“Có những hành khách dành một nụ cười, cái ôm hoặc thậm chí viết thư gửi về cơ quan chúng tôi để cảm ơn vì đã giúp họ tìm lại tài sản giá trị không may để quên trên tàu”, nữ tiếp viên tàu hỏa kể.

Chị Tuyết Hạnh cho biết, vào 12/2016 vừa qua, trên chuyến tàu NA1, chị nhặt được một chiếc túi xách của hành khách không may để quên.

“Đó là chuyến tàu đi hướng Hà Nội - Vinh, khi toàn bộ hành khách đã xuống tàu, tôi bắt đầu đi kiểm tra và vệ sinh lại toa tàu. Khi đến toa số 9, tôi phát hiện khách hàng để quên một chiếc túi xách lớn. Tôi đã báo cáo trưởng tàu, bảo vệ tàu để lập biên bản", nữ tiếp viên tàu nhớ lại.

{keywords}
Nữ tiếp viên tàu đang đón khách.

Sau khi mở chiếc túi xách, cả trưởng tàu, bảo vệ tàu và chị Tuyết Hạnh đều bất ngờ vì bên cạnh những giấy tờ tùy thân còn có một xấp tiền dày. Sau khi đếm, số tiền lên tới 40 triệu đồng.

Nhận thấy trong chiếc túi chứa tài sản giá trị, người trưởng tàu đã lập tức báo cho cơ quan.

Ngay trong đêm 18/12, một vị khách nữ đã bất ngờ xuất hiện, xin nhận lại chiếc túi và nhanh chóng rời đi.

Ít hôm sau, chị Tuyết Hạnh và đồng nghiệp trên tàu nhận một lá thư cảm ơn đầy xúc động của người chủ chiếc túi. Họ viết rằng, không thể tin có thể tìm được chiếc túi và số tiền giá trị ấy. Hôm trước, vì chút chuyện riêng, họ phải vội vàng đi nên không kịp nói lời cảm ơn. Lá thư ngắn gọn nhưng khiến những người làm tiếp viên tàu như chị Tuyết Hạnh vô cùng xúc động.

Nữ tiếp viên tàu cho hay, trên những chuyến tàu, nhân viên đều được thực hành các kỹ năng xử lý tình huống. Vì vậy, với việc phát hiện hành khách quên đồ, các tiếp viên sẽ báo cáo với trưởng tàu và bảo vệ tàu. Sau đó họ sẽ lập biên bản và kiểm tra tài sản có những gì rồi báo cáo về cho tổng công ty.

"Giúp người không mong được trả ơn"

Đồng quan điểm, chị Nguyễn Thị Bích Thảo, (SN 1979), tiếp viên tàu SE 5-6 Hà Nội khẳng định: "Trên các chuyến tàu, tình trạng hành khách bỏ quên đồ, điện thoại và các tài sản có giá trị diễn ra khá nhiều. Cách đây hơn một tháng, tôi còn nhặt cả một chiếc valy chứa đầy trang sức”.

{keywords}
Chị Nguyễn Thị Bích Thảo, (SN 1979), tiếp viên tàu SE Hà Nội.

Đó là chuyến tàu SE5-6, di chuyển từ Nghệ An  vào TP. Hồ Chí Minh ngày 30/11.

Hôm đó, một cặp vợ chồng cùng con nhỏ đi Ninh Thuận ở toa số 6. Khi tàu mới rời ga được khoảng 20 phút, con trai họ bị đau bụng, khóc dữ dội. Nữ tiếp viên tàu thấy vậy thì vội vàng hỗ trợ, giúp đỡ gia đình chăm sóc cháu bé.

Khi cháu bé ổn định, chị Thảo quay trở lại với công việc thường nhật.

Đến ga Tháp Chàm, (tỉnh Ninh Thuận), cặp gia đình kia vội vã bế con xuống tàu. Lúc này, nữ tiếp viên quay vào các buồng để dọn dẹp vệ sinh thì phát hiện một chiếc valy bị bỏ quên ở gầm giường.

“Ngay lúc ấy, tôi đoán chiếc valy này là của cặp vợ chồng kia. Có lẽ, sốt ruột vì tình hình sức khỏe của con nên bỏ quên. Tôi báo cáo ngay với trưởng tàu, rồi làm các thủ tục liên quan.

Trước sự chứng kiến của trưởng tàu và một số hành khách, chúng tôi mở chiếc valy ấy ra thì thấy rất nhiều tiền mặt và trang sức quý báu gồm: 6 đôi khuyên tai, 6 chiếc nhẫn, hai dây chuyền bạc, 3 dây chuyền cổ, 3 đồng hồ và thẻ gửi tiền ngân hàng.

Kiểm tra giấy tờ trong valy, chúng tôi còn phát hiện một số giấy tờ tùy thân có lưu số điện thoại và địa chỉ của chủ nhân. Sau khi bàn bạc, chúng tôi quyết định gọi theo số điện thoại đó để liên hệ, tuy nhiên, đầu dây bên kia không nhấc máy.

{keywords}
Hình ảnh các tiếp viên tàu Thống Nhất.

Vì từ ga Tháp Chàm, đoàn tàu phải di chuyển tiếp vào TP Hồ Chí Minh nên chúng tôi lập biên bản bàn giao chiếc valy kia lại cho bộ phận quản lý nhà ga. Nửa đêm, khi đang tranh thủ chợp mắt nghỉ ngơi, tôi nhận được cú điện thoại của người phụ trách nhà ga thông báo gia đình kia đã đến nhận lại tài sản”, chị Thảo kể.

Nữ tiếp viên tàu tâm sự, chị tâm niệm giúp người không mong được trả ơn. Vì thế dù nhiều lần hành khách nhận lại đồ của mình, họ ngỏ ý tặng tiền và quà nhưng chị đều từ chối.

Chị Thảo cho biết, trong 16 năm làm tiếp viên, ngoài việc nhặt được tiền và trang sức trên tàu, chị cũng chứng kiến có rất nhiều "ca khó" như chuyện phụ nữ chuẩn bị chuyển dạ, hay người già bị bạo bệnh. Nhưng theo chị, khó khăn nhất vẫn là cảm giác tận mắt chứng kiến những vụ tai nạn.

Chia sẻ về điều này, chị Thảo kể, mỗi vụ tai nạn đường sắt xảy ra đều khiến những nữ tiếp viên tàu như chị ám ảnh, day dứt. Vụ tai nạn vào dịp tết cách đây 4 năm là điển hình.

{keywords}
Nữ tiếp viên tàu đang dọn vệ sinh các buồng trên toa tàu. Ảnh: Hạnh Thúy

Chị Thảo kể, sáng 29 Tết, khi đoàn tàu đang di chuyển qua địa phận tỉnh Quảng Bình thì nhận được tin báo có người trên tàu vừa gieo mình xuống đường ray. Lúc này, tàu đã đi qua vị trí người nhảy xuống khoảng 2km.

Đó là một cô gái trẻ, khoảng 28 tuổi. Người yêu cô gái cũng có mặt trên chuyến tàu này nhưng ngồi ở một toa khác. Do mua vé tàu cận tết nên họ không mua được vé ngồi cạnh nhau. Khi tàu dừng bánh vì gặp sự cố, anh ta không hay biết bạn gái mình đã quyên sinh.

“Ngay khi xảy ra tai nạn chúng tôi đi điểm danh các hành khách trên toa để tìm ra tung tích người tự tử. Sau khi liên lạc được với bộ phận an ninh và người yêu của nạn nhân, chúng tôi lập tức đi bộ quay trở lại vị trí xảy ra sự cố.

Tới nơi, tôi và mọi người nhìn thấy hương khói nghi ngút trong cái rét căm căm cũng là lúc cơ quan chức năng đã lập xong biên bản vụ việc. Hình ảnh đó khiến tôi mất ngủ nhiều đêm liền", chị Thảo nhớ lại.

Cũng có trường hợp hy hữu mà nữ tiếp viên tàu này còn nhớ mãi, đó là khi đoàn tàu tới ga Gôi (Nghệ An), cả tổ tàu phát hiện một em bé khoảng 8 tuổi nằm giữa đường ray.

Tàu vẫn lao tới và lúc này những người trên tàu chỉ biết nhắm mắt cầu nguyện. Khi đoàn tàu dừng hẳn, bất ngờ em bé được tìm thấy ở giữa 2 toa, không một vết trầy xước. Lúc ấy, tất cả họ đều chạy đến ôm đứa bé trong vòng tay mà nước mắt rơi.

Tâm sự về công việc đặc biệt của mình, nữ tiếp viên chia sẻ: "Mỗi một chuyến tàu đều mang lại cho chúng tôi những cảm xúc khác nhau. 

Vì cuộc sống mưu sinh, chúng tôi phải xa gia đình, đặc biệt là dịp Tết đến, xuân về với nhiệm vụ đưa mọi người trở về đoàn tụ, sum vầy cùng người thân một cách an toàn. Mặc dù phải đối mặt nhiều rủi ro, nguy hiểm nhưng chưa lần nào chúng tôi có ý định bỏ nghề".

Giao thừa đẫm nước mắt của người đàn bà trên chuyến tàu cuối năm

Giao thừa đẫm nước mắt của người đàn bà trên chuyến tàu cuối năm

Thời khắc giao thừa, tôi di chuyển sang các toa gửi lời chúc mừng năm mới và mừng tuổi cho hành khách trên tàu. Đến ghế của người phụ nữ tầm 50 tuổi, tôi chợt khựng lại vì thấy bác đang khóc, đôi mắt đỏ hoe…

Gặp sự cố với khách, nữ tiếp viên tàu tái mặt

Gặp sự cố với khách, nữ tiếp viên tàu tái mặt

“Khi thấy tàu bắt đầu chuyển bánh, một người đàn ông chạy ra đòi mở cửa xuống ga. Tuy nhiên theo quy định an toàn tôi không đồng ý mở. Người này nổi nóng đòi đánh tôi', nữ tiếp viên tàu Thống Nhất chia sẻ.

Xúc động hình ảnh trung vệ Tiến Dũng miệng đổ máu, vẫn muốn 'chiến' đến cùng

Xúc động hình ảnh trung vệ Tiến Dũng miệng đổ máu, vẫn muốn 'chiến' đến cùng

Trong trận chung kết AFC 2018, mặc dù bị thương, đổ máu nhưng trung vệ Bùi Tiến Dũng vẫn ở lại chiến đấu cùng đồng đội đến những giây phút cuối cùng.

Bố mẹ thủ môn Bùi Tiến Dũng chúc mừng sinh nhật con

Bố mẹ thủ môn Bùi Tiến Dũng chúc mừng sinh nhật con

Bà Phạm Thị Điều - mẹ Tiến Dũng nghẹn ngào nói: "Sau trận chung kết, con cũng đã tròn 20 tuổi. Bố mẹ chúc mừng sinh nhật con. Chúc con sức khỏe, thành đạt trong sự nghiệp con đã chọn".

Hạnh Thúy - Diệu Bình