- Có 2 con trai đang định cư nước ngoài nên vợ chồng bà M. phải vào Trung tâm chăm sóc người cao tuổi để sống. Mùa Vu Lan đến, dù nhớ con da diết nhưng không thể gặp, bà đành phải cất nỗi nhớ chảy ngược vào trong.

“Nghĩ về cuộc đời mình tôi buồn đến thắt lòng”

Trong mùa Vu Lan nhưng không khí tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội III (xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội) khá tĩnh lặng. Cuộc sống cứ thế chậm chạp diễn ra bởi phần đông các cụ là những người tàn tật, sống đơn thân. Dù đã đi gần hết cuộc đời nhưng các cụ vẫn chưa có một ngày lễ Vu Lan trọn vẹn.

Ở Trung tâm này cũng có nhiều người, dù còn người thân, con cháu nhưng không nhận được sự quan tâm, chăm sóc nên đến đây để sống nốt những ngày tháng cuối đời.

{keywords}

Các cụ dù rất nhớ con cháu...

Đối với ông T. (76 tuổi), khi nhắc đến con cái, ông không nén nổi nỗi buồn: “Tôi không có con, tôi không cần đứa nào hết, tôi ở đây quen rồi. Ngày Lễ Tết chúng nó còn chẳng đến nói gì mấy ngày này”.

Nói rồi, ông đưa cánh tay lên gạt dòng nước mắt: “Mùa Vu Lan là lúc con cái hạnh phúc vì còn cha, còn mẹ, bố mẹ hạnh phúc vì được con cái báo hiếu. Nhưng mỗi lần nghĩ về cuộc đời mình tôi buồn đến thắt lòng. Cả năm chẳng bao giờ thấy có đứa nào đến hỏi thăm bố sống thế nào, ốm đau ra sao?”.

Hỏi về cuộc sống trước khi vào viện dưỡng lão, đôi mắt người cha cả đời gánh gồng ấy lại rưng rưng chực khóc: “Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể. Con nuôi cha mẹ con kể từng ngày”, đau xót lắm cô ơi! Cả đời chắt chiu nuôi con, đến khi về già chúng nó đối xử như người dưng nước lã”.

{keywords}

Các cụ già được chăm sóc tại Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Bách Niên Thiên Đức

May mắn hơn ông T., bà Phạm Thị Tuyết H. (1947, Hà Nội) có 2 con trai đang định cư nước ngoài. Không yên tâm khi để bố mẹ tự chăm nhau, các con của bà gửi bố mẹ vào Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Bách Niên Thiên Đức để yên tâm làm việc nơi xứ người. Mùa Vu Lan đến, dù nhớ con da diết nhưng không thể gặp, bà đành phải cất nỗi nhớ chảy ngược vào trong.

“Giờ con cái ở xa nên không thể vào thăm, nhưng các cháu vẫn gọi điện về hỏi han sức khỏe của bố mẹ. Mong ước của tôi trong mùa Vu Lan là gia đình sum họp để cùng nhau ăn một bữa cơm gia đình ấm cúng, mong cho con cái luôn sống hạnh phúc, vui vẻ là cách báo hiếu tốt nhất với mẹ rồi” – bà nói.

Mòn quà tặng mẹ của cô bé ung thư

Tương tự không khí ở Bệnh viện Huyết học máu và Truyền máu Trung ương, nơi có các em nhỏ điều trị vì căn bệnh ung thư máu, cũng cùng tĩnh lặng trong những ngày này.

Mang trong mình căn bệnh ung thư máu, phải nghỉ học giữa chừng để điều trị, giấc mơ trở thành bác sỹ của em Thế A (11 tuổi, Thanh Oai, HN) bị dang dở. Từ ngày Thế A nhập viện, chị Hương mẹ của em, phải bỏ hết công việc để vào chăm con.

{keywords}

Không thể cùng bố mẹ đến tham dự các buổi lễ trong Lễ Vu Lan, Thế A luôn cảm thấy có lỗi với bố mẹ nên em phải cố gắng sớm khỏi bệnh để bố mẹ sống vui vẻ

Từ một cậu bé thông minh, nghịch ngợm Thế A dần trở nên ít nói hay cáu gắt. Cậu bùi ngùi: “Vu Lan năm ngoái em còn có thể giúp mẹ chuẩn bị mâm cơm cúng ông bà nhưng năm nay chắc không làm được điều đó nên em sẽ nhắn tin chúc bố mẹ. Ngày em nằm ở viện là những này mẹ vất vả nhất. Có những hôm giật mình tỉnh giấc, em lại thấy mẹ ngồi một mình rồi khóc".

Không ý thức được nỗi lo lắng của người lớn, bé Kim Ngân hồn nhiên lấy từ dưới gối một bức tranh rồi khoe: “Cô xem này, cháu vừa vẽ tối qua đấy! Cháu định tặng mẹ nhân ngày lễ Vu Lan. Nếu ngày mai cháu được xuất viện, bố mẹ sẽ cho cháu đi công viên ạ!”.

{keywords}

Vu Lan là ngày báo hiếu công dưỡng dục của bố mẹ thì ở đây, có rất nhiều ông bố bà mẹ vì sức khỏe của con cái mà quên đi có một ngày dành cho chính mình

Không phải là bức tranh được giấu kín, lời chúc bình dị mà đối với em Hà Anh T ( 9 tuổi, Vĩnh Phúc) trong ngày này là mong muốn được cài lên mái tóc mẹ một bông hoa. Đó là bông hoa em hái vội lúc đi chơi dưới sân bệnh viện.

Dù đã 9 tuổi nhưng T chỉ nặng 21kg, gầy gò và xanh xao. Chị Nguyễn Thị Hoa, mẹ T cho biết: “Cháu bị phát hiện ung thư máu từ tháng 2 vừa rồi và đến nay đã truyền 3 đợt hóa chất. Khi biết con bị bệnh tôi sốc lắm, như một người điên dại vì bị dồn đến đường cùng. Điều mong muốn lớn nhất của tôi bây giờ là có một phép màu nào đó để T khỏi bệnh thì tốt biết bao”.

Minh Giang – Thúy Nga