Nói ra thì khó ai tin, nhưng nó lại là sự thật. Một câu chuyện ở xứ chè nổi tiếng, chồng lấy vợ hai, ly hôn vợ cả nhưng vợ cả vẫn sống chung với chồng cũ và vợ mới của chồng!

Lĩnh lấy vợ được 5 năm thì phát hiện ra mình không có khả năng sinh con. Anh đi khám khắp trong Nam ngoài Bắc nhưng không một nơi nào cho anh được kết quả khả quan. Các bác sỹ khuyên anh nên nhận con nuôi hoặc thụ tinh nhân tạo thì mới có thể có đứa con của mình. 

Thời gian đó Lĩnh cảm thấy mọi thứ suy sụp khi bản thân anh là con trai duy nhất trong gia đình, tuổi cũng đã ngoài 30, bố mẹ cũng đã già, lấy vợ 5 năm rồi mà vẫn chưa có mụn cháu cho bố mẹ vui lòng, hàng xóm, bạn bè dị nghị khiến anh đã mệt mỏi lại càng thêm bế tắc.

Lĩnh bàn với vợ là Lý tìm cách có một đứa con ở bên ngoài và anh sẽ yêu thương nó như con của mình. Áp lực và mong muốn có một đứa con khiến vợ Lĩnh đồng ý ngay lập tức. Cuối cùng, sau hai tháng, vợ Lĩnh cũng mang thai. Khỏi phải nói mọi người trong gia đình vui mừng đến thế nào, cho dù cả nội ngoại hai bên đều biết Lĩnh vô sinh, nhưng vì mong muốn có con cháu cho vui nhà, “muốn có thằng cu chống gậy” nên bố mẹ Lĩnh vui vẻ bỏ qua cả chuyện “tò vò nuôi nhện” để yêu thương con dâu và cái thai trong bụng không khác gì máu mủ nhà mình.

{keywords}

Phần Lĩnh khi thấy vợ mang thai thì tâm trạng anh lại diễn biến theo chiều hướng khác. Lúc đầu anh vui lắm, nhưng đôi khi nghĩ lại cái thai không phải con mình, nghĩ đến cảnh vợ “lang chạ” với một gã nào đó mà mình không biết chỉ để có một đứa con. 

Chưa bao giờ Lĩnh hỏi vợ “gã đó là ai?”, nhưng trong lòng anh không khỏi thấy khó chịu về điều đó. Là tình cũ? Hay là đồng nghiệp? Là ai giữa những gã đàn ông mà Lĩnh biết? Gã sẽ nhìn Lĩnh như một thằng thất bại toàn tập và đang làm thêm một việc là nuôi con cho hắn, chấp nhận cho vợ đi chim chuột bên ngoài. Lần 1 chẳng lẽ lại không có lần sau, lần sau nữa?

Những suy nghĩ tiêu cực càng ngày càng lấn sâu vào tâm trí Lĩnh cho đến khi vợ anh sinh con. Lĩnh lấy cớ đi công tác để không phải nhìn thấy đứa trẻ ấy, dù cả gia đình đang hoan hỉ vì có thằng cu chống gậy, đích tôn thì Lĩnh vẫn thấy bản thân mình chẳng hề có chút liên quan đến đứa trẻ.

Lần đi công tác này Lĩnh vô tình gặp Ngọc, một người phụ nữ li hôn 3 năm và đang nuôi con một mình. Sự cô đơn, tổn thương và sự đồng cảm nơi Ngọc từ câu chuyện của Lĩnh khiến hai người gần nhau. Sau chuyến công tác 2 tháng ấy, Lĩnh và Ngọc thực sự đã yêu nhau. Lĩnh muốn sống với Ngọc chứ không phải với Lý. Dù Ngọc cũng có con riêng nhưng với Ngọc đó là chuyện “bánh đúc bày sàng” chứ không phải một âm mưu dối trá như Lý, cho dù Lĩnh đã từng đồng thuận.

Lĩnh nói muốn ly hôn với Lý. Cả hai bên gia đình đồng loạt bênh vực Lý, bố mẹ Lĩnh còn bảo sẽ không chấp nhận một đứa con dâu nào khác ngoài Lý. Tình yêu với vợ lúc này đã vơi cạn, cho dù có ở bên nhau cũng chỉ là cái xác không hồn. Lĩnh nói sẽ có trách nhiệm với vợ và con, nhưng anh xin vợ hãy kí vào đơn ly hôn để anh được tự do đến với người anh yêu.

Lý đau đớn khôn nguôi vì sự lạnh nhạt và bội bạc của chồng, nhưng trước sự cạn tình ấy, Lý không thể không kí vào lá đơn để giải phóng cho chồng. Bố mẹ chồng thấy con dâu đã chịu thiệt thòi lại phải chịu thêm chuyện li hôn nữa thì lại càng thương xót, không ngừng chửi bới con trai mình là loại bạc bẽo, sống không có tâm. Ông bà quyết định giữ Lý và con trai ở cùng và bảo không cần phải đi đâu hết, nhà cửa này sẽ là của Lý và con. Lý cũng vì tình cảm của bố mẹ chồng mà dày mặt ở lại nhà chồng cho dù cả hai đã li hôn.

Khi con trai Lý được 1 tuổi thì Lĩnh dẫn Ngọc về nhà ra mắt và xin bố mẹ cho phép cưới. Bố mẹ Lĩnh đùng đùng chỉ tay quát mắng và đuổi Ngọc ra khỏi nhà, nói sẽ không chấp nhận một đứa con dâu đã qua một đời chồng lại có con riêng như cô. Ông bà lại dỗ ngon ngọt con trai “mày lấy con Ngọc thì chẳng thà mày chăm con Lý còn hơn. Con con Ngọc thì ai chả biết là không phải con mình, nhưng con con Lý là đứa sau này sẽ thắp hương cho mày, sẽ là cháu đích tôn nhà này. Mày suy nghĩ cho thấu đi!”.

Lĩnh bỏ ngoài tai lời khuyên can của bố mẹ, quyết định chọn ngày cưới Ngọc. Anh chỉ xin bố mẹ có mặt trong ngày hôm ấy và làm đúng thủ tục cho Ngọc đỡ tủi thân, bố mẹ anh dù bực tức thế nào nhưng con trai mình thì vẫn không thể bỏ, cho dù trong lòng thương con dâu lắm!

Ngày cưới, mọi thủ tục diễn ra như mọi đám cưới khác. Chỉ lạ ở chỗ là vợ cũ cũng bế con tham dự lễ cưới, mặt như đưa đám, lúc chụp ảnh cũng đứng cạnh để chụp chung với cô dâu chú rể. Nhìn cảnh 1 ông 2 bà 2 đứa con khác máu tanh lòng đứng chung bức ảnh, khách dự tiệc cũng thấy bi hài.

Sau lễ cưới, Lĩnh dặn Ngọc nên ở lại nhà để làm dâu vài ngày cho phải đạo rồi sẽ ra ở riêng chứ không thể sống cảnh thế này được. Ngọc vì yêu chồng nên cũng chấp nhận cảnh làm dâu trong khi dâu cũ vẫn ngang nhiên ở chung với bố mẹ chồng, quả là điều xưa nay chưa từng có.

Bà mẹ chồng vốn ghét Ngọc nên cư xử nhất bên trọng nhất bên khinh ra mặt. Nhiều khi Lĩnh đi làm về là thấy vợ khóc rưng rức, tính ra nói chuyện với mẹ thì lại thấy vợ cũ và con trai đang tỉ tê với bà nội, Lĩnh cũng lấy làm ngán ngẩm. Anh quyết định không “báo hiếu” gì nữa, tìm thuê một căn nhà riêng rồi đón vợ và con riêng của vợ ra ngoài sống.

Thế là Lĩnh và Ngọc ở riêng, thi thoảng dịp lễ tết thì lại về nhà nội để thực hiện bổn phận, còn Lý và con trai vẫn ở chung với bố mẹ chồng, chuyện thật hiếm có khó tìm.

(Theo Công luận)