Dòng nước trên rạch Bà Tàng (P.7, Q.8, TP.HCM) đen ngòm. Mùi hôi thối thoang thoảng bốc lên. Con đò vẫn lầm lũi lao về phía trước. Thỉnh thoảng, một chiếc ghe nhỏ vụt ngang qua khiến con đò chòng chành. Anh lái cho đò đi chậm lại và báo với chúng tôi, 'mình ghé vào miếu này anh nhé'.

40 năm gắn bó với rạch Bà Tàng

Phải khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được anh, bởi hiện anh là người duy nhất ở vùng này làm nghề đưa khách sang sông. Con đò gỗ của anh khá dài. Đò có mái lợp và sức chứa có thể lên đến hơn 10 người.

{keywords}
Rạch Bà Tàng

Anh vạm vỡ nhưng thấp người. Nước da anh đen sạm. Gương mặt hiền lành phúc hậu. Vợ chồng anh có một con gái nhưng khác với những gia đình bình thường, anh chị không ở với con mà đón 2 đứa cháu ngoại về nuôi như con.

Hàng ngày, chị lo việc nhà và anh xuôi ngược trên rạch với con đò nhỏ. Tên anh là Nguyễn Xuân Huề, thường gọi là ông Sáu Huề, năm nay 55 tuổi.

'Thấm thoát mà đã 40 năm rồi đó anh. Tôi còn nhớ năm 1980 tôi bắt đầu đi theo ông nội. Hồi ấy chưa có đò máy. Ông nội tôi ngồi sau chèo và tôi ở trước mũi tiếp sức với ông. Rạch Bà Tàng lúc này còn sâu. Nước triều lên xuống không ảnh hưởng lắm nên chèo chống cũng đỡ vất vả', ông Sáu Huề nói.

Phía bên kia rạch Bà Tàng là một vùng đất bao la ngập chìm trong biển nước. Nơi đây chỉ có dừa nước và một số cây dại mọc xanh rờn. Không có người ở nhưng không hiểu tự bao giờ dọc theo bờ rạch lại mọc lên 6 ngôi miếu nhỏ thu hút khá đông người đến chiêm bái.

'Khách của chúng tôi là những người đi viếng miếu. Nhiều năm trước, khách tìm đến miếu cứ nườm nượp và nhờ thế mà ông tôi đủ sức nuôi tôi lớn khôn.

Tôi đi với ông được 10 năm thì ông mất. Lúc này cha tôi vốn là tài xế đường dài vừa nghỉ việc đã thay ông nội cùng tôi tiếp tục kiếp đưa đò. Khách càng lúc càng đông. Đi ngày có, đi đêm có. Số người làm nghề đưa đò như chúng tôi có thể hơn 10 người nhưng vẫn không đủ phục vụ.

6 ngôi miếu nhỏ giờ đây không còn ọp ẹp như thuở ban đầu. Nếu trước đây miếu là những chiếc chòi lá thì giờ đây đã xây bằng gạch. Có điện thờ, có nơi cúng bái quì lạy.

Cha tôi đưa đò một thời gian rồi ngã bệnh. Ông mất, tôi trở thành lái chính. Con đò nhỏ ngày xưa bây giờ đã có động cơ. Tiếng máy nổ thay cho sức người giúp tôi nhẹ đi phần nào sức lực'.

Nói đến đây, giọng ông Sáu Huề chùng xuống: 'Bây giờ ở rạch Bà Tàng này chỉ còn mình tôi đưa đò thôi anh ạ. Đồng nghiệp của tôi dần rơi rụng. Một số ít vì lý do sức khỏe. Còn lại đều vướng vào đỏ đen dẫn đến sạt nghiệp trắng tay. Thấm thoát đến nay đã 40 năm tôi qua lại trên con rạch này'.

Tiếng máy nổ nhỏ dần. Con đò chậm lại hướng mũi vào bờ. Chúng tôi cùng bước lên cầu dẫn vào miếu.

Nên sống bằng đồng tiền sạch

Đây là miếu Ngũ Hành 5 Mẹ hay còn gọi là miếu Cánh Đồng Hoang. Miếu này có từ rất lâu, có thể hơn 100 năm...

Trong 6 miếu dọc theo bờ rạch, miếu Cánh Đồng Hoang đông khách hơn cả. Anh Sáu Huề cho biết, đi đò sang bên này bờ là chỉ để viếng miếu bởi ngoài miếu ra chung quanh không nhà cửa, dân cư.

{keywords}
Miếu Cánh Đồng Hoang

Khách đến miếu với mục đích duy nhất là tìm vận may qua một con số mà họ xin được để về ghi đề. Vì thế, tâm trạng của họ được thấy rõ qua gương mặt. Người vui đến miếu với mục đích tạ ơn do trúng đề nhờ xin số. Người buồn do thua quá nhiều nên đến miếu để mong được ơn trên chiếu cố.

'Khách có nhu cầu thì mình chở. Nhưng nếu chỉ đến để xin số thì mình không vui lắm. Số đề là hình thức cờ bạc. Mấy ai sống và giàu được nhờ số đề đâu. Vì thua quá, có người nợ ngập đầu cố tin vào điều huyễn hoặc để mong gỡ lại được nhưng có biết đâu càng đánh càng thua', ông Sáu Huề thở dài.  

Chúng tôi bước vào miếu. Miếu thật rộng. Khung cảnh trang nghiêm. Những pho tượng sừng sững trước lư hương nghi ngút khói. Nơi điện thờ 5 Mẹ, vài người khách đứng thật lâu lâm râm khấn vái.

Anh Sáu Huề nói tiếp: 'Miếu Cánh Đồng Hoang có tiếng linh thiêng, là nơi rất đông người tìm đến. Từ một vài lời đồn, lượng người viếng miếu nườm nượp. Nghe nói, nơi đây có lưu giữ hơn 30 bộ hài cốt. Những bộ hài cốt này đa số chết do tự vẫn. Người nhà đã đem hài cốt đến miếu nhờ lưu giữ.

'Thôi mình đi tiếp đi anh', anh Sáu Huề nói với chúng tôi - 'Lên đò, tôi sẽ kể cho anh nghe một vài trường hợp đau lòng mà những bộ hài cốt này đã gánh chịu khi còn là người sống'.

Đò nhổ neo ra giữa dòng. Trên rạch, rác nổi lềnh bềnh. Anh Sáu Huề bắt đầu câu chuyện bằng câu nói: 'Đồng tiền kiếm được bằng mồ hôi công sức của mình vẫn hay hơn. Nó sẽ bền vững hơn tiền từ trên trời rơi xuống, phải không anh?

Vậy mà, một số đồng nghiệp tôi vì lòng tham cũng vướng vào để giờ đây sa cơ lỡ vận. Tôi cố gắng giữ mình không để rơi vào hố sâu như họ'. Chúng tôi gật đầu đồng ý với anh và câu chuyện bắt đầu...

(Còn tiếp)

Giữa hồ rộng 7 ha, đàn ông Sài Gòn say sưa bắt cá

Giữa hồ rộng 7 ha, đàn ông Sài Gòn say sưa bắt cá

 Nghe thông tin trên mạng xã hội, anh Sơn (quận Bình Thạnh) mang cần, vượt đường xa đến hồ ngồi câu giữa trưa, mặc trời mưa.   

Trần Chánh Nghĩa